Người dân nơi đây thường trồng cây muồng xen trong vườn cà phê, trồng ở bìa rẫy, bờ lô để vừa lấy bóng mát vừa làm trụ cho tiêu leo.
Hàng năm, khoảng cuối tháng ba đầu tháng tư, trong cái nắng chang chang của mùa khô Tây Nguyên, từng đàn bướm vàng từ đâu bay đến đậu rợp trên những hàng muồng um tùm. Chúng đẻ trứng ở đấy và chỉ ít ngày sau, trứng nở thành những con sâu bám đầy trên những cành muồng tươi tốt.
Mùa sâu muồng, chỉ cần dạo một lát qua những gốc muồng là có cả tô sâu đầy tú hụ.
Đến với buôn làng những ngày này, gặp bữa, bao giờ bạn cũng được thưởng thức món sâu muồng. Con sâu muồng nhỏ, da trơn, lưng có mầu nâu vàng, hai bên mình có sọc màu nâu thẫm.
Sâu ăn lá muồng nên con nào con nấy nung núc, mập căng. Lần đầu nhìn thấy, nhiều người thấy ghê ghê. Nhưng với người Ê Đê, những người vốn rất gần gũi và am hiểu về thiên nhiên, từ lâu sâu muồng là một loại thực phẩm sạch mà thiên nhiên ban tặng.
Cách làm món sâu muồng rất đơn giản. Sâu bắt về, để chừng nửa buổi cho sâu tiêu hết phân trong ruột rồi rửa qua cho sạch, để ráo nước.
Đợi cho chảo nóng già, phi hành mỡ cho thơm rồi cho sâu vào xào, đảo nhẹ tay để tránh sâu bị dập nát. Nêm một chút muối và bột ngọt cho vừa ăn.
Nếu muốn, có thể rắc thêm một ít lá chanh thái chỉ và một vài lát ớt tươi. Nhưng với những người đã quen ăn thì không cần thêm gia vị gì cả, cứ xào không như vậy mới giữ được hương vị riêng của món này.
Khi xào để nhỏ lửa, thấy mình sâu săn lại là được.
Lần đầu được mời ăn món này, có người cứ e dè, đũa trên tay cứ ngại ngần. Nhưng thấy trong mâm, mọi người ai cũng gật gù, tấm tắc thì đánh bạo gắp một gắp thử xem.
Nếm xong đũa thứ nhất lại muốn gắp thêm đũa thứ hai, rồi đũa nữa … Sâu muồng xào, ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Có thêm vị thơm thơm của lá chanh, vị cay cay của ớt. Tất cả hòa quyện, thật khó có thể cưỡng lại vị ngọt ngon của món ăn này.
Nhộng sâu muồng rang vàng ươm.
Ngoài món sâu muồng còn có món nhộng sâu muồng. Nhộng sâu muồng là do những con sâu già lột xác hóa thành, nằm im trong tán lá xanh. Nhộng có hình thoi, nhỏ hơn đầu đũa một chút, màu xanh như cốm non, nhìn loáng qua trông như những hạt ngọc của chuỗi vòng ngọc thạch.
Nhộng sâu muồng có thể luộc chấm muối tiêu nhưng ngon nhất vẫn là nhộng rang mỡ. Nhộng sâu muồng rang chín có màu vàng ươm, thơm như châu chấu rang, vỏ ngoài giòn giòn, ăn ngậy, béo và bùi. Có người bảo nhộng sâu muồng ăn giống như nhộng tằm nhưng thơm hơn và không ngấy.
Sâu muồng xào.
Bà con dân tộc Ê Đê, những cư dân lâu đời của vùng đất Tây Nguyên, bằng kinh nghiệm sống của mình cho biết, món sâu muồng, nhộng muồng không chỉ ngon miệng mà còn có khả năng phòng chống bệnh sốt rét.
Còn với cánh mày râu thì đây vừa là món nhậu khoái khẩu vừa như vị thuốc bổ thận tráng dương. Bởi vậy, sâu muồng, nhộng sâu muồng vốn chỉ là món ăn dân dã của người Ê Đê bây giờ trở thành đặc sản của đất Tây Nguyên, được nhiều người ưa chuộng.
Mùa sâu muồng kéo dài không lâu. Cuối tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, những con nhộng muồng thoát xác thành bướm bay đi. Nhưng hương vị của món sâu muồng, nhộng muồng thì ai đã nếm qua một lần sẽ khó mà quên được.