* MC Phan Anh: Vợ không nên ra lệnh cho chồng không được hút thuốc lá…
Tôi cũng từng hút thuốc nhưng chỉ trong phím khi đạo diễn yêu cầu, còn ngoài đời tôi không hút. Tôi biết thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, không chỉ đối với bản thân mà còn những người xung quanh, trong đó có vợ con của mình.
Nhiều người lấy lý do căng thẳng, bị stress nên hút thuốc lá để giảm tải. Nhưng theo tôi có nhiều cách để giảm bớt căng thẳng. Thay vì hút thuốc lá, bạn có thể đi bơi, đi bộ, đọc sách.
Còn nếu muốn giải tỏa hơn nữa thì có thể dắt xe ra ngoài rồi đi lòng vòng trên phố. Hoặc đơn giản nhất là chơi với các con, khi đó các con sẽ mang lại cho mình trạng thái bình yên.
Thông thường đàn ông không muốn vợ ra lệnh theo kiểu: “Anh đừng có hút thuốc nưa! Hoặc anh không được hút thuốc!...”. Vì thế, bà vợ nào không may có ông chồng đang hút thuốc lá thì nên lựa lời mà nói nhẹ nhàng.
Chẳng hạn như: “Em rất thích những lúc anh không hút thuốc. Hoặc em rất thích hơi thở của anh khi không hút thuốc lá…” Như vậy sẽ khuyến khích được chồng mình từ bỏ thuốc lá dần dần.
Với bạn bè, tôi cũng sẽ không nói: “Ông không được hút thuốc lá, hay mày đừng có hút thuốc lá vì nó có hại thế này, thế kia…”. Tôi chọn cách tiếp cận bằng vợ, con và người thân của họ để khuyên giải.
Chẳng hạn như: “… Ông thử nghĩ mà xem, con cái là tài sản vô giá. Vợ ông thì đang mang bầu, ông mà cứ hút thuốc nhỡ ảnh hưởng đến con thì sao, sau này con bị tật thì hối hận cả đời. Còn nữa, nhỡ ông bị ốm, bị sức khỏe yếu thì lấy ai chăm sóc vợ con…”.
Nói như vậy để họ thấy được rằng: Hút thuốc là quyền của anh ấy, nhưng anh ấy phải nhận thức được, phải thấy được trách nhiệm của với con cái và với cộng đồng xunh quanh.
Đặt tình huống khi đưa vợ con đi uống nước, café, nhưng ngay bàn bên cạnh có người đang hút thuốc lá. Thay vì lựa chọn phương án đối đầu với họ, tôi sẽ nhờ phục vụ đến nhắc khéo với anh ta rằng, ở đây có phụ nữ và trẻ em. Nếu không được, tôi sẽ đưa vợ con đến chỗ khác để không bị hút thuốc lá thụ động.
* Diễn viên Việt Anh: Tiếp cận bằng những câu chuyện cảm động
Diễn viên Việt Anh (bên phải): Cần quan tâm, đẩy mạnh công tác truyền thông trong phòng, chống tác hại của thuốc lá |
Nếu tôi là người hút thuốc khi được phục vụ hoặc bất kỳ ai nhắc khéo là: Ở đây có phụ nữ và trẻ em, chắc chắn không riêng gì tôi mà hầu hết đàn ông sẽ dập ngay điếu thuốc đó.
Hoặc cùng lắm là đi ra khu vực dành cho người hút thuốc để hút nốt điều thuốc đang dang dở. Tôi thấy rằng, gần đây đã có tín hiệu tích cực trong phòng chống tác hại của thuốc lá. Đặc biệt là công tác truyền thông đã rất tích cực và sâu sát.
Tôi được biết một câu chuyện rất đáng thương đó là: Có một bé trai khoảng 5-6 tuổi bị ung thư phổi. Nguyên nhân là em phải hút thuốc lá thụ động từ chính những người trong gia đình của mình.
Tôi nghĩ, câu chuyện này có thể chạm vào nhiều cảm xúc của những người đang hút thuốc lá. Và khi họ tiếp cận được câu chuyện này thì chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ: Có nên tiếp tục hút thuốc lá hay không.
Thiết nghĩ, nếu truyền thông cùng vào cuộc, và đưa ra những câu chuyện như trên thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều và dần dần ý thức của những người sử dụng thuốc lá sẽ có thay đổi.
* Ca sỹ Noo Phước Thịnh: Có thể bỏ thuốc lá từ từ rồi bỏ hẳn
Tôi là người không hút thuốc lá nên không biết phải khuyên mọi người như thế nào. Nhưng tôi cho rằng, hút thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến mọi người từ môi trường sống đến sức khỏe.
Với người nghiện thuốc lá thì bỏ thuốc là điều rất là khó nhưng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, những người thân yêu của thì chúng ta nên nói không với thuốc lá. Có thể chưa bỏ được trong 1-2 ngày, nhưng chúng ta có thể bỏ thuốc lá từ từ rồi bỏ hẳn, miễn là có quyết tâm.
* Diễn viên Bảo Thanh: Quan trọng là nhận thức của người hút thuốc lá
Một người đàn ông thực sự biết quan tâm, lo lắng cho vợ con thì người vợ cũng không cần phải nói nhiều, họ thừa hiểu khói thuốc không chỉ có hại cho chính mình, mà còn có hại cho người xung quanh nữa. Lúc đó người ta sẽ tự tìm cách để từ bỏ thuốc lá (nếu đã hút) và sẽ không giờ hút (nếu chưa từng hút thuốc lá).
Còn nếu không may mà “vớ” phải một ông chông nghiện thuốc lá thì dù mình có nói, hay tác động gì đi nữa mà người ta không nghe thì cũng bằng thừa. Vì thế theo tôi, quan trọng là là nhận thức của người đàn ông đó.
* Diễn viên Nhã Phương: Đàn ông nam tính không nhất thiết phải hút thuốc lá
Trước đây các đạo diễn thường để hình ảnh các vai diễn nam phì phèo hút thuốc, và nhiều có nhận xét đó là hình ảnh đẹp, rất nam tính. Nhưng sau này mọi người đã nghĩ khác và bỏ hình ảnh này, vì trong quá trình làm phim, tính cách của nhân vật sẽ được bộc lộ ra và quan trọng là diễn xuất của diễn viên.
Trở lại với hiện thực, theo tôi một người đàn ông sành điệu, bản lĩnh, nam tính không nhất thiết phải cầm điếu thuốc để hút. Đàn ông là trụ cột của gia đình, vì thế quan trọng là phải biết quan tâm, chăm sóc, bảo vệ vợ con, gia đình và người thân.
Nhìn bề ngoài đẹp trai, sành điệu nhưng mà hút thuốc lá, răng vàng, thậm chí là hơi thở không được thơm thì cũng đã mất đi phần nam tính rồi. Như vậy với người hút thuốc là: Đẹp không có, sức khỏe thì không tốt, như vậy bản lĩnh và nam tính ở đâu.
Vì vậy, người đàn ông thể hiện bản lĩnh của mình là bằng hành động, việc làm, bằng sự quan tâm, chăm sóc những người xung quanh. Đó mới là đàn ông thực thụ.