Thẩm phán Victoria Famá đã đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt sau khi xem xét vai trò của cặp vợ chồng già trong suốt cuộc hôn nhân gần 30 năm của họ. Người vợ được xác định là bà M.L, đã ở nhà chăm sóc gia đình trong khi chồng đi làm.
Mặc dù có bằng kinh tế nhưng người phụ nữ đã gác lại sự nghiệp để nuôi con và chăm sóc ngôi nhà. Vào thời điểm bị chồng ruồng bỏ, bà đã 60 tuổi, quá lớn tuổi so với thị trường việc làm.
"Sau khi kết hôn 27 năm, bị cáo đã bỏ rơi vợ mình khi bà ấy vừa tròn 60 tuổi, độ tuổi mà phụ nữ bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí, thế nhưng bà ấy đã bị loại ra khỏi thị trường lao động từ lâu. Sự phụ thuộc kinh tế của vợ vào người chồng của họ là một trong những cơ chế trung tâm mà qua đó, người phụ nữ trở thành kẻ phụ thuộc của xã hội", thẩm phán Famá tuyên bố.
Cặp đôi người Argentina ly thân vào năm 2009 và li dị vào 2 năm sau đó. Kể từ lúc ấy đến nay, người phụ nữ đã phải trải qua những khó khăn tài chính do không thể tìm được việc làm và chỉ nhận được các khoản trợ cấp hưu trí ít ỏi. Trong khi đó, chồng bà đã sống một cuộc sống rất tốt.
"Phán quyết này rất mới lạ vì nó thừa nhận những gì chúng ta làm trong nhà là một công việc, nhiệm vụ chăm sóc nhà cửa là việc làm toàn thời gian, yêu cầu sự nỗ lực và những kỹ năng. Thế nhưng không phải ai cũng thấy được và phụ nữ không được nhận tiền lương cho việc nhà", Lucia Martelotte - giám đốc điều hành của nhóm Tư pháp và Giới tính Mỹ Latinh cho biết.
Thẩm phán Famá cũng mô tả đây là một khoản tiền bồi thường hợp lý để cân bằng tình trạng kinh tế khác nhau của cặp vợ chồng. Nữ thẩm phán nói thêm rằng người phụ nữ có bằng cấp về kinh tế và độ tuổi khi bị chồng rời bỏ cũng là những yếu tố được sử dụng để xem xét.
Các luật sư Argentina đều cho rằng bản án này khá mới lạ và số tiền bồi thường như vậy là chưa từng có trong lịch sử. Dữ liệu của OECD (tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) cho thấy phụ nữ làm việc tại nhà nhiều hơn nam giới ở cả 10 quốc gia phát triển nhất trên thế giới.