Săn mật ong khoái giữa rừng Tây Yên Tử

GD&TĐ - Rừng Khe Rỗ, xã An Lạc (Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) mùa này có muôn loài hoa dại đang đua hương, khoe sắc. Đàn ong khoái cũng theo đó mà kéo nhau về xây tổ và luyện mật. Từ tháng 4, khi nắng rực rỡ, đồng bào dân tộc Tày, Nùng lại tìm theo hướng bay của ong khoái đi săn mật ngọt. 

Sản phẩm mật và sáp ong khoái sau một chuyến đi rừng
Sản phẩm mật và sáp ong khoái sau một chuyến đi rừng

Để lấy được lâm sản có giá trị cao này, những người thợ ong với bản lĩnh, kinh nghiệm dày dặn cũng gặp không ít gian nan, nguy hiểm.

Tìm ong giữa rừng già

Chúng tôi có một chuyến “bám càng” thợ săn ong khoái rong ruổi hết ghềnh cao, đá thấp trong rừng Khe Rỗ. Dù đã lên lịch trước nhiều ngày, cộng thêm theo dõi dự báo thời tiết liên tục xong quả nhiên “người tính không bằng trời tính”. Cứ đinh ninh nắng nóng kéo dài, khô hạn cả tháng. Chủ nhiệm HTX du lịch cộng đồng Khe Rỗ Vũ Ngọc Huân tự tin hẹn chúng tôi lên chứng kiến hành trình săn ong rừng điêu luyện của đồng bào, nào ngờ đêm trước Khe Rỗ đón trận mưa lớn. Sáng hôm sau, dù nắng to trở lại nhưng thợ “sát ong” nhất bản Nà Ó là anh Cam Văn Nghĩa (SN 1969) vẫn đắn đo e rằng trận mưa làm ong no nước sẽ không rời khỏi tổ.

Dù vậy với ý chiều lòng khách vượt gần trăm cây số lên đây và cũng muốn thể hiện tài nghệ đi rừng thành thạo của mình, anh Nghĩa vẫn hăng hái vào rừng tìm ong. Men theo dòng chảy Khe Rỗ về phía thượng nguồn, dòng suối mát lạnh chảy xiết hơn vì trận mưa đêm trước. Nghe đâu để đi hết con suối này mất tới hai ngày trời, những lúc như thế thợ ong phải nấu cơm, bắc võng ngủ qua đêm trong rừng. Biết tôi không chịu được “nhiệt” nên lịch trình được anh Nghĩa rút gọn trong ngày. Vừa đi “người rừng” Cam Văn Nghĩa vừa ngó nghiêng tìm ong ở các khe nước, vũng rạch. Rừng sâu sóng điện thoại tịt ngấm, thi thoảng rừng xanh lại vang lên những tiếng hú của nhóm thợ đi rừng báo hiệu cho nhau và anh Nghĩa cũng đáp trả bằng những ám hiệu ấy.

Qua bụi cây rậm rạp, thợ ong chỉ cho tôi biết vị trí cất giấu xoong nồi của mình, đi đến đâu các anh cũng mang theo chúng, hễ đói là bắc bếp thổi cơm, có khi cầm theo tấm lưới bắt cua, cá suối hoặc mò ốc, bắt ếch mấy anh em tha hồ “nhắm” đặc sản. Cũng có khi đi xa, không mang theo xoong nồi được thì chặt cây giang, cây nứa nấu cơm lam giữa rừng…

Quà tặng của núi rừng

Suốt chặng đường dài, câu chuyện đi rừng với anh Nghĩa vẫn chưa vơi, dù muốn tìm hiểu thêm nhưng tôi bắt đầu ít hỏi chuyện anh dần vì đói và mệt. Bước chân đã run rẩy mà ong thì chưa thấy tăm hơi đâu nên càng thêm nản. Đi thêm chừng 2km, đến trước vũng nước, thợ săn ong dừng lại cho biết: Tổ ong thường được làm từ bột cây khô.

