Sát cánh cùng sĩ tử

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006.

Thí sinh Yến Nhi (TPHCM) bị viêm tủy vẫn quyết tâm dự thi với cán bộ giám thị chép bài hộ.
Thí sinh Yến Nhi (TPHCM) bị viêm tủy vẫn quyết tâm dự thi với cán bộ giám thị chép bài hộ.

Với tính chất đặc biệt, trên khắp cả nước, nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thí sinh cũng được chủ động triển khai. Qua đó góp sức cùng với ngành Giáo dục tổ chức kỳ thi an toàn, đúng quy chế, thành công và tạo thuận lợi nhất cho mọi thí sinh.

Đồng hành trên mọi nẻo đường

Đêm khuya ngày 26/6, các thầy, cô giáo Trường THPT Trạm Tấu (Yên Bái) vẫn lặn lội 12km đường mưa vào thôn Tà Chử, xã Bản Công để đón cậu học trò Giàng A Mềnh về ký túc xá để kịp dự thi tốt nghiệp THPT vào sáng hôm sau. A Mềnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác nên 2 anh em ở với nhau.

Nhiều tỉnh, thành như Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… cũng tổ chức hoạt động “Tiếp sức mùa thi” cho học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn như: Tìm phòng trọ, tặng suất cơm miễn phí, phát nước lọc, bánh mỳ. Lập đội phản ứng nhanh trước các điểm thi để kịp thời hỗ trợ, xử lý tình huống bất ngờ nếu có.

Đúng hôm làm thủ tục dự thi, em gái của Giàng A Mềnh mổ ruột thừa nên cậu học trò phải đến bệnh viện chăm sóc. Các thầy, cô giáo thấy A Mềnh vắng mặt, cố gắng liên lạc nhưng không được nên đã quyết định trực tiếp đến nhà tìm trò.

Thầy Tạ Ngọc Hồng (thư ký điểm thi Trường THPT Trạm Tấu) trực tiếp đi đón A Mềnh cho hay: “Trời mưa, đường trơn nên thầy cô rất vất vả. Nhưng không muốn học trò lỡ thi nên vẫn lên đường, đến 12 giờ đêm, chúng tôi đã đón được em về ký túc xá, bố trí chỗ ăn nghỉ để kịp dự thi tốt nghiệp môn đầu tiên vào sáng 27/6”.

Huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) không có điểm thi tốt nghiệp THPT, nên các thí sinh tại đây phải vượt biển vào đất liền dự thi. Để hỗ trợ học sinh, thầy, cô giáo và lãnh đạo địa phương đã tổ chức cho các em đi tàu, vượt quãng đường biển hơn 60km.

Trực tiếp đưa học sinh đi thi, thầy Võ Hoàng Tuấn - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THCS - THPT Kiên Hải cho biết, lớp có 34 học sinh dự thi tại Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá). Các em được bố trí, sắp xếp nơi lưu trú trong suốt kỳ thi tại nhà nghỉ gần điểm thi. Trong đoàn học sinh đi thi năm nay có 12 em hoàn cảnh khó khăn. Có em mồ côi cả cha mẹ, sống một mình. Địa phương đã tổ chức trao hỗ trợ, động viên các em lên đường tham gia kỳ thi.

Ban giám hiệu, giáo viên Trường THCS - THPT Lại Sơn (huyện Kiên Hải) cùng 63 học sinh lớp 12 đã lên tàu vào TP Rạch Giá tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ trưa 25/6. Hội Khuyến học có hỗ trợ một phần chi phí giúp đỡ những em hoàn cảnh khó khăn.

Em Nguyễn Yến Khoa, học sinh Trường THCS - THPT Kiên Hải chia sẻ: “Chúng em thấy hạnh phúc khi được thầy hỗ trợ đi cùng vào điểm thi. Các cô chú công an cũng nhiệt tình hỗ trợ đưa đón chúng em đến nơi lưu trú để thuận tiện cho những ngày thi. Chúng em quyết tâm thi thật tốt để không phụ lòng giúp đỡ của thầy cô và các cô, các chú”, Yến Khoa nói.

Trong những ngày thi, tại khu vực miền núi cao, khó khăn, hải đảo… nhiều hoạt động tình nguyện tiếp sức cho sĩ tử được triển khai, sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ thí sinh trong mọi tình huống. Huyện Nậm Pồ (Điện Biên) năm nay có hơn 500 thí sinh, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, học xa nhà. Để hỗ trợ thí sinh, Huyện đoàn Nậm Pồ chủ trì phối hợp với Hội Phụ nữ huyện, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn kêu gọi, huy động kinh phí tổ chức nấu ăn phục vụ thí sinh. Tổng kinh phí kêu gọi được trong đợt này khoảng 70 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thúy – Bí thư Huyện đoàn Nậm Pồ cho biết, Chương trình Tiếp sức mùa thi được triển khai từ ngày 26 đến hết ngày 28/6. Gần 4.000 suất ăn được chuyển đến phục vụ thí sinh trong suốt quá trình dự thi.

