Sắp đến thời của rắn khổng lồ

Sắp đến thời của rắn khổng lồ
Tái tạo bộ xương của rắn Titanoboa - (Ảnh: Kênh Smithsonian)
Tái tạo bộ xương của rắn Titanoboa - (Ảnh: Kênh Smithsonian)
Đó là cảnh báo của các nhà khoa học từ cuộc nghiên cứu mới: nhiệt độ ấm lên có thể thu nhỏ kích thước động vật có vú và sản sinh những loài bò sát khổng lồ.
Hàng chục triệu năm trước, rắn to như ngựa, còn ngựa lại có kích thước gần bằng rắn ngày nay. Và trong một thế giới ấm lên như hiện nay, tình trạng trên có thể lặp lại một lần nữa. “Kích thước của động vật thay đổi cùng với khí hậu”, NBC News dẫn lời Jonathan Bloch, nhà cổ sinh vật học của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Florida.
Để rút ra kết luận trên, chuyên gia Bloch đã nỗ lực đào sâu mối quan hệ giữa kích thước cơ thể và nhiệt độ toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn nóng bức được gọi là PETM, khoảng thời gian nhiệt độ cực đại kéo dài đến 100.000 năm vào cuối Thế Cổ Tân và đầu Thế Thủy Tân, cách đây 55 triệu năm trước.
Trong nhiều năm, Bloch và đồng sự đã theo dõi sự lên xuống của Thế Cổ Tân, vốn kéo dài từ sự tuyệt chủng của khủng long cách đây 65 triệu năm đến khởi đầu Thế Thủy Tân vào khoảng 56 triệu năm trước. Một trong những địa điểm then chốt chứa hóa thạch thời đó là mỏ Cerrejon ở Colombia, nơi các lớp than tích cực hoạt động đến nỗi chúng có thể tự bốc cháy.
“Nơi đó thực sự không khác gì địa ngục, nhưng lại là thiên đường của hóa thạch”, chuyên gia Bloch giải thích. Đó cũng là nơi ông phát hiện chứng cứ về sự tồn tại của rùa 60 triệu năm tuổi, có kích thước như cái bàn, và loài rắn dài như xe buýt.
Rắn, rùa, và các loài bò sát khác có khuynh hướng phụ thuộc vào môi trường để điều tiết thân nhiệt, nên được phân loại là loài máu lạnh. Điều duy nhất khiến những loài máu lạnh cổ đại phát triển kích thước đến mức độ kinh hoàng trên là chúng phải sống trong khí hậu nóng bức, và thế giới thực sự nóng dữ dội trong giai đoạn PETM.
Các chuyên gia ước tính nhiệt độ toàn cầu lúc đó phải tăng từ 5 đến 8 độ C so với hiện nay, do tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bí ẩn và diễn ra trên diện rộng. Ví dụ, rắn Titanoboa phải phát triển mạnh ở nhiệt độ khoảng 34 độ C.
Cùng lúc đó, các nhà cổ sinh học cũng nghiên cứu liệu động vật có vú đã phản ứng thế nào trong điều kiện nhiệt độ nóng bức thời PETM. Vào năm ngoái, Bloch và đồng sự đã cung cấp đáp án cho câu hỏi này. Theo đó, tổ tiên của các loài ngựa hiện đại đã thu nhỏ bằng kích thước mèo nhà để thích ứng với nhiệt độ trên. Mới đây, một nhóm khác đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy từng xảy ra một giai đoạn lùn đi ở loài có vú, diễn ra trong giai đoạn ấm lên thứ hai cách PETM khoảng 2 triệu năm sau.
“Thực tế cho thấy tình trạng trên lặp lại đến 2 lần đã khiến chúng tôi càng thêm chắc chắn về mối quan hệ nhân - quả của nhiệt độ toàn cầu, rằng tình trạng ấm lên trong quá khứ đã thu nhỏ đáng kể kích thước của động vật có vú”, theo chuyên gia Philip Gingerich của Đại học Michigan (Mỹ).
Một vài lý do đã được đưa ra nhằm giải thích tình trạng hóa lùn này, chẳng hạn như khi nhiệt độ tăng đến 35 độ C trong một thời gian dài, động vật có vú gặp khó khăn để điều tiết thân nhiệt, trong khi nguồn thực phẩm bên ngoài khan hiếm dần. Do vậy, việc thu nhỏ kích thước cơ thể giúp chúng tồn tại qua giai đoạn khó khăn.
Và phần rùng rợn nhất chính là nếu từng xảy ra trong quá khứ, tình trạng trên có thể tái lặp một khi điều kiện hội đủ, có thể sẽ còn sớm hơn dự đoán của giới chuyên gia. Ông Bloch cho hay hàm lượng CO2 trong không khí đang tiến dần đến mức của thời PETM. Nếu không tìm cách điều chỉnh, hậu quả sẽ khó lường.
Theo Thanh Niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.