Mùa nắng, ong cần nhiều nước để giữ ẩm cho tổ và làm mát ong con nên chúng thường làm tổ gần khe suối để lấy nước cho tiện. Hiểu được đặc tính này, ta cứ tìm ong ở khu vực gần suối, khi ong xuống lấy nước, mình theo dõi và tìm đến tổ của chúng. Anh còn khoe: Cũng nhờ vũng nước này, năm nay anh đã bắt được 3 tổ ong khoái, năm ngoái cũng phát hiện ra vài tổ từ đây. Giống ong khoái không phải chỗ nào cũng sà xuống lấy nước mà kén chọn lắm, dọc suối Khe Rỗ chỉ có một số điểm ong thích lấy nước. Kiên nhẫn chờ hồi lâu, cuối cùng cũng thấy ong xuất hiện, đây mới chỉ là bước đầu, muốn tiếp cận tổ ong cần khá nhiều thời gian.

Đợi ong mải mê hút nước, anh Nghĩa dùng cành que nhỏ chấm một ít kem đánh răng vào gáy ong. Sau khi ong về tổ phun nước xong, chỉ vài phút là quay lại, nhờ đó biết được chúng ở cách bao xa. Tổ ở gần ong bay cả đi lẫn về hết chừng 2 phút còn xa hơn mất khoảng 5 phút (bán kính từ tổ đến chỗ lấy nước xa lắm cũng chỉ từ 3km đổ lại). Khi đã no nước, ong bay theo vòng xoáy ốc lên cao quá ngọn cây rồi lộn đi, lộn lại mấy vòng mới chịu rơi xuống tổ. Có con nấp vào bụi cây một lúc mới bay về nhằm đánh lạc hướng ai theo dõi chúng. Mắt thợ ong phải tinh và căng lên mà nhìn, có khi phải trèo lên cây mới tìm được hướng bay. Khi đã xác định được tổ ong trong một phạm vi tương đối thì cứ trực chỉ hướng đó mà tiếp cận đàn ong.

Ngắm tổ ong, anh Nghĩa ước tính nặng 5kg, anh rồi phân tích: Người đi rừng chuyên nghiệp sẽ không bắt ong chúa, ong thợ để chúng còn duy trì đàn làm tổ và cho mật những mùa sau và khi đã xong phải dập tắt lửa để không gây hỏa hoạn. Ong khoái to, có nọc độc và dữ dằn hơn ong nuôi, khi ta xâm phạm đến tổ của chúng mà lượng khói hun không đủ mạnh để xua chúng đi thì cả đàn sẽ nhao vào đốt đến kỳ cùng.

Vài phút giải lao sau khi đã thu được “lộc rừng”, anh Nghĩa tâm sự: Trong rừng xanh núi thẳm này chỉ cần thông thạo địa hình thì không lo gì đói. Những thứ lâm lộc trời đất ban tặng cho con người nhiều lắm, trừ hàng cấm bị kiểm lâm quản lý gắt gao, đồng bào quanh năm vẫn bám rừng kiếm sống. Phụ nữ thì hái nấm, lấy măng, hái rau rừng, đàn ông khỏe chân đi được xa thì săn ong, bắt cua, cá, ốc, ếch hoặc lấy cây thuốc… nếu chịu khó chí ít cũng kiếm đủ ăn. Hiện xã An Lạc có hơn chục thợ săn ong chuyên nghiệp, riêng bản Nà Ó với 60 nóc nhà, chủ yếu dân tộc Tày, Nùng cũng có 6 thợ ong.

Từ đầu tháng Tư đến nay, anh Nghĩa bắt được hơn hai chục tổ ong khoái, thu về khoảng 1 tạ (cả mật lẫn sáp) bán với giá 250.000 đồng/kg. Tháng trước, anh gặp may vì bắt được tổ lớn nặng tới 20 kg, bán được 5 triệu đồng. Tuy vậy, so với năm trước, năm nay hạn hán kéo dài nên lượng mật ít hơn, dù vậy cánh thợ săn ong vẫn chăm chỉ đi rừng. Nghe nói mật ong khoái tốt hơn nhiều mật ong nuôi, tuy giá cao gấp đôi, có lúc gấp ba mật ong nuôi nhưng vẫn không đủ cung cấp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