Ngoài các bữa ăn chính, chương trình còn phát xôi, sữa, nước lọc; chuẩn bị áo mưa, mũ và ô để hỗ trợ thí sinh di chuyển từ cổng trường vào khu vực gần phòng thi trong trường hợp xảy ra mưa lớn; bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thi… Huyện đoàn cũng huy động hơn 200 đoàn viên thanh niên tham gia ứng trực tại 2 điểm thi của huyện là: Trường THPT Chà Cang và THPT Nậm Pồ.

Thí sinh huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) vượt 60km vào đất liền dự thi với sự đồng hành của thầy, cô giáo.

Thí sinh huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) vượt 60km vào đất liền dự thi với sự đồng hành của thầy, cô giáo.

9 học sinh mồ côi do dịch Covid-19 đang ở nội trú tại Trường Hy Vọng (TP Đà Nẵng) tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

9 học sinh mồ côi do dịch Covid-19 đang ở nội trú tại Trường Hy Vọng (TP Đà Nẵng) tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Vượt nghịch cảnh dự thi

Trương Yến Nhi là thí sinh đặc biệt tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TPHCM) khi em chưa thể ngồi dậy bình thường mà phải nằm dự thi với giám thị chép bài hộ. Theo thầy Nguyễn Anh Phương - Trưởng điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, trước kỳ thi điểm thi đã nhận được đơn xin hỗ trợ của phụ huynh thí sinh. Sở GD&ĐT TPHCM đã có chỉ đạo về việc hỗ trợ trường hợp của thí sinh này.

Trước đó, khi chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, em Yến Nhi (học sinh lớp 12A5 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) phát hiện mắc viêm tủy. Nữ sinh phải nhập viện điều trị tới ngày 20/6 mới được xuất viện. Yến Nhi chia sẻ, em không thể đến trường để ôn thi những buổi quan trọng cuối cùng.

Tại bệnh viện, dù cố gắng tự ôn tập nhưng do thường xuyên bị đau đầu, tê tay và chân nên em không thể ngồi lâu. Sau khi xuất viện về nhà, em đã uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, cố gắng tập ngồi để có thể tham gia dự thi bình thường như các bạn. Tuy nhiên, đến ngày thi em vẫn chưa thể ngồi viết bài trong thời gian dài, căng thẳng.

Thầy Nguyễn Anh Phương cho hay, để đảm bảo thí sinh có thể tham gia kỳ thi an toàn, điểm thi đã bố trí cho thí sinh thi tại phòng riêng kế phòng y tế. Trong phòng thi có giường nằm phòng trường hợp thí sinh mệt có thể nằm thi. Đồng thời, để đảm bảo khách quan cho kỳ thi, điểm thi đã bố trí 2 giám thị coi thi, 1 cán bộ giám sát hành lang, 1 cán bộ viết bài thay, 1 máy ghi âm và 1 máy quay giám sát để thực hiện đúng Quy chế thi.

Được tạo mọi điều kiện dự thi, nữ sinh chia sẻ: “Dù không thuận lợi trong ôn thi, nhưng em được gia đình, bạn bè và thầy cô luôn động viên, giúp đỡ. Vì vậy, em sẽ nỗ lực hết sức mình để làm bài. Em có ước mơ được làm giáo viên dạy Văn nên đã đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm Văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM”.

Tại tỉnh Gia Lai, 2 thầy giáo dạy tiểu học đã U50 vẫn quyết tâm thi tốt nghiệp THPT để làm gương cho con cháu và học sinh. Sáng 27/6, tại điểm thi Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh), thí sinh tự do Rơ Châm Ui (47 tuổi, giáo viên văn hóa Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ia O, huyện Ia Grai) bước vào buổi thi đầu tiên trong sự động viên của gia đình, bạn bè. Thí sinh Ui chia sẻ, nhà cách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chư Păh 60km nhưng vẫn cố gắng theo học chương trình THPT. Những bài tập khó, bản thân phải nhờ sự hỗ trợ của thầy, cô. Bước vào kỳ thi, thí sinh tự do Rơ Châm Ui khá tự tin và hy vọng hoàn thành tốt các môn Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Địa lý.

