*Vợ em bị sâu răng, khi khám bác sĩ yêu cầu điều trị tủy. Nghe nói điều trị tủy sẽ rất đau, em nghĩ sâu răng chỉ cần nhổ là được, sao phải lấy tủy? Quy trình lấy tủy như thế nào? Cám ơn bác sĩ. (Ngọc Trâm, Tân Bình)
Bác sĩ Đoàn Hồ Điệp, khoa Răng Hàm Mặt, Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare:
Tủy răng là phần nằm ở trung tâm của răng, chứa thần kinh và mạch máu để nuôi dưỡng răng. Răng bị sâu đến tủy sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập, gây nên tình trạng viêm tủy và nặng hơn là hoại tử tủy. Triệu chứng khi bị sâu răng đến tủy rất đa dạng, có thể đau nhức, ê ẩm hoặc đôi lúc có thể không có triệu chứng gì rõ ràng.
Trong trường hợp sâu răng đến tủy không được điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn sẽ lan xuống chóp chân răng và gây ra những bệnh lý quanh chóp, dẫn đến việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu được điều trị tủy tốt, răng sẽ tồn tại trên cung hàm rất lâu và vẫn giữ được chức năng (gần) như một răng bình thường.
Trường hợp răng sâu chỉ được chỉ định nhổ trong trường hợp sâu quá lớn không còn đủ mô răng để phục hồi, nhiễm trùng quá nặng hoặc nứt, tét chân răng… Thông thường, bác sĩ sẽ cố gắng giữ lại răng hết mức có thể. Khi răng được giữ lại đồng nghĩa khớp cắn của bệnh nhân cũng sẽ được giữ ổn định. Đồng thời, bệnh nhân sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí phục hồi lại răng đã nhổ.
Điều trị tủy răng là một quy trình loại bỏ tủy bị nhiễm khuẩn, sau đó trám bít ống tủy bằng một loại vật liệu thay thế. Quy trình điều trị sẽ được thực hiện trong một hoặc vài lần hẹn, tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn của răng. Bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ nhằm giảm đau trong suốt quá trình thực hiện.
Với sự tiến bộ trong kỹ thuật điều trị, quy trình được tiến hành nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Vì vậy, bệnh nhân nên tiến hành việc điều trị ngay khi phát hiện để đạt được kết qua tối ưu nhất.