Sau ca mắc Covid-19, các trường học tại Tiên Du tái kích hoạt tổ phòng chống dịch

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phòng GD&ĐT huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã nhanh chóng chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn tái kích hoạt các tổ phòng chống Covid-19.

Xét nghiệm Covid-19 cho học sinh (Ảnh minh họa).
Xét nghiệm Covid-19 cho học sinh (Ảnh minh họa).

Trước đó (chiều 31/8) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo kết quả xét nghiệm tại khu cách ly của Trung tâm Y tế thị xã Từ Sơn có 1 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trường hợp này thường trú tại khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, làm nghề bán hàng hải sản tại chợ thôn Đại Thượng, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du và thường xuyên lấy hàng tại chợ cá đêm phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn).

Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh, huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Đến sáng 1/9, hơn 20 chốt kiểm soát dịch bệnh với 17 chốt cứng và 5 chốt mềm đã đi vào hoạt động song song với 6 chốt được lập trước đó tại huyện Tiên Du.

Phong tỏa tạm thời toàn bộ xã Đại Đồng theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Phong tỏa tạm thời toàn bộ xã Đại Đồng theo phương châm "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Về công tác xét nghiệm, ngay trong đêm 31 và rạng sáng ngày 1/9, lực lượng chuyên môn đã hoàn thành việc xét nghiệm cho 15.000 công dân tại nơi cư trú của ca F0.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phạm Đăng Thuyên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Du cho biết, ngay sau khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Phòng đã chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn tái kích hoạt các Tổ phòng chống Covid-19 và đã được thực hiện xong.

Cũng theo ông Thuyên, công tác khai giảng và triển khai các nhiệm vụ cho năm học mới 2021-2022 vì do tình hình dịch bệnh có biến động nên huyện cũng đã xin ý kiến và chỉ đạo của tỉnh.

“Mặc dù vậy, về cơ bản, lễ khai giảng tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du sẽ được thực hiện theo hình thức trực tuyến theo kế hoạch và chỉ đạo chung của tỉnh Bắc Ninh nhưng phù hợp với tình hình thực tế đơn vị và đối tượng học sinh…” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Du cho biết thêm.

Ông Thuyên cũng nhấn mạnh, sau ngày khai giảng, các đơn vị, trường học ổn định tổ chức; thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, nề nếp dạy và học; đảm bảo chương trình và kế hoạch giảng dạy của năm học.

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục, hình thức dạy học phải phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, đảm bảo an toàn phòng, chông dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đặc biệt chú ý, quan tâm tới đối tượng các em học sinh tại xã Đại Đồng là khu vực bị phong tỏa.

Tại từng trường, mời toàn bộ cán bộ giáo viên của nhà trường và lãnh đạo của xã, thị trấn, một số đại diện cha mẹ học sinh.

Tại buổi lễ khai giảng, vẫn sẽ tiến hành chào cờ; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước; Lãnh đạo tỉnh phát biểu và đánh trống khai trường; phóng sự kết quả năm học 2020-2021 và chuẩn bị cho năm học mới; phát biểu của đại diện giáo viên, học sinh; văn nghệ chào năm học mới.

Ngay sau đó, hiệu trưởng, lãnh đạo từng trường sẽ điểm qua một số hoạt động, thành tích của năm học vừa qua. Đặc biệt, hiệu trưởng sẽ quán triệt đến phu huynh các phương án, kịch bản của công tác dạy và học sau khai giảng, nhất là dạy học trực tuyến.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Du, một trong những điều bận tâm là học sinh lớp 1 hiện chưa biết mặt cô giáo của mình.

Vì vậy, sau buổi khai giảng, tất cả các cấp học trên địa bàn huyện sẽ thực hiện việc dạy và học online. Riêng đối với lớp 1, sẽ xây dựng các video để dạy các con về nề nếp, tác phong. Bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ chuẩn bị soạn thảo các hướng dẫn cụ thể để các con làm quen, học hỏi những bước đầu tiên của việc học.

Ngay từ tháng 8, huyện Tiên Du đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT để tất cả các em học sinh đã nhận được sách giáo khoa và đã yêu cầu giáo viên hướng dẫn cho phụ huynh các kỹ năng để hỗ trợ các con trong việc học trực tuyến, chủ yếu là 2 môn Toán và Tiếng việt (đánh vần).

“Phòng đã chỉ đạo và yêu cầu các trường lập tức xây dựng các phương án dạy và học để ứng phó với từng tình huống cụ thể. Hiện tất cả các trường trên địa bàn huyện đã thực hiện.

Theo đó, các phương án được xây dựng theo 3 tình huống chính căn cứ trên tình hình dịch bệnh thực tế gồm: học sinh và giáo viên đều có thể đến trường học; học sinh phải ở nhà nhưng giáo viên vẫn đến được trường, cuối cùng là cả học sinh và giáo viên đều không thể đến trường…”, ông Thuyên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...