Tương tự, Rơ Châm Un (48 tuổi, người Jrai) là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Gia Lai. Có gần 30 năm là giáo viên văn hóa Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) thế nhưng lại chưa có bằng tốt nghiệp THPT vẫn là điều khiến thầy giáo này bận tâm.

Cách đây 4 năm, được sự động viên, ủng hộ của gia đình, thầy quyết tâm đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chư Păh. Cuối tuần, bản thân vượt hơn 80km từ nhà đến trường ôn tập kiến thức.

Năm 2023, thí sinh Rơ Châm Un đăng ký dự thi tốt nghiệp nhưng không hoàn thành tốt bài làm như mong đợi. Không từ bỏ, năm 2024, thầy Un tiếp tục ôn tập. Phần kiến thức nào khó, không hiểu, thầy nhờ con gái đang học Sư phạm Mầm non ở tỉnh Kon Tum hỗ trợ. “Tôi đăng ký thi Toán, Ngữ văn và Lịch sử và hi vọng bản thân sẽ hoàn thành tốt kỳ thi, sớm nhận được tấm bằng tốt nghiệp THPT”, thầy Un chia sẻ.

Trong khi đó, nữ thí sinh người dân tộc thiểu số Pa Cô - Hồ Thị Vui là 1 trong 3 học sinh của Trung tâm GDNN-GDTX huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) dự thi tốt nghiệp. Năm nay 22 tuổi và đã có chồng con nhưng cô gái Pa Cô vẫn không từ bỏ việc học. “Mặc dù đã có gia đình, gặp khó khăn về thời gian nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô nên em đã có cơ hội đi học và đi thi ngày hôm nay. Em cố gắng thi để đạt được kết quả thật tốt”, Hồ Thị Vui nói.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện A Lưới năm nay có 5 thí sinh học lớp 12 nhưng chỉ có 3 bạn dự thi là Hồ Thị Vui, Viên Thị Ra Pia (sinh năm 2006), Hồ Nam Trường Sinh (sinh năm 2005). Có mặt trực tiếp động viên cả 3 thí sinh dự thi, ông Lê Đình Chinh - Giám đốc Trung tâm đã dặn dò các em bình tĩnh và tập trung cao độ khi làm bài để có kết quả tốt nhất.

Những suất cơm miễn phí dành cho học sinh biên giới Nậm Pồ (Điện Biên).

Những suất cơm miễn phí dành cho học sinh biên giới Nậm Pồ (Điện Biên).

Thầy giáo tiểu học Rơ Châm Un (48 tuổi, người Jrai) là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Gia Lai.

Thầy giáo tiểu học Rơ Châm Un (48 tuổi, người Jrai) là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Gia Lai.

Những phụ huynh đặc biệt của chuyến đò 2024

5 giờ sáng, chị Y Tươm (38 tuổi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, Kon Tum) cùng chồng là A Súc (39 tuổi) vượt quãng đường hơn 50km về điểm thi Trường Phổ thông trung học DTNT tỉnh Kon Tum để động viên cô con gái Y Thuyn.

Y Thuyn là học sinh lớp 12C, Trường Phổ thông trung học DTNT tỉnh Kon Tum, được bố trí ăn, ở miễn phí tại trường trong những ngày diễn ra kỳ thi. Kết thúc môn thi Ngữ văn, Y Thuyn vui mừng và hạnh phúc khi thấy cha mẹ đã đứng đợi sẵn. Qua ít phút gặp gỡ ngắn ngủi sau giờ thi, Y Thuyn chào cha mẹ bằng cái ôm thật chặt rồi quay vào ký túc xá dùng cơm trưa và nghỉ ngơi để tiếp tục bài thi môn Toán vào buổi chiều.

“Con ăn cơm trong trường cho đảm bảo an toàn, vệ sinh. Hai vợ chồng ở đây đến chiều, đợi cháu thi xong môn Toán rồi lại chạy xe về nhà. Sáng mai vợ chồng lại xuống sớm để con yên tâm khi biết có bố mẹ ngoài trường thi. Kỳ thi này rất quan trọng nên gia đình luôn sát cánh, tiếp thêm năng lượng tích cực để cháu vững tin”, chị Y Tươm tâm sự.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tính chất đặc biệt, dành cho lứa học sinh cuối cùng của Chương trình GDPT 2006. Kể từ năm sau, kỳ thi được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018 dự kiến có nhiều thay đổi. Vì vậy, nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng, hồi hộp và nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất cho kỳ thi quan trọng này.

