Rộn ràng 'ngày hội' sân khấu kịch nói đầu tiên của TPHCM

GD&TĐ - Hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng quy tụ về Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024.

Đại diện các đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan. Ảnh: Thùy Linh.
Đại diện các đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan. Ảnh: Thùy Linh.

Cuộc hội ngộ nghệ thuật có sự góp mặt của nhiều vở diễn hấp dẫn, chất lượng.

Định hình thương hiệu kịch nói

Tối 12/11, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức lễ khai mạc Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024 tại Nhà hát Thành phố (Quận 1, TPHCM).

Liên hoan là một sự kiện văn hóa lớn của TPHCM, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp sân khấu kịch nói có nhiều nỗ lực trong đầu tư kịch thuật.

Đã có những nghiên cứu về xây dựng phong cách kịch riêng, phân khúc khán giả để định hình nên thương hiệu của mình. Từ đạo diễn, diễn viên trẻ đã có những tìm tòi, sáng tạo, không ngừng học hỏi để làm nghề nghiêm túc, ngày càng đông khán giả yêu mến và đến với sân khấu kịch, nhất là các khán giả trẻ tuổi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sân khấu kịch TPHCM vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, những trăn trở về nguồn kịch bản, chất lượng, đội ngũ tác giả, những khó khăn về cơ sở vật chất, sự cạnh tranh từ các loại hình nghệ thuật hiện đại khác.

Liên hoan được tổ chức nhằm đánh giá cụ thể chất lượng hoạt động, đội ngũ, công tác biểu diễn của sân khấu kịch thành phố, đồng thời mong muốn tạo ra một sân chơi nghề nghiệp giàu tính chuyên môn cho các đơn vị kịch nói.

Môi trường giao lưu này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ tham gia cuộc thi nghề, từ đó góp phần định hướng hoạt động nghệ thuật, thúc đẩy các đơn vị xây dựng chương trình, tác phẩm ngày càng được nâng tầm tư tưởng.

Liên hoan sân khấu lần này diễn ra đến hết ngày 29/11, với 20 đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa của TPHCM, tham gia dự thi 25 vở kịch. Các tác phẩm có sự đa dạng về đề tài như: Lịch sử, truyền thống cách mạng, văn học, hài, trinh thám, xã hội, thiếu nhi…; được thể hiện qua tài năng diễn xuất của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

“Hội đồng Ban giám khảo sẽ là những người uy tín trong lĩnh vực sân khấu, dự kiến sẽ thu hút đông đảo khán giả tham dự trong nửa tháng diễn ra liên hoan”, ông Thuận cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết thêm, sau nhiều năm chuẩn bị, ấp ủ ý tưởng và học hỏi từ các liên hoan khác trên cả nước, đây là thời điểm “chín muồi” để TPHCM có liên hoan lần đầu tiên, mang tầm quốc gia.

“Việc có một liên hoan mang tầm quốc gia sẽ giúp định vị chất lượng cũng như thương hiệu, những dấu ấn bản sắc của sân khấu kịch nói TPHCM, qua đó quảng bá những giá trị văn hóa rất đặc biệt của sân khấu kịch nói TPHCM vốn rất phong phú, đa dạng và đầy màu sắc.

Ban tổ chức cũng kỳ vọng, liên hoan này sẽ mang lại một không khí kịch nói rộn ràng trên địa bàn thành phố, có sự tương tác giao thoa giữa các nghệ sĩ sân khấu trong và ngoài công lập, giao lưu và học hỏi lẫn nhau và mở rộng tương tác với khán giả của mình. Chúng ta sẽ có một nền nghệ thuật vừa riêng, vừa mang bản sắc chung của sân khấu Việt Nam”, bà Thúy bày tỏ niềm kỳ vọng.

lien-hoan-san-khau-dau-tien-cua-tphcm-ron-rang-ngay-hoi-kich-noi-1.jpg
Các đại biểu, nghệ sĩ tham quan triển lãm. Ảnh: Thùy Linh.

Chờ đợi những tác phẩm chất lượng

Lần đầu tiên TPHCM có một sân khấu lớn cho kịch nói nhưng liên hoan đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nghệ sĩ. Nhiều vở diễn có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thành Hội, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Minh Nhí, NSND Trịnh Kim Chi, NSƯT Mỹ Uyên...

NSND Mỹ Uyên cho hay, đây là một sân chơi của người làm nghề, là một ngày hội liên hoan vui vẻ của nghệ sĩ. “Mỗi đơn vị đều chọn lựa kịch bản kỹ càng để đưa đến hội diễn những kịch bản hay. Chúng tôi phải làm sao để sánh bằng với những tác phẩm nổi tiếng trước đây mà Sân khấu Kịch 5B đã chứng minh với công chúng. Mỗi ngày chúng tôi đều phải cập nhật về nội dung, tư tưởng, diễn xuất, dàn dựng và diễn hết mình”, bà Uyên nói.

Nhiều đơn vị nghệ thuật đem tới liên hoan những vở diễn chất lượng, nổi tiếng và được công chúng yêu thích như “Đức Thượng công tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” - Nhà hát kịch Idecaf, “Ngày ấy cổng trời” - Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, “Cơn mê cuối cùng” - Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, “Đêm vượn hú” - Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ...

Hào hứng mong chờ các vở diễn được ra mắt, Lê Minh Ngọc (29 tuổi, ngụ Quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Mình rất thích xem kịch nói, từ lâu đã mến mộ các nghệ sĩ như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu hay NSƯT Thành Hội.

Lần này biết được TPHCM có một liên hoan lớn, nhiều tác phẩm được công diễn là cơ hội quý giá để khán giả yêu thích kịch nói có cơ hội thưởng thức các tác phẩm hay nhất từ các nhà hát kịch và gặp gỡ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, có tên tuổi trong nghề”.

Theo thông tin từ ban tổ chức, liên hoan lần này dành riêng cho thể loại kịch nói, những đợt kế tiếp lần lượt dành cho cải lương, hát bội, múa rối, xiếc… Lễ bế mạc sẽ được diễn ra vào tối 29/11 tại Nhà hát Thành phố (Quận 1, TPHCM).

Tại đêm tổng kết, ban tổ chức sẽ trao bằng chứng nhận kèm tiền thưởng cho các vở diễn, diễn viên đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và các giải thưởng cho các hạng mục sáng tạo.

Nằm trong khuôn khổ của liên hoan, triển lãm mang tên “Khát vọng Phương Nam” và “Dấu ấn sân khấu kịch TPHCM” sẽ diễn ra tại Công viên Lam Sơn và Nhà hát Thành phố. Hai triển lãm trưng bày hơn 100 hình ảnh về lịch sử phát triển kịch nói thành phố từ những ngày đầu thành lập. Đồng thời, giới thiệu các tác phẩm tham gia liên hoan cùng các hoạt động, vở diễn, nghệ sĩ của 20 đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch, các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật tại TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.