Sau đấu thầu giá vàng vẫn 'bay cao'

GD&TĐ - Sau nhiều phiên tổ chức đấu thầu vàng miếng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở ngưỡng cao, thậm chí có xu hướng tăng lên.

Người dân xếp hàng đi mua vàng trong bối cảnh giá vàng tăng cao.
Người dân xếp hàng đi mua vàng trong bối cảnh giá vàng tăng cao.

Trái với mong muốn kéo giá vàng trong nước sát với thế giới, sau nhiều phiên tổ chức đấu thầu vàng miếng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở ngưỡng cao, thậm chí có xu hướng tăng lên.

Giá vàng nhảy múa…

Tính đến 15 giờ ngày 12/5, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 87,7 - 89,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại DOJI đang ở mức 1,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng SJC ở ngưỡng 88,8 - 91,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.

Trái với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá vàng miếng liên tục neo ở mức giá cao, thậm chí không ngừng phá đỉnh khi NHNN đã 5 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng nhưng có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu dự thầu. Lần đầu tổ chức thành công là ngày 23/4, song, chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho 2 đơn vị là ACB và SJC, phiên đấu thầu bị ế 13.400 lượng vàng.

Thay vì giúp hạ nhiệt, các phiên đấu thầu theo giá như hiện nay lại khiến thực tế đi ngược lại với lý thuyết. Đỉnh điểm, ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng vọt lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng niêm yết ở mức 92,4 triệu đồng/lượng dù thế giới đi ngang. Giá vàng trong nước “neo” ở mức trên lại một lần nữa nới rộng chênh lệch với giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá vàng trong nước ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, bởi ngày 10/5 giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng lên 2.350 USD/once, tức là tăng hơn 45 USD so với giá vàng ngày 9/5.

“Giá vàng thế giới tăng cũng đã làm cho giá vàng của Việt Nam tăng theo. Tuy nhiên, giá vàng của thế giới nếu quy ra VNĐ chỉ khoảng hơn 72 triệu đồng/lượng. Giá vàng 9999 ở Việt Nam đã tăng rất cao, đặc biệt là vàng SJC đã vượt mức 92 triệu đồng/lượng.

Với 5 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước hy vọng sẽ cung cấp thêm một lượng vàng miếng SJC cho thị trường, kéo giá vàng miếng SJC gần với giá vàng 9999. Từ đó kéo giá vàng 9999 gần với giá vàng thế giới. Nhưng trong 5 phiên đấu thầu thì 3 phiên không đấu được và 2 phiên đấu thành công, mỗi phiên 3.400 lượng. Do đó, lượng vàng cung cấp cho thị trường tương đối ít”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Hiện giá vàng miếng SJC đang được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 88,8 triệu đồng/lượng mua vào và 91,3 triệu đồng/lượng bán ra. So với đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng thiết lập trước đó giá vàng SJC đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng.

Đại diện một đơn vị kinh doanh vàng tại Hà Nôi chia sẻ, mức giá khởi điểm đưa ra để đấu thầu vàng hiện nay vẫn chưa đủ hấp dẫn, còn quá cao. Trong khi các tổ chức tham gia đấu thầu còn nghe ngóng nhu cầu thị trường thế nào, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng tăng nhanh và mạnh thì đương nhiên các tổ chức sẽ có những câu chuyện về giao dịch.

“Nghị định 24 cần được nhanh chóng sửa đổi theo hướng bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành. Bên cạnh đó, cần phải tăng khâu kết hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ ngành khác để kiểm tra, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa giúp thị trường vàng liên thông tốt hơn trong thời gian tới”, vị đại diện cho biết.

Cân bằng thị trường vàng?

Theo các chuyên gia, bất chấp Ngân hàng Nhà nước liên tục đấu thầu bán vàng miếng, tâm lý của thị trường đang đẩy giá vàng miếng SJC liên tục lập đỉnh những ngày qua. Vàng miếng SJC từ trước tới nay vẫn là mặt hàng mà mọi người đang mong muốn mua được, vẫn là kênh được nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm.

Chuyên gia Trần Minh Phong phân tích, tâm lý của người mua đang là yếu tố quyết định quan trọng tới đà tăng của giá vàng trong nước. Người mua vẫn sẵn sàng mua với giá cao hơn vì cho rằng giá vàng sẽ còn tăng tiếp.

“Ở phía ngược lại, khi đấu thầu được ít thì nhà kinh doanh cũng có tâm lý rằng lượng vàng đáp ứng thị trường không tăng thêm, tâm lý có vàng muốn giữ lại vì cho rằng giá sẽ còn tăng. Cộng hai yếu tố này phần nào khiến giá vàng SJC tăng mạnh trong những ngày qua”, vị chuyên gia nhận định.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng, thay vì 1.400 lượng như hiện nay, như vậy sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn. Ngoài ra, giá cọc cũng cần thay đổi, bởi hiện tại, các doanh nghiệp đều cho rằng giá còn cao.

Theo ông Khánh, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Nếu sửa nghị định, nguồn cung vàng sẽ tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tiếp tục lập kỷ lục mới.

“Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam có đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC, để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung”, ông Khánh chia sẻ thêm.

“Việc đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể giải quyết vì sao giá vàng trong nước quá chênh lệch với giá vàng thế giới, mà chỉ làm sao đưa vàng ra có mức giá sát với thị trường. Như vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, chứ không phải là giải pháp lâu dài cho việc quản lý giá vàng hợp lý. Để có thể thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp thị trường và giải pháp hành chính”, chuyên gia Trần Minh Phong nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