Sẵn sàng các điều kiện sau chọn sách

GD&TĐ - Ngay sau khi lựa chọn sách giáo khoa (SGK), hàng loạt các công việc tiếp theo được nhà trường, địa phương triển khai nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sẵn sàng các điều kiện sau chọn sách

Hướng dẫn cụ thể

Toàn huyện EaKar, Đắk Lắk có 33 trường tiểu học, 1 trường tiểu học và THCS, 17 trường THCS và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện EaKar, ông Nguyễn Thanh Dương, Phòng GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo sát sao việc lựa chọn sách tại các nhà trường theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Quy trình lựa chọn sách được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và phù hợp với tình hình thực tế của từng trường.

“Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định lựa chọn bộ SGK cho năm học 2021 - 2022, phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường đăng ký số lượng. Các trường trên địa bàn huyện cũng đã được yêu cầu rà soát các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn đề nghị được hỗ trợ SGK, đồ dùng học tập để các em yên tâm học tập theo tinh thần tất cả  học sinh đều có đủ SGK để học tập”, ông Dương chia sẻ.

Tại Bắc Giang, danh mục SGK lớp 2, lớp 6 theo chương trình mới đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chia sẻ của ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang), nhà trường trên cơ sở danh mục SGK theo quyết định của UBND tỉnh tiến hành lựa chọn 1 SGK cho 1 môn học sử dụng lâu dài.

Sau khi chọn xong, các trường tiến hành công khai, tuyên truyền danh mục SGK do nhà trường lựa chọn đến phụ huynh học sinh, nhân dân trên địa bàn; tổng hợp dự báo nhu cầu về SGK trong năm học 2021 - 2022 báo cáo về phòng GD&ĐT. Sở GD&ĐT sẽ thông báo với nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn để cung ứng sách giáo khoa cho học sinh.

Bảo đảm 100% học sinh có SGK trước khi bước vào năm học mới. Các phòng GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp với Công ty Sách-Thiết bị trường học Bắc Giang thực hiện cung ứng kịp thời, đầy đủ cho các trường học.

Hoạt động thư viện của Trường Tiểu học Tô Hiệu, Ea Kar.
Hoạt động thư viện của Trường Tiểu học Tô Hiệu, Ea Kar.

Sẵn sàng cơ sở vật chất, đội ngũ

Không đợi quyết định của UBND tỉnh về danh mục SGK được lựa chọn, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thái Bình đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai chương trình mới.

Thầy Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy) thông tin: Nhà trường đã chủ động rà soát, kiểm kê thiết bị, bộ đồ dùng cũ của học sinh, giáo viên; đồng thời đối chiếu với yêu cầu về thiết bị tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT. Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất, ti vi, đường truyền mạng để sử dụng học liệu điện tử. Cán bộ, giáo viên nhà trường chủ động và thực hiện nghiêm túc việc tập huấn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhiều công việc quan trọng nhằm chuẩn bị tốt nhất triển khai chương trình, SGK lớp 2, lớp 6 cũng đã được Phòng GD&ĐT Thanh Thủy, Phú Thọ triển khai. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy cho biết:

Phòng đã chỉ đạo các trường tổ chức cho giáo viên, đặc biệt giáo viên dự kiến phân công giảng dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022, nghiên cứu, tìm hiểu những SGK  được UBND tỉnh phê duyệt. Trước hết tập trung nghiên cứu sâu với SGK thuộc bộ môn do mình phụ trách; tiến hành sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn nhằm đưa ra phương hướng triển khai thực hiện gắn với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị.

Song song với công việc này là rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy chương trình SGK lớp 2, lớp 6 theo từng bộ môn, bài dạy được thiết kế trong SGK mà UBND tỉnh lựa chọn.

Từ đó, có kế hoạch, kiến nghị đề xuất mua sắm, bổ sung kịp thời, bảo đảm nhu cầu tối thiểu phục vụ giảng dạy SGK mới. Phòng GD&ĐT đã chủ động, tích cực tham mưu với UBND huyện bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học; tham mưu sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp, cân đối, hài hòa giữa các cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện tốt nhất phục vụ việc áp dụng Chương trình, SGK mới.

Phòng cũng chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Đài truyền thanh - Truyền hình huyện trong việc tuyên truyền, đưa tin về ý nghĩa, tầm quan trọng, đặc biệt quy trình lựa chọn sách, danh mục sách đã được UBND tỉnh lựa chọn,...

“Các nhà trường được chỉ đạo thống kê số lượng đầu SGK lớp 2, lớp 6 dự kiến; từ đó Phòng GD&ĐT tổng hợp đăng ký gửi Sở GD&ĐT làm cơ sở cho công tác phát hành để tránh tình trạng thiếu, chậm, muộn SGK. Phòng yêu cầu các trường niêm yết công khai tại bảng tin, qua website nhà trường, qua hệ thống tin nhắn điện tử... về danh mục SGK đã được UBND tỉnh lựa chọn” – ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, tham mưu UBND huyện giao biên chế giáo viên cho các trường, chúng tôi cũng tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí và chủ trương đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Phòng GD&ĐT đồng thời hướng dẫn các trường học tích cực huy động nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho thực hiện Chương trình, SGK mới, nhất là với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Theo đó, toàn huyện đã bố trí đầu tư xây dựng mới trên 60 phòng học trong năm 2021; mua sắm các bộ thiết bị, đồ dùng dạy học, trang bị màn hình LCD trong các phòng lớp học… - ông Nguyễn Thanh Dương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.