Mất 30 tỷ trong 1 ngày
Kết thúc tháng 4/2015 khá ảm đạm khi tuần cuối cùng của tháng 4, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) liên tục lao dốc, gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường đô-la) lại tiếp tục có sự khởi đầu không mấy suôn sẻ trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5.
Sau khi kết thúc kỷ nghỉ lễ kéo dài 6 ngày, tại phiên giao dịch ngày 4/5, cổ phiếu QCG mất 6% điểm, tuột mốc 8.000 đồng mà QCG đã cố gắng giữ trong suốt 1 tháng qua, để rơi xuống mức 7.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu QCG đã mất 500 đồng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5.
Mất 500 đồng/cổ phiếu không phải là con số quá lớn khi trong ngày 4/5, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng mất giá tới 1.000 đồng/cổ phiếu. Nữ đại gia Masan Nguyễn Hoàng Yến cũng mất 26 tỉ đồng khi cổ phiếu MSN lao dốc 1.000 đồng/cổ phiếu. Đó là chưa kể hàng loạt các đại gia khác cũng có một ngày giao dịch đầu tháng 5 vô cùng ảm đạm.
Nhưng một năm sau, cổ phiếu QCG lại tiếp tục đà xuống dốc khi hiện nay chỉ còn giữ được mức 7.900 đồng/cổ phiếu.Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá cổ phiếu của QCG ở thời điểm hiện tại thì việc để mất 6% điểm lại là cả một vấn đề.
Cách đây 1 năm, đúng vào thời điểm tháng 4-5/2014, cổ phiếu QCG đã có sự bứt phá ngoạn mục khi từ mức giá 6.000 đồng/cổ phiếu (vào cuối năm 2013) tăng lên hơn 13.000 đồng/cổ phiếu (thời điểm tháng 4/2014).
Việc sụt giảm 500 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5/2015 cũng khiến khối tài sản của mẹ con Cường đô la thay đổi ít nhiều. Theo đó, với việc sở hữu trên 60,5 triệu cổ phiếu QCG, bà Nguyễn Thị Như Loan mất đi hơn 30 tỉ đồng. Bản thân Cường đô-la cũng mất 268 triệu đồng và cô em gái Nguyễn Ngọc Huyền My mất 90 triệu đồng.
Nhận lương "ôsin", chật vật vì ế hàng
Trong nhiều năm trở lại đây, dư luận không còn “sốc” với mức lương mà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) – Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai nhận được. Sau một năm lao động quần quật, Cường đô la chỉ được trả 36 triệu đồng/năm, tương đương 3 triệu đồng/tháng.
2014 cũng vậy, Cường đô la và các lãnh đạo cấp cao của Quốc Cường Gia Lai không hề được tăng lương. Theo báo cáo thường niên 2014 của Quốc Cường Gia Lai, mặc dù kiêm nhiệm cả chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Cường đô la vẫn chỉ nhận được 3 triệu đồng/tháng.
Cùng nhận mức lương bèo bọt 3 triệu đồng/tháng như Cường đô la là ông Lại Thế Hà, thành viên Hội đồng quản trị Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc, ông Hà Việt Thắng, bà Đặng Phạm Minh Loan, hai thành viên Hội đồng quản trị và bà Đặng Thị Bích Thủy, Trưởng ban kiểm soát.
|
Việc bị thâm hụt tài sản trong bối cảnh Quốc Cường Gia Lai đang chật vật vì ế hàng là cả một vấn đề lớn. |
Hai thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Diệu Phương, ông Nguyễn Đa Thời thậm chí còn nhận mức lương thấp hơn chỉ 2 triệu đồng/người/tháng.
Là người đứng đầu công ty Quốc Cường Gia Lai khi kiêm nhiệm hai vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc nhưng thù lao mà bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ Cường đô la nhận được còn khiêm tốn hơn mức lương trung bình của nhân viên ngân hàng nhỏ.
Cụ thể, trong năm 2014, thù lao của bà Như Loan chỉ là 7 triệu đồng/tháng, tương đương 84 triệu đồng/tháng.
Bảng lương bèo bọt của thành viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát Quốc Cường Gia Lai không có chút thay đổi nào trong nhiều năm qua.
