Sẵn sàng các điều kiện cần thiết để Kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đang đến gần, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các địa phương để kịp thời động viên, nắm bắt tình hình nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi, hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan. 

Sẵn sàng các điều kiện cần thiết để Kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về công tác chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và khách quan.

Được biết năm nay, mỗi tỉnh chỉ có một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì. Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH, CĐ cùng tham gia phối hợp với các địa phương. Việc này triển khai đến đâu, thưa ông?

Đây là Kỳ thi THPT quốc gia, kết quả được sử dụng để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa sử dụng trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ nên Bộ chủ trương các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm sẽ cùng phối hợp với các Sở GD&ĐT để tổ chức kỳ thi. Các cán bộ giảng viên ĐH, CĐ phối hợp tổ chức thi tại địa phương; riêng ở khâu coi thi, đảm bảo nguyên tắc trong mỗi phòng thi có một cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh và một cán bộ giảng viên ĐH, CĐ làm giám thị; tại mỗi Điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm Phó trưởng Điểm thi; Lãnh đạo trường ĐH, CĐ sư phạm tham gia làm Phó trưởng Ban chấm thi, cán bộ, giảng viên của các trường thể tham gia chấm thi.

Các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm được phân công về các địa phương đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của mình, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với địa phương, nhất là với các địa phương còn khó khăn để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan; Các trường đã bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia kỳ thi theo điều động của Bộ, đảm bảo đúng quy định của Quy chế; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi và tuyển sinh.

Điểm mới trong kỳ thi năm nay là hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Như vậy sẽ cần số lượng đề thi rất lớn, Bộ GD&ĐT có hỗ trợ gì để công tác in sao đề thi ở các địa phương đảm bảo an toàn tuyệt đối?

Trong mọi kỳ thi thì đề thi đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn chi tiết quy trình in sao tại Công văn số 417/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 10/2/2017. Trong đó, đặc biệt lưu ý một số điểm: Địa điểm in sao phải đảm bảo 3 vòng độc lập, cách ly, đáp ứng yêu cầu bảo mật, ăn, ở, in sao đề thi, phòng chống cháy nổ. Qua các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy các địa phương đều đã có phương án chuẩn bị rất chi tiết, cẩn thận cho công tác in sao đề thi, xem đây là khâu rất quan trọng quyết định đến thành công của kỳ thi năm nay; Bộ đã tập huấn kỹ nghiệp vụ in sao đề thi cho các đơn vị. Trong đó hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ về yêu cầu kỹ thuật đối với các máy móc, thiết bị, đặc biệt nhấn mạnh quy trình in sao, đóng gói, bảo mật đề thi; Bộ cũng đã gửi công văn hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và quy trình in sao đề thi báo cáo Bộ trước khi triển khai thực hiện.

Để các khâu in, sao vận chuyển đề thi được tuyệt đối an toàn đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc theo quy chế ở tất cả các khâu, dù nhỏ nhất trong quá trình in sao và vận chuyển, tuyệt đối không chủ quan, không được làm lướt. Ở khâu in sao, ngoài công tác bảo mật ở vòng ngoài thì các Sở phải chuẩn bị máy móc, thiết bị, văn phòng phẩm đầy đủ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật in sao với số lượng lớn nhưng lại đòi hỏi chất lượng in sao tốt. Đặc biệt, phải lựa chọn những cán bộ tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt, có sức khỏe và có kinh nghiệm trong công tác in sao, đóng gói đề thi. Ban In sao do một lãnh đạo Hội đồng thi làm trưởng Ban;

Khâu vận chuyển đòi hỏi các hội đồng thi phải tính toán hợp lý để vận chuyển đề thi đến điểm thi an toàn, bảo mật, đáp ứng thời gian thi đã công bố. Trong đó, phải có sự giám sát của Công an trong quá trình vận chuyển. Địa điểm lưu trữ đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ, phải được bảo vệ 24/24 giờ trong ngày với sự có mặt của Công an, Trưởng điểm thi và lực lượng bảo vệ Điểm thi.

Những quy định trên sẽ được chi tiết hóa sát hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị để đảm bảo số lượng, chất lượng và bảo mật tuyệt đối cho đề thi.

Xã hội vẫn có băn khoăn rằng, giao quyền chủ động cho các Sở GD&ĐT tổ chức thi rất khó nghiêm túc vì áp lực tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Trước hết, cần nói rằng đây không phải là năm đầu tiên Sở GD&ĐT chủ trì kỳ thi. Trong quá khứ, qua các giai đoạn khác nhau thì các Sở GD&ĐT đều đã chủ trì các kỳ thi với những mức độ khác nhau. Về tổng thể, các sở GD&ĐT đều nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng của ngành. Những khó khăn, bất cập, hoặc những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá khứ là bài học kinh nghiệm sâu sắc để tổ chức các kỳ thi, trong đó có Kỳ thi THPT quốc gia;

Từ năm 2015 đến nay, khi tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia thì vai trò của Sở GD&ĐT ngày càng rõ nét, phù hợp với bản chất của Kỳ thi THPT quốc gia cũng như trách nhiệm trước xã hội của các địa phương khi tổ chức kỳ thi này. Các Kỳ thi THPT quốc gia 2015, 2016 là sự tập dượt, chuẩn bị từng bước để năm 2017 này tổ chức kỳ thi tại các địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì. Sự điều chỉnh này hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh và giảm tốn kém cho việc tổ chức thi. Tuy nhiên, những điều chỉnh này gắn liền với những điều kiện tổ chức thi và nhất là đổi mới phương thức thi, nội dung đề thi và sự chung tay phối hợp của Sở GD&ĐT với các ĐH, CĐ để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan;

Giải pháp chỉ đạo của Bộ là tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ đi liền với nêu cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi; quán triệt kỹ quy chế cho thí sinh và cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, trong thí sinh, phụ huynh và xã hội để đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, công bằng;

Công tác thanh tra sẽ được tăng cường, tất cả các vi phạm quy chế thi đều sẽ được xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe theo quy định của quy chế và pháp luật hiện hành.

Xin cám ơn ông!

Sẵn sàng các điều kiện cần thiết để Kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc ảnh 1PGS.TS Mai Văn Trinh 
“Nhiều trường, địa phương đã bố trí thêm nguồn kinh phí từ nguồn tự chủ của mình để hỗ trợ cán bộ, giảng viên về địa phương làm thi. Qua báo cáo của các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cho thấy sự phối hợp của các trường ĐH, CĐ với các địa phương cơ bản thuận lợi, nhịp nhàng, một số khó khăn, bất cập đều đã được giải quyết. Đến nay, các ĐH, CĐ sư phạm đều đã sẵn sàng về các địa phương với tâm thế thoải mái, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm đối với kỳ thi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