Mưu sinh theo con nước
Thắng Lợi là xã đảo nằm cách trung tâm huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) khoảng 40km với có 442 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu. Người dân sống tập trung ở 2 đảo lớn là Cống Đông và Cống Tây.
Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây một vùng biển rộng lớn, trong lành, đồng nghĩa với việc trao cho người dân “kế sinh nhai” bền vững năm này qua năm khác. 95% người dân ở đây sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Mỗi tối, nhiều người dân trên đảo lại chia thành các tốp nhỏ bắt đầu đi săn “lộc biển” xuyên đêm. Tùy theo con nước, người dân sẽ chọn để soi các hải sản khác nhau. Khi nước xuống sẽ soi tôm, nước lên sẽ soi mực.
Sau vài ngày đợi con nước, chúng tôi theo chân ngư dân ở đảo đi săn “lộc biển” trong đêm. 19h chúng tôi có mặt tại bến tàu Thắng Lợi để theo nhóm ngư dân Nguyễn Văn Dần (37 tuổi) đi soi tôm, mực.
Đội có 4 người lên một chiếc tàu gỗ nhỏ, kéo theo 2 chiếc thuyền thô sơ rẽ sóng ra biển.
Sau 30 phút, tàu đã chạy ra sau đảo Cống Tây cách bến tàu hơn 3km. Sau khi neo tàu, đội chia người xuống 2 thuyền nhỏ.
Đồ nghề cho buổi soi đêm gồm đèn tự chế có thể nhìn thấy đáy biển ở mực nước nông và chiếu sáng xa vài chục mét. Mỗi người được chuẩn bị một đôi ủng dài đến đầu gối kèm xiên và vợt lưới.
Ban đêm là thời điểm cá, mực, tôm hoạt động chậm, khi gặp đèn sẽ bị quáng nên dễ bắt, chính vì vậy đèn càng sáng việc săn “lộc biển” càng hiệu quả.
Nghề săn “lộc biển” đêm phụ thuộc vào thời tiết và con nước. Soi đêm cần nước trong mới nhìn rõ, hôm trời có gió nước đục sẽ không soi được.
Chỉ tay về phía biển, anh Dần cho biết, giờ này nước đang xuống, vì vậy cả đội sẽ lội xuống để soi tôm ven bờ. Tôm thường ẩn mình dưới cồn đá, khi nước thấp sẽ nhìn thấy cả đáy bùn, lúc đó cũng nhìn thấy tôm.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một thành viên có tiếng trong việc soi tôm nói, chỉ cần phát hiện ra 2 chấm đỏ dưới bùn, ngay lập tức dùng má chân hất ngang con tôm lên rồi dùng vợt để bắt.
Theo anh Hùng, trong nghề săn “lộc biển” buổi đêm, soi tôm là vất vả nhất vì phải lội xuống bùn, 1 tay vợt tôm, tay còn lại kéo theo thuyền vì vậy mất khá nhiều sức. Còn soi mực, soi cá đứng trên thuyền và rọi đèn xuống nước vì vậy đỡ vất vả hơn.
Sau 5 tiếng lội bùn, nhóm ngư dân có được chiến lợi phẩm là gần 3kg tôm.
Đến 1h sáng, lúc này nước đang lên dần, nhóm ngư dân leo lên thuyền bắt đầu chuyển sang soi mực. Nước lên cá con vào sát bờ nhiều nên con mực theo vào để bắt mồi. Ngư dân ở đây dùng xiên có cán gỗ dài 3m, đầu có 4 - 5 mũi nhọn cứng bằng sắt hoặc inox để đâm mực hoặc dùng vợt để bắt.
Theo các ngư dân, soi mực rất quan trọng ở thế đứng và lực xiên. “Thợ săn” phải luôn trong thế đứng thật vững chân trụ, chân tựa, khi soi đèn xuống nước mực sẽ vào theo ánh sáng. Khi phát hiện mực nhấp nháy lúc trắng lúc đen, chỉ trong tích tắc đâm xiên thật mạnh là trúng.
Vừa nói, anh Dần vừa thao tác một cách thành thục. Chớp mắt, anh đã xiên được 2 đến 3 con mực.
"Tôi theo nghề này lâu năm rồi nên ít khi đâm trượt. Động tác dùng xiên phải nhanh và dứt khoát. Đợt này đang mùa mực nên nhiều hôm cũng hay soi được mực lá loại 0,5kg/con. Nay trời có gió nên chủ yếu là loại mực nhỏ”, anh Dần nói.
Anh Dần cho biết, đêm nào thuận lợi thì soi được 3 đến 4kg cả tôm lẫn mực, đem bán cho dân thu mua ngoài cảng Vũng Đục, TP Cẩm Phả với giá khoảng 200.000 đồng/kg mực, 120.000 đồng/kg tôm.
