Sau “cơn địa chấn” Omicron, là gì?

GD&TĐ - Ngay khi Omicron lần đầu được phát hiện ở Botswana và Nam Phi, hai câu hỏi chính được đặt ra là: Liệu biến thể mới này có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó hay không?

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Ngay khi Omicron lần đầu được phát hiện ở Botswana và Nam Phi, hai câu hỏi chính được đặt ra là: Liệu biến thể mới này có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó hay không? Liệu nó có gây bệnh nặng hơn không?

Rõ ràng là, biến thể này đã lây lan “chóng mặt” và khiến các ca bệnh tăng nhanh. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu Omicron có ít “độc hại” hơn không. Kết quả ban đầu từ Nam Phi cho thấy, bệnh nhân nhiễm Omicron ít phải nhập viện hơn trước.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi nhập viện, bệnh nhân nhiễm Omicron ít phải thở oxy cũng như thở máy hơn. Đồng thời, số ca được đưa vào chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong cũng thấp hơn.

Tuy nhiên, thực tế, Nam Phi có dân số trẻ so với phần lớn thế giới. Do đó, liệu Omicron có gây bệnh nhẹ hơn ở các nước khác không vẫn chưa rõ ràng. Dữ liệu từ hầu hết quốc gia châu Âu, bao gồm cả Anh, đã ủng hộ gợi ý rằng, nhìn chung, Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước.

Theo các chuyên gia, một số yếu tố khác có thể giải thích tại sao điều đó xảy ra. Trước hết, đó là do khả năng miễn dịch. Ông Paul Hunter - Giáo sư Y khoa tại Trường Đại học Đông Anglia (Anh) - nhận định, khả năng là mọi người đã có miễn dịch trước đó.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, Omicron có rất ít đột biến đối với các bộ phận của virus mà tế bào T nhắm đến. Điều này ngụ ý rằng, khả năng miễn dịch được xây dựng trong quá khứ có thể chống lại bệnh nặng hiệu quả hơn.

Đây có thể được coi là một lời giải thích về lý do độc lực của Omicron có vẻ thấp hơn. Ví dụ: Ở Anh, người ta ước tính rằng, gần 95% người trưởng thành có một số hình thức miễn dịch đối với virus thông qua tiêm chủng hoặc mắc bệnh trước đó.

Một số nhóm cũng đã nghiên cứu khả năng phát triển của Omicron trong tế bào mô. Các nghiên cứu báo cáo rằng, virus phát triển kém hơn trong mô phổi, nhưng mạnh mẽ hơn trong mô của đường hô hấp trên so với các biến thể trước đó.

Nhìn chung, dù lây lan qua bất kể cơ chế nào, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta có thể “nhẹ nhõm” mà coi nhẹ tác động của Omicron.

Điều cần chú trọng nhất hiện nay là, tác động của Omicron đối với sức khỏe cộng đồng sẽ phụ thuộc vào số người bị nhiễm bệnh.

Bởi vì Omicron dễ lây lan hơn, chúng ta vẫn có thể rơi vào “thảm họa” nếu nhiều người bị bệnh nặng, ngay cả khi tỷ lệ những bệnh nhân này thấp hơn trước. Do đó, nỗ lực ngăn chặn virus lây lan vẫn là yếu tố “then chốt”, chí ít là vào thời điểm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.