Đây là mức lương khá phù hợp với tình hình lợi nhuận của công ty. Dù có số vốn ngàn tỷ nhưng trong những năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của Quốc Cường Gia Lai rất khiêm tốn, chỉ đạt 7,8 tỷ đồng, 14,8 tỷ đồng và 32,9 tỷ đồng trong các năm 2012, 2013 và 2014.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính 2014 của Quốc Cường Gia Lai, số hàng tồn kho đến cuối năm 2014 của công ty nhà Cường đô la vẫn ở mức lớn: 4.184 tỷ đồng, tương ứng chiếm 60% tổng tài sản của công ty. Tuy tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản của QCG có giảm so với 2013 (năm 2013 tỷ lệ này là 64%), nhưng trên thực tế hàng tồn kho lại tăng nhẹ thêm 111 tỷ đồng.
Tỷ lệ trên giảm do tổng tài sản của QCG đã tăng từ 6.360 tỷ đồng lên 6.968 tỷ đồng trong năm 2014. Xét lượng hàng tồn kho trong 5 năm gần đây, hàng tồn kho của QCG liên tục tăng và luôn chiếm trên 50% tổng tài sản hợp nhất của công ty.
Trong số các dự án dở dang hình thành nên giá trị hàng tồn kho của QCG, dự án khu dân cư Phước Kiển luôn là dự án có giá trị dở dang lớn nhất trong nhiều năm nay. Dự án này bắt đầu được hạch toán vào báo cáo tài chính của QCG từ năm 2009 với tên gọi Dự án đất nền Phước Kiển với giá trị dở dang là 762 tỷ đồng.
Đến nay, giá trị hàng tồn kho dở dang tại dự án này đã lên đến 2.983 tỷ đồng. Dự án này và một số dự án khác của QCG đều đã được đem đi thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng thương mại. Với lượng hàng tồn kho còn lớn, QCG sẽ phải rất chật vật mới có thể vực lại được mảng kinh doanh cốt lõi của mình.
Ngoài ra, vẫn còn một số dự án đã được triển khai nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất như dự án chung cư Giai Việt, dự án chung cư QCGL II, dự án khu dân cư Trung Nghĩa và dự án chung cư The Mansion.
Ngoài giá trị trên 4.000 tỷ đồng hàng tồn kho, QCG còn có hơn 1.051 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu nằm ở 4 dự án: Trung tâm thương mại Sài Gòn Plaza (739 tỷ), dự án nông trường cao su (228 tỷ), dự án nhà Võ Thị Sáu (64,3 tỷ đồng) và dự án Thủy điện Lagrai 2 (7,8 tỷ đồng). Trong khi lượng hàng tồn kho vẫn còn đang rất lớn, QCG đã lại tiếp tục lên kế hoạch mua thêm dự án mới.
Cụ thể, với hơn 1.417 tỷ đồng huy động được từ các khoản nợ theo các hợp đồng vay vốn thực hiện chuyển đổi thành vốn cổ phần, QCG sẽ chi ra 296 tỷ để mua dự án Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM và chi 353 tỷ đồng cho chi phí đền bù dự án Phước Kiển.
Số tiền còn lại cũng được phân bổ cho các dự án khác, bao gồm 133 tỷ cho dự án Mansion, 147 tỷ chi phí xây dựng dự án 6B, 98 tỷ đầu tư dự án Trung Nghĩa và 293 tỷ chi phí xây dựng dự án Giai Việt.
Kết quả kinh doanh của QCG đã bắt đầu tiến triển tốt khi ghi lãi 55,9 tỷ đồng năm 2014. Lợi nhuận này chủ yếu nhờ tới 915,9 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính của QCG, chủ yếu là doanh thu từ việc chuyển nhượng đầu tư tài chính (899 tỷ đồng), cơ bản từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần từ dự án Bến Vân Đồn được ghi nhận trong quý IV.
Tính chung cả năm 2014, QCG đạt 523.5 tỷ doanh thu thuần, giảm 46% so với cùng kỳ 2013 và bằng 35% kế hoạch năm. Nhờ giá vốn giảm đồng thời doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt 55,9 tỷ đồng, gấp 9,3 lần lợi nhuận thu về 2013. So với mục tiêu 1.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, QCG mới chỉ đạt được 48% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tuy nhiên, với lượng hàng tồn kho còn lớn, QCG sẽ phải rất chật vật mới có thể vực lại được mảng kinh doanh cốt lõi của mình.