Mỗi ngày kiếm được vài trăm nghìn đồng. Hôm soi được nhiều thì về sớm, hôm ít phải lội thâu đêm, có hôm chẳng được gì lại lỗ vốn vì chi phí xăng dầu. Cuộc sống ăn bữa nay lo bữa mai, chưa biết bao giờ mới ổn định.
Hơn 3h sáng, khi đã thấm mệt, cả đội thu dọn đồ nghề, lên tàu để quay về bờ. “Lộc biển” săn được là hơn 5kg tôm và mực.
Khi nước lên, nhóm ngư dân chuyển sang soi mực. |
Ngư dân Nguyễn Văn Hùng dùng vợt để vợt mực. (Ảnh: Huyền Trang) |
Gian nan bám nghề
Đôi mắt thâm quầng vì thường xuyên thức đêm, anh Nguyễn Văn Dần cho biết, một ngày chỉ được ngủ khoảng 3 đến 4 tiếng. Đêm làm sáng ngủ bù, đầu giờ chiều lại dậy chuẩn bị cho tối đi soi.
Gia đình không có điều kiện đầu tư công cụ chài lưới lớn để đánh bắt ban ngày nên đành đi săn “lộc biển” buổi đêm.
Anh Dần sinh ra và lớn lên trên đảo nên chỉ biết đi biển. Vợ chồng anh có 2 con nhỏ (5 tuổi) và một cháu đang học tiểu học. Gia đình thuộc diện khó khăn, đến nay vẫn chưa có nhà trên bờ. Hiện cả gia đình sống tại nhà bè trên biển.
Để có công cụ mưu sinh, vợ chồng anh Dần dùng tiền tiết kiệm nhiều năm và vay người quen, mua tàu gỗ về chạy. Đêm đi soi tôm, mực kết hợp thu mua hải sản sau đó chở về TP Cẩm Phả bán.
“Khi về Cẩm Phả, tôi tranh thủ nhập các đồ dùng thiết yếu từ đất liền mang về đảo bán cho ngư dân. Tàu gỗ cũ dăm bữa nửa tháng lại hỏng, nay sửa mai sửa, chi phí dầu đắt đỏ, làm trước hụt sau”, anh Dần chia sẻ.
Không kham được nỗi cơ cực của nghề soi tôm, mực giống anh Dần và anh Hùng, anh Đỗ Văn Vui (43 tuổi, xã đảo Thắng Lợi) chuyển sang soi cá đối, cá cuộng.
Quê gốc ở phường Tiền An, thị xã Quảng Yên nhưng anh Vui theo bố mẹ đi làm ở đảo Thắng Lợi từ nhỏ. Lâu dần thành quen, năm 15 tuổi anh vào hẳn Thắng Lợi để đi biển.
Cách đây 3 năm anh là người chuyên đi soi tôm, nhưng vất vả quá mà chẳng đủ sống. Một ngày 24 tiếng thì 10 tiếng ướt người, da chân bợt bạt, muỗi dĩn khắp người. Mùa Hè gió nam nước đục không làm được gì, mùa Đông nước cạn mới soi được tôm, nhưng lội nước cuồng chân, trời lạnh run cầm cập.
Việc săn tôm chủ yếu là dùng vợt. (Ảnh: Huyền Trang) |
Thành quả của nhóm ngư dân "săn" trong đêm. (Ảnh: Huyền Trang) |
Theo anh Vui, giờ đi soi cá đỡ vất vả hơn, mỗi đêm cũng được 4 đến 5kg cá các loại, bán đổ xô cũng được 80.000 đến 85.000 đồng/kg, kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày.
Nhưng mùa Đông mới có cá gần bờ để soi, còn mùa Hè anh phải ra tận biển xa để đánh bắt cá. Nhiều hôm không được phải đỗ thuyền mấy ngày, ra về tay trắng.
“Có hôm gặp phải lốc vòi rồng, thuyền lật suýt chết. Sau lần thoát nạn đó tôi định bỏ nghề, nhưng bỏ lại không biết làm gì, không có tiền nên tôi lại đi. Dân biển mà, đời lên xuống như con nước, nguy hiểm cận kề nhưng nghiệp vận vào đời rồi, chấp nhận thôi”, anh Vui kể.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi cho biết, xã có 442 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu, 95% người dân sống bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản.
Dù xã đạt chuẩn nông thôn mới từ tháng 5/2020, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hiện vẫn còn 61 hộ với 240 nhân khẩu phải sống lênh đênh trên tàu.
Chính quyền tạo mọi điều kiện cho người dân sử dụng mặt nước để khai thác thủy hải sản đồng thời định hướng tranh thủ thời vụ bám biển.
Bên cạnh đó tuyên truyền cho người dân làm tốt công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển.