Hội nghị vừa diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại biểu đến từ các sở, ngành NN&PTNT địa phương và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia cầm trên cả nước.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi nêu rõ, trong những năm qua, số gia cầm của cả nước tăng bình quân mỗi năm hơn 6%, sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, sản lượng trứng đạt hơn 11 tỷ quả. Trong rổ thực phẩm tiêu dùng hiện nay, thịt heo vẫn chiếm tới 65% trong cơ cấu thực phẩm, còn thịt gà chỉ chiếm 20%. Vì vậy, việc thúc đẩy sản xuất gia cầm mà cụ thể là thịt gà, vịt vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước, vừa là cơ hội để xuất khẩu.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã thống nhất qian điểm rằng, tác động của dịch tả lợn châu Phi lần này cho thấy chúng ta đang có một cơ cấu bữa ăn thiếu hợp lý. Đã đến lúc, cần thay đổi thói quen ăn uống, hướng tới sự đa dạng trong thực phẩm, ngoài thực phẩm từ gia súc, cần chú ý tới các thực phẩm liên quan tới gia cầm.
Đề cập đến các giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, thúc đẩy sản xuất gia cầm phải theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, tránh để phát sinh dịch bệnh trên gia cầm trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo. Với từng quy mô ngành hàng phải phải định dạng được thị trường, tránh lặp lại tình trạng cung vượt cầu.
Liên quan tới các kế hoạch cụ thể trong năm 2019, các chuyên gia đề nghị các địa phương cần có chính sách hỗ trợ để giúp nông dân, chủ trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển gia cầm, trước mắt là bù đắp cho lượng thịt heo có thể bị thiếu hụt dịp cuối năm do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Thống kê của Cục Thú y cho thấy, đã có 23 tỉnh, thành phố bị dịch tả heo làm 73.000 con heo chết, phải tiêu hủy. Việc cân đối tổng thể về nhu cầu thực phẩm, ổn định thị trường, trong đó phải chú trọng thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm có tính tới kế hoạch bù đắp thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra.