Do 2 tập đầu đã bán hết, soạn giả định tái bản với giấy phép do NXB Hồng Đức cấp. Biết chuyện, học trò cũ bèn bàn cách giúp thầy in lại cả 3 tập với tổng số 2.040 trang có bìa dày đặt trong hộp cứng. Ngày 15/8/2020, nhận sách do học trò trực tiếp đưa từ TPHCM về Gò Công, nhà giáo 84 tuổi Phan Thanh Sắc miệng cười mà mắt nhòa lệ.
Trang sách theo dòng lịch sử
Với 32km bờ biển Đông, mảnh đất này là huyện Tân Hòa thuộc phủ Tân An, tỉnh Gia Định thời nhà Nguyễn độc lập. Ở đây có nhiều gò: Gò Tre, Gò Bầu, Gò Lân, Gò Rùa, mà cái tên Gò Công nổi trội. Gò Công, chữ Nôm ghi 塸䲲, Hán dịch thành 孔雀京/ Khổng Tước Nguyên, mang nghĩa chỗ cao ráo là nơi cư trú tự nhiên của loài chim được gọi cuông, nộc dung, được định danh khoa học Pavo muticus L. thuộc họ động vật Phasidanidae.
Trải qua quá trình diên cách, địa danh Gò Công chỉ nhiều đơn vị hành chính. Ngày 16/8/1867, thực dân Pháp đổi tên hạt tham biện/ inspection Tân Hòa thành Gò Công. Sau đó, Gò Công trở thành tỉnh, rồi quận / huyện, thị trấn, thị xã. Hiện nay, Gò Công rộng 862,98 km2, bao gồm thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, đều thuộc tỉnh Tiền Giang.
Đọc những sách nghiên cứu như “Gò Công cảnh cũ người xưa” của Việt Cúc (tác giả tự xuất bản gồm 2 tập, 1969), “Gò Công xưa và nay” của Huỳnh Minh (NXB Cánh Bằng, 1969; NXB Thanh Niên, 2002), “Chân dung Võ Tánh và người dân Gò Công” của Đặng Thanh Xuân (NXB Hòa Đồng, 1973), NGƯT Phan Thanh Sắc thấy cần viết thêm. Ông cho biết:
- Tôi chào đời ở Gò Công và chưa bao giờ xa quê quá một năm, dẫu tôi từng lên Sài Gòn học Lycée Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) rồi Đại học Văn khoa, từng đến tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) công tác, từng ra Hà Nội tu nghiệp chuyên ngành giảng dạy tiếng Pháp. Từ năm 1986, tôi bắt đầu viết các bài khảo sát quê nhà.
Tuy nhiên, sau tháng 3/2000, hưu xong thì tôi tập trung sưu tầm tư liệu, đọc, nghe, xem, ngẫm nghĩ và viết về “địa linh, nhân kiệt” Gò Công. Tôi ấn hành sách “Gò Công… vọng tiếng đất lành” vào năm 2010, “Gò Công… lặng thầm hương sắc” năm 2012, “Gò Công… thao thức dấu xưa” năm 2018. Cả 3 tập lúc đó đều bìa mỏng, nhờ một cựu học sinh giúp thiết kế và in. Thành quả nọ đạt được cũng nhờ bà xã và các con tôi liên tục động viên.
3 tập sách vừa nêu thể hiện những gì? Lịch sử Gò Công với những dòng họ khai canh và nguồn gốc lưu dân Ngũ Quảng (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi), ngữ âm học tiếng Gò Công, ảnh tư liệu Gò Công thời thuộc Pháp, rồi đình, chùa, nhà thờ, tiệm sách, quán bán mì và hủ tíu, bến xe, chợ, công thự, cầu bắc qua kinh Salicetti, mồ mả, kể cả liễn đối và hoành phi cùng lực lượng Hoa kiều.
