Khoản tài trợ này đến từ Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến (DARPA) trực thuộc Lầu Năm Góc. Ngoài khả năng "nhìn thấy" các vật thể đằng sau bức tường, camera còn có thể quan sát toàn bộ góc tường và khu vực xung quanh.
Ban đầu, mẫu camera này được Viện công nghệ Massachusetts (MIT) giới thiệu năm 2012, nhưng phải đến 4 năm sau DARPA mới chú ý tới dự án này. Đó cũng là lý do DARPA cấp tiền để hiện thực hóa và thương mại hóa dự án.
Hiện tại, Viện nghiên cứu Morgridge và Đại học Wisconsin-Madison được giao dự án này. Cả hai sẽ cùng kết hợp với nhau để tối ưu phần cứng camera. UW-Madison cũng chính là 1 trong số 8 trường đại học nhận được tài trợ từ DAPRA trong năm 2016 để nghiên cứu các dạng thức và ứng dụng của hình ảnh không qua sát được.
Chiếc camera đặc biệt hoạt động theo cách chiếu các xung laser khắp phòng. Khi laser gặp tường hoặc trần nhà, ánh sáng sẽ phân tán ra rồi bao phủ khắp các bề mặt và vật thể khác. Tín hiệu sau đó sẽ quay trở lại camera tùy thuộc vào khoảng cách chúng di chuyển. Camera sẽ sử dụng thông tin đó để tái cấu trúc hình ảnh căn phòng, và kể cả là người trong phòng.
Trong thực tế, công nghệ này có rất nhiều ứng dụng, từ tìm kiếm cứu nạn tới thám hiểm tàu đắm hay thậm chí là vẽ bản đồ các hang động trên mặt trăng.