Sẵn sàng tiếp thu, điều chỉnh dự án hồ thủy lợi Ka Pét nếu có bất cập

GD&TĐ - Liên quan đến thông tin trái chiều về dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam) xâm lấn rừng. Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo.

Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại họp báo.
Ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại họp báo.

Điều chỉnh dự án nếu sai sót

Tại họp báo, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định, tỉnh sẵn sàng tiếp thu, điều chỉnh dự án hồ thủy lợi Ka Pét nếu có bất cập.

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Lê Thanh Sơn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, so với 360.000 ha rừng tự nhiên toàn tỉnh, 600 ha rừng dành để làm dự án hồ Ka Pét chỉ là một chấm rất nhỏ trên màn hình (minh họa bằng bản đồ), chỉ chiếm 0,15%".

Về diện tích rừng đặc dụng "sẽ mất" khi làm dự án so với tổng diện tích hơn 24.000 rừng đặc chủng (do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông quản lý) cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ, nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn.

Thông tin về hiện trạng điều tra, kiểm kê rừng trong khu vực dự án, đại diện Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ cho biết: Đơn vị đã thực hiện đúng các quy chuẩn, quy định hiện hành.

Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, trong tổng số 679,72 ha đất rừng có 619,58 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 612,48 ha và rừng trồng 7,1 ha), 60,14 ha đất không có rừng.

Phân theo mục đích sử dụng có 149,9 ha rừng đặc dụng, 0,86 ha rừng phòng hộ, 440,4 ha rừng sản xuất và 40,72 ha nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng.

Về trạng thái rừng, trong số 612,48ha (chiếm 90,11%) có trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL giàu là 12,22 ha (chiếm 1,80%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL trung bình là 120,25 ha (chiếm 17,69%), trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất LRRL nghèo là 43,04 ha (chiếm 6,33%), trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 436,11 ha (chiếm 64,16%) và trạng thái rừng hỗn giao tự nhiên núi đất là 0,86 ha (chiếm 0,13%).

Từ kết quả khảo sát và tỉ lệ rừng thực tế bị ảnh hưởng (0,15% diện tích rừng toàn tỉnh) khi làm hồ chứa nước Ka Pét, Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Bình Thuận đánh giá các thông tin trái chiều những ngày qua là chưa đúng với bản chất vấn đề.,

Phát biểu tại họp báo, ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo: Việc gì nhà báo quan tâm, đề nghị các đồng chí có trách nhiệm trả lời hết. Về những việc chuyên môn sâu, nếu chưa trả lời được xin hứa sẽ trả lời bằng văn bản. Tinh thần tỉnh không né tránh và cũng mong báo chí thông tin chân thật, nhiều chiều, đầy đủ.

"Tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của nhà khoa học, báo chí, nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh xác định, việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ"- ông An nhấn mạnh.

Phác thảo hồ thủy lợi Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Phác thảo hồ thủy lợi Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Vị trí hồ thủy lợi thỏa mãn nhiều tiêu chí

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi phóng viên vì sao chọn vị trí hiện tại có nhiều rừng để làm hồ thủy lợi, ông Nguyễn Công Thành - Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung (đơn vị tư vấn) cho biết: Căn cứ đặc điểm địa hình Bình Thuận trên toàn bộ vùng dự án khảo sát, chỉ có 2 điểm có thể đáp ứng được các điều kiện để triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Cụ thể, theo phương án vị trí 1: Có lưu vực sinh thủy lớn (136km2) nên nguồn nước dồi dào hơn nhưng khi xây dựng hồ tại vị trí này thì toàn bộ khu canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh (đây là khu canh tác sản xuất chính của bà con), cầu Bà Bích và 3,5km đường Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh sẽ bị ngập trong lòng hồ. Do vậy, cần làm đoạn đường tránh đi theo ven lòng hồ phía Đông có chiều dài khoảng 7,5km.

Ngoài ra, còn ngập khoảng 620 ha đất rừng (trong đó có khoảng 25 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Mặt khác, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì phải xây dựng tuyến đập dài 550m và chiều cao đập tới 32m nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn.

Với phương án ở vị trí 2 (phương án đã chọn): Có lưu vực sinh thủy 95,5km, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì chiều dài tuyến đập chỉ khoảng 179m và chiều cao đập khoảng 28,5m.

Ưu điểm vượt trội của phương án này là không gây ngập khu đất canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh, không ảnh hưởng đến cầu Bà Bích và đường Quốc lộ - Mỹ Thạnh.

Do tuyến đập chính ngắn hơn, chiều cao thấp hơn, không phải đền bù đất nông nghiệp và không phải làm đoạn đường tránh nên chi phí thấp hơn nhiều so với phương án 1. Phương án này chỉ có nhược điểm lớn nhất là gây ngập 618,73 ha đất rừng.

"Qua phân tích, so sánh hai phương án tuyến về cả kinh tế và kỹ thuật cho thấy, vị trí 2 là phương án có ưu điểm nổi trội. Vì vậy, chọn vị trí 2 làm vị trí xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với các quy hoạch hiện nay, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương đồng thời đây cũng là phương án tối ưu về cả kinh tế lẫn kỹ thuật."- ông Thành cho biết.

Thông tin thêm về hướng khai thác, ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: Sau khi dự án được thẩm định và hoàn tất các thủ tục, sẽ lập phương án khai thác rừng trong khu vực dự án. Sẽ điều tra đánh giá từng cây từ 10 cm trở lên. Cơ quan chức năng cũng sẽ xác định trữ lượng lâm sản rồi đấu giá để khai thác.

"Chúng tôi tính khu nào cần thiết sẽ tính toán bán đấu giá trước, bàn giao mặt bằng xây lòng hồ trước. Phần còn lại sẽ bán đấu giá cuốn chiếu" - ông Sơn nói.

Về giám sát quản lý, ông Sơn cho biết Sở sẽ có trách nhiệm bàn giao giám sát ranh giới dự án theo kết quả đấu giá. Còn bên ngoài dự án nếu khai thác xâm hại qua bên ngoài sẽ xử lý ngay.

"Chúng tôi sẽ đánh dấu bằng xịt sơn, căng dây hiện trường để tránh lần qua vào dự án. Khai thác chặt chẽ, đảm bảo, vận chuyển nghiệm thu rừng trong khu vực dự án" - ông Sơn khẳng định.

Hồ thủy lợi Ka Pét có sức chứa 51,2 triệu m3 nước (xếp thứ 4/50 hồ thủy lợi của Bình Thuận). Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 680 ha (680,41 ha).

Cụ thể, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha.

Toàn bộ kinh phí dự án hồ thủy lợi Ka Pét sau khi được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư là 874 tỉ đồng (tăng 288 tỉ đồng so với dự toán ban đầu).

Hồ thủy lợi Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và có quyết định bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