Hành nghề dạy học, nên Phan Thanh Sắc chú ý trường lớp, sách giáo khoa, bằng cấp cùng một số nhà giáo. Không chỉ tìm hiểu danh thần Võ Tánh, anh hùng Trương Định cùng hoàng thái hậu Từ Dụ (gọi Từ Dũ như lâu nay thiếu chính xác) và hoàng hậu Nam Phương, Phan Thanh Sắc còn lưu tâm “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong (NXB Đinh Thái Sơn, 1909) lẫn “Thơ cậu Hai Miêng” của Nguyễn Bá Thời (Tín Đức thư xã, 1928).
Về báo giới và văn nghệ sĩ, Phan Thanh Sắc đề cập Nguyễn Thị Kiêm tức nữ sĩ Manh Manh (bảo vệ Thơ Mới), Phan Thị Bạch Vân tạo lập Nữ lưu thư quán, nhà báo Lê Sum, nhà văn Hồ Biểu Chánh, các nhạc sĩ Minh Truyền, Lê Dinh, Hoàng Phương, các nhà thơ Trần Anh Tài, Trương Chính Tâm, Trần Ngọc Hưởng.
Điểm sách “Việt âm văn uyển” xuất bản năm 1911 in những bài thơ quốc ngữ đầu tiên của các cây bút Gò Công, rồi Phan Thanh Sắc giới thiệu Văn đàn Gò Công (1930 - 1945). “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng chẳng gốc gác đây, nhưng từng ghé và sáng tác bài thơ “Gò Công”, được Phan Thanh Sắc dành 16 trang sách kể lể bao kỷ niệm.
Viết khảo cứu, nhưng nhớ nhiều chuyện cá nhân nên văn phong ít mang tính hàn lâm, mà thiên về hồi ký và ghi chép cực kỳ… tùy bút. Xem xét đồng thời mục lục 3 tập sách, càng dễ nhận ra bút pháp mà Phan Thanh Sắc dùng làm nhan đề “thay lời tựa” đầu tập 1: “Lãng đãng một miền”.
Hồn quê trong tâm thức
Dẫu sao, suốt thời gian dài dồn tâm sức tìm hiểu nhiều phương diện của quê hương để viết bài rồi ấn hành thành sách dày dặn, nhà giáo và nhà phiên dịch tiếng Anh cùng tiếng Pháp lại rành chữ Hán lẫn chữ Nôm là Phan Thanh Sắc trở thành nhà Gò Công học. Một số phim tư liệu về địa phương này đã nhờ Phan Thanh Sắc hướng dẫn. Như tháng 6/2019, Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện 3 tập phim “Gò Công – vọng tiếng đất lành” thì 2 tập đầu “Vàng son để lại” và “Dấu xưa thao thức” được Phan Thanh Sắc nhiệt tình đóng góp, kể cả nhan đề.
Nhà Gò Công học Phan Thanh Sắc nay 84 tuổi, tường thuật:
- Sách do tôi viết về Gò Công chỉ còn tập 3, chứ 2 tập đầu đã bán hết, tôi chỉnh sửa, tăng bổ, định tái bản. Bất ngờ thay, học trò cũ biết chuyện, liền vận động nhau hỗ trợ, người góp tiền, người giúp giấy, người cho công, in toàn bộ 3 tập.
Ngày 15/8/2020, các trò cũ dùng ô tô chở sách từ Sài Gòn về tận nhà thầy ở Gò Công. Tổng số 2.040 trang ruột, bìa carton lẫn hộp carton nữa, mỗi bộ nặng 3,2kg. Trước khi tạm biệt, các học trò dặn tôi rằng không được nêu tên họ với bất kỳ ai. Ôi! Tôi ghìm lòng từ đầu, nhưng nghe vậy, nước mắt tôi tuôn trào.
Cuộc sống ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn, lại trong lúc toàn cầu rung giật kinh khiếp bởi đại dịch Covid-19 hoành hành, vậy mà “tình nghĩa giáo khoa thư” sáng ngời đến thế, hỏi ai không cảm động?