Sáng 27/6, Lê Thị Thu Thảo cùng 8 học sinh Trường nội trú Hy Vọng (Hope School) thức dậy từ sáng sớm, kiểm tra lại giấy báo dự thi cùng các đồ dùng được đem vào phòng thi. Trước đó, các em được cô giáo chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Thu Thảo dự thi tại điểm thi Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Em có nguyện vọng vào ngành Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Em là một trong những học sinh lứa đầu tiên của Trường Hy Vọng, mái nhà chung của hơn 300 trẻ mồ côi do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Số phận không may mắn khiến Thảo và nhiều bạn khác mất đi người thân, nhưng ngôi nhà Hy Vọng đã cho các em mái ấm mới, với thầy cô cũng chính là phụ huynh đặc biệt. Em Nhã Trân dự thi để xét tuyển vào ngành Xét nghiệm của Trường Đại học Phan Châu Trinh bày tỏ quyết tâm: “Em sẽ hoàn thành kỳ thi bởi bên cạnh luôn có thầy cô, bạn bè và cả những đứa em ở Hy Vọng”.

Nhắc đến người mẹ đã đi xa, Nhã Trân bùi ngùi xúc động: “Thế giới của em như sụp đổ khi mẹ không còn. Em không bao giờ nghĩ sẽ được như ngày hôm nay. Em chỉ muốn nói với mẹ rằng: Em đã thay đổi, cứng rắn lên rất nhiều”.

Anh Hoàng Quốc Quyền - Giám đốc dự án Trường Hy Vọng mang tâm trạng của một người cha lần đầu tiên có con tham dự một kỳ thi quan trọng, vừa vui vừa hồi hộp. Anh Quyền cho biết: “Nhà trường cử mỗi thầy, cô giáo phụ trách đưa 3 học sinh đi thi. Có xe đưa đón các em trong những ngày thi. Vì là năm cuối cấp nên những học sinh lớp 12 được chăm chút hơn từ những việc nhỏ nhất”.

Giám đốc dự án Trường Hy vọng cũng mong muốn với sự quan tâm chăm sóc này sẽ tiếp thêm động lực, tự tin cho các em trong những ngày thi. Đồng thời chung tay góp sức với ngành Giáo dục cùng chăm lo để thí sinh đạt được mục tiêu của mình.

Trong buổi kiểm tra công tác tổ chức thi sáng 27/6, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chúc thí sinh tự tin, phát huy tốt năng lực và kiến thức. Đoàn công tác do ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh dẫn đầu kiểm tra tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Đây là điểm thi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất của huyện Nghi Lộc với 669 em, gồm học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Trinh và Trường THPT Nguyễn Thức Tự.

Điểm thi này nằm sát với đường Quốc lộ 1A, lưu lượng xe cộ đi lại lớn. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, lực lượng công an, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện đã có mặt làm nhiệm vụ. Lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn, trật tự trước cổng điểm thi. Về phía đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi hướng dẫn thí sinh gửi đồ, các vật dụng không được phép mang vào phòng thi ở ngoài.

Ông Bùi Đình Long đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác phân luồng, hướng dẫn thí sinh và người nhà thực hiện nghiêm túc các quy định để đảm bảo công tác an toàn giao thông, an ninh an toàn tại điểm thi.

Trưởng ban Chỉ đạo thi tỉnh Nghệ An cũng nhắc nhở các giám thị đang làm nhiệm vụ tại điểm thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy chế nhưng không tạo áp lực cho thí sinh trong khi làm bài. Ngoài ra, lưu ý đến vấn đề đảm bảo tuyệt đối an toàn về vận chuyển, bảo quản, bảo mật đề thi, bài thi của thí sinh. Chú trọng an toàn về phòng, chống cháy, nổ, trật tự trong quá trình diễn ra kỳ thi.

Trước giờ làm bài, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh Nghệ An đến một số phòng thi để động viên các thí sinh dự thi. Lãnh đạo tỉnh chúc các em bình tĩnh, tự tin, phát huy tốt năng lực và kiến thức đã ôn tập trong thời gian qua để hoàn thành bài thi tốt nhất. Qua đó đạt được kết quả như mục tiêu của bản thân trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006.

Kiên Giang có 2 huyện Kiên Hải, Giang Thành không bố trí điểm thi do số lượng thí sinh dự thi ít. Thí sinh huyện Kiên Hải thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá). Thí sinh huyện Giang Thành thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thần Hiến (TP Hà Tiên).

Riêng TP Phú Quốc bố trí 3 điểm thi với 62 phòng thi. Thiếu tá Trương Văn Quốc - Trưởng ban Thanh niên, Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị đã triển khai các hoạt động Tiếp sức mùa thi năm 2024, trong đó có đội xe tình nguyện để đưa rước học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Ban Thanh niên Công an tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ đưa rước, cung cấp suất ăn miễn phí cho các em trong thời gian tham gia kỳ thi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