Sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện chỉ thị năm học

Sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện chỉ thị năm học

Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Hào – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Trưởng vùng thi đua 6 tỉnh Bắc Trung Bộ thì các tỉnh trong vùng đã có nhiều hình thức tổ chức chỉ đạo để các cuộc vận động như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và tự sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… ngày càng đi vào chiều sâu và tạo được những hiệu quả thiết thực, hỗ trợ hoạt động dạy – học.

Điển hình như, ngành GD Thừa Thiên – Huế tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện và sưu tầm, giới thiệu các gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, xuất bản tập san “Gương điển hình nhà giáo Thừa Thiên - Huế”.

Ngành GD Hà Tĩnh điển hình với phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Ngành GD Nghệ An đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, đề ra những chương trình cụ thể, thiết thực lập thành tích kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tỷ lệ số trường có công trình vệ sinh được xây dựng mới và công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng lên đáng kể. Các trường học và các cơ sở giáo dục trong vùng tổ chức khai giảng năm học mới có cả phần “lễ” và phần “hội”. Hội thi Giai điệu Tuổi hồng được tổ chức trong các trường học, các trò chơi dân gian được đưa vào các trường phổ thông… làm phong phú thêm các hoạt động vui chơi cho HS, tạo hứng khởi học tập cho các em.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Số tiền ủng hộ: Nghệ An: 810 triệu đồng; Quảng Trị: gần 260 triệu đồng; Hà Tĩnh: hơn 1 tỷ đồng; Quảng Bình: gần 576 triệu đồng; Thanh Hóa: 775 triệu đồng; Thừa Thiên – Huế: 1 tỷ 65 triệu đồng.

Các Sở GD&ĐT đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ban ngành trong tỉnh thực hiện “3 đủ” để đảm bảo hầu hết HS đều đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở. Trong đó, số tiền quyên góp, ủng hộ những gia đình GV gặp khó khăn, đồng bào bị bão lụt, tổ chức trao học bổng cho các em nghèo vươn lên trong học tập

Các Sở GD&ĐT của 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã đẩy mạnh việc phân cấp quản lý giáo dục cho cơ sở, tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng trường, hội đồng quản trị đối với các trường ngoài công lập; tiếp tục triển khai áp dụng chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học.

Nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế đã thực hiện chuyển đổi trường THPT bán công sang công lập. Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2015; Sở GD&ĐT Quảng Bình, Quảng Trị đang thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2015.

Đại biểu các Sở GD&ĐT Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh đều có chung ý kiến, đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ điều chỉnh mức biên chế của Phòng và Sở GD&ĐT phù hợp với khối lượng công việc, quy mô dân số, địa bàn, có chế độ ưu đãi ổn định lâu dài đối với cán bộ Phòng và Sở GD&ĐT.

Trong phân cấp quản lý, cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là vai trò điều tiết của Sở GD&ĐT để không ảnh hưởng đến chất lượng chung, (bởi đội ngũ, tài chính… đều do cấp huyện nắm, Sở GD&ĐT không thể điều tiết được từ cấp THCS trở xuống)

Ông Hoàng Đức Thắm và ông Nguyễn Kế Thân, GĐ Sở GD&ĐT Quảng Trị và Quảng Bình đều có chung trăn trở về hướng chuyển đổi các trường THPT bán công theo thông tư 11/2009/TT – BGDĐT ngày 8/5/2009. Sở GD&ĐT Quảng Bình đã 9 lần báo cáo Đề án chuyển đổi trường nhưng vẫn chưa thể thống nhất được loại hình sẽ chuyển đổi.

Với địa phương còn có nhiều khó khăn như Quảng Bình, Quảng Trị thì nếu chuyển đổi sang loại hình trường công lập thì ngân sách sẽ không thể gánh nổi, nhưng nếu chuyển sang tư thục thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác, như đội ngũ CBQL, GV, khả năng “chịu đựng” của phụ huynh về mức học phí; định giá CSVC, trường sở… đó là chưa kể đến việc năng lực quản lý và năng lực tài chính của các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá ngành GD&ĐT của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt và chỉ đạo rất quyết liệt trong thực hiện chỉ thị năm học 2009 - 2010.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, việc chuyển đổi loại hình trường là tùy vào tình hình thực tế dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở phải đảm bảo tạo thuận lợi cho HS được đến trường. Trong tham mưu cho UBND tỉnh, Sở GD&ĐT ở các địa phương cần phải chú ý, xã hội hóa GD không chỉ đơn thuần là tăng huy động đầu tư của xã hội, giảm trách nhiệm đầu tư của nhà nước mà xã hội hóa giáo dục còn có nghĩa là đảm bảo quyền bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục, học sinh nghèo được tạo điều kiện đến trường.

Về vấn đề HS bỏ học, Thứ trưởng cho rằng, trong thống kê, các Sở GD&ĐT cũng cần lưu ý đến trường hợp nhiều HS bỏ ngang không học THPT để chuyển sang học nghề hoặc học TCCN. Chính vì vậy, nếu ngành GD&ĐT thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhấn mạnh các địa phương cần làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, rèn luyện kỹ năng sống cho HS, vì đây cũng là một phương thức hỗ trợ có hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng dạy – học.

Ánh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.