Đây là cơ hội cho những người hoạt động sân khấu và giới nghệ sĩ Việt Nam được giao lưu, tiếp cận các trào lưu sân khấu thế giới đương đại, thúc đẩy sân khấu nước nhà phát triển. Tuy nhiên, để có những tác phẩm thử nghiệm mang tầm quốc tế là