Khi thai nhi ở trong bụng mẹ, dây rốn sẽ đảm nhận vai trò vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy từ mẹ sang thai nhi. Dây rốn có thể dài từ 50 - 100cm. Dây rốn thắt nút không phải là trường hợp hiếm gặp, và thường xuất hiện trong các ca biến chứng thai kỳ.
Bác sĩ Thi Cảnh Trung, khoa sản, bệnh viện National Taiwan University Hospital (Đài Loan) cho biết: "Thỉnh thoảng tôi gặp vài trường hợp thai nhi có dây rốn thắt nút và rất hiếm các ca tử vong ngay trong bụng mẹ. Tuy nhiên tôi đã từng sửng sốt khi thấy 1 trường hợp thai nhi có dây rốn thắt nút 2 vòng".
Hình ảnh dây rốn bị thắt nút 2 vòng.
Bác sĩ Trung từng đỡ đẻ 3 lần cho một sản phụ họ Kim. Khi sản phụ mang thai lần thứ 3, và thai nhi được 22 tuần tuổi, bác sĩ Trung phát hiện thai nhi chậm phát triển, nước ối ít, được chẩn đoán thiếu dưỡng khí, lưu lượng máu giảm, xuất hiện dấu hiệu thai chậm tăng trưởng trong tử cung (FGR).
Bác sĩ Trung đã cho sản phụ uống thuốc giữ thai, đồng thời giải thích tường tận về nguy cơ mà thai nhi đang đối mặt.
Bác sĩ Trung cho biết: "Nếu nhịp tim thai chậm, bác sĩ và ê kíp sẽ phải tiến hành mổ cấp cứu để cứu sống thai nhi".
Thật may mắn, khoảng 2 tuần sau tình trạng của thai nhi trở về mức ổn định. Điều này khiến bác sĩ Trung kinh ngạc và thêm vững tin vào điều kỳ diệu.
Khi thai nhi được 35 tuần tuổi, sản phụ Kim đau bụng và đến thời điểm chuyển dạ. Bác sĩ Trung phát hiện dây rốn dày, có nhiều huyết khối, mặc dù không xuất hiện tình trạng bong nhau non, nhưng điều khiến bác sĩ Trung giật mình là dây rốn thắt nút 2 vòng - biến chứng thai kỳ vô cùng nguy hiểm có thể khiến thai nhi tử vong bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Trung cho biết: "Mỗi lần đỡ đẻ thành công trường hợp thai nhi có dây rốn thắt nút 1 vòng, tôi đều chúc mừng bố mẹ của đứa trẻ, bởi thai nhi vô cùng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đằng này là trường hợp dây rốn thắt nút 2 vòng, 20 năm tôi mới chứng kiến 1 lần nên cảm thấy vô cùng xúc động".
Dây rốn thắt nút 2 vòng là điều mà bác sĩ Thi Cảnh Trung chưa từng gặp trong suốt 20 năm qua.
Sản phụ Kim chia sẻ: "Khi thai nhi được 22 tuần tuổi và bác sĩ thông báo tình trạng của con không khả quan, vợ chồng tôi luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ con xảy ra chuyện. Mỗi ngày tôi đều cầu mong con bình an, khỏe mạnh ra đời".
Bác sĩ Trung giải thích: "Trước khi sản phụ sinh có tiến hành siêu âm, nhưng dây rốn dài và xoắn nên rất khó nhận biết liệu dây rốn có thắt nút hay không. Khi thai nhi có dây rốn thắt nút 2 vòng thuận lợi chào đời, tôi đã kinh ngạc và gọi đây là kỳ tích".
Nguyên nhân nào dẫn tới dây rốn thắt nút?
Dây rốn thắt nút hay còn gọi là dây rau thắt nút vô cùng nguy hiểm, không chỉ trong quá trình mang thai mà còn nguy hiểm trong cả quá trình sinh.
Có một số yếu tố nguy cơ có thể gây dây rốn thắt nút như chửa đa thai, đa ối, thai suy dinh dưỡng có thể di chuyển hay tiền sử sảy thai nhiều lần.
Dây rốn thắt nút ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và bé?
Ảnh hưởng nguy hiểm nhất của dây rốn thắt nút là trong quá trình mang thai, nếu em bé nghịch, quậy nhiều sẽ làm cho nút thắt chặt lại. Điều đó làm ảnh hưởng trao đổi máu mẹ với con.
Còn trong quá trình chuyển dạ nguy cơ này càng cao, khi đầu thai nhi quay xuống, lúc đó dây rốn cũng kéo xuống và sẽ dần dần gây thắt nút chặt hơn, có thể gây tử vong em bé trong quá trình chuyển dạ.