Đọc xong bức thư của Nguyệt Linh, người lớn chúng ta không khỏi giật mình, bởi ít nhiều cũng có những lúc chúng ta vô tâm xả rác, đặc biệt là rác thải nhựa một cách tùy tiện. Những suy nghĩ trong veo của em đã lan tỏa thông điệp về môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, có lẽ vì thế mà Linh đã chọn giải pháp viết thư gửi thầy hiệu trưởng để nói lên mong ước của mình về một ngôi trường không có rác thải nhựa. Hành động nhỏ của Linh không chỉ chạm đến cảm xúc của nhiều người mà còn có ý nghĩa lớn lao và thiết thực hơn bao giờ hết.
Ai cũng biết, thả bóng bay đã trở thành thói quen và là một phần không thể thiếu trong ngày khai giảng năm học mới. Bởi nó không chỉ là niềm vui, là kỷ niệm đẹp của tuổi học trò, mà còn là những cánh thư chuyên chở ước mơ được bay cao, bay xa của các em. Thế nhưng, Linh đã gác lại thói quen, gác lại niềm vui riêng để bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước nạn ô nhiễm rác thải nhựa.
Thầy hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cũng đã viết thư gửi lại Nguyệt Linh và khẳng định, đây là một ý tưởng đẹp và ý nghĩa trước thềm năm học mới. Vì thế, Trường Marie Curie ủng hộ đề nghị của Nguyệt Linh. Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 sẽ không còn bóng bay và sẽ được đặt tên “Lễ khai giảng Nguyệt Linh”.
Sau khi biết thông tin, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã gửi lời khen đến cô học trò nhỏ lớp 5 này, đồng thời khuyến khích các trường tổ chức ngày khai giảng “không bóng bay”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng bày tỏ xúc động trước tâm nguyện của Nguyễn Nguyệt Linh, đồng thời gửi thư khen và tặng em món quà nhỏ là chiếc balo, một cây bút và một bình đựng nước không làm từ nhựa. Ông nhấn mạnh, hành động nhỏ của Nguyệt Linh đã mang lại ý nghĩa lớn và thiết thực cho Trái đất.
Thế mới thấy, hóa ra những việc làm tử tế luôn hiện hữu quanh đây và tô màu cho cuộc sống thêm tươi đẹp. Càng đáng trân trọng hơn khi những việc làm đó xuất phát từ những học trò. Bởi trước đó cũng có hàng trăm, hàng nghìn HS ở các cấp học trên mọi miền Tổ quốc, đã kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường. Những bức tranh sống động đầy màu sắc thể hiện ước mơ về môi trường xanh - sạch - đẹp, hay hành động bỏ rác đúng nơi quy định hoặc những khẩu hiệu “nói không với rác thải nhựa”... của các em đã thay lời muốn nói và khiến người lớn chúng ta phải suy ngẫm. Nói như nhà báo Trương Anh Ngọc: Khi một đứa trẻ lên tiếng về một vấn đề liên quan đến môi trường, thiết nghĩ, chính người lớn cũng cần phải suy nghĩ về việc này và có hành động cụ thể.
Bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh và những việc làm, hành động đẹp của nhiều HS đã nói lên sự thành công của GD đạo đức, ý thức công dân trong các nhà trường. Rộng hơn là, những đổi mới của GD khi mà chúng ta chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách của HS bước đầu đã “đơm hoa kết trái”. Suy cho cùng thì đó là kết quả đáng tự hào của nhà trường và xã hội trong GD thế hệ công dân thế kỷ 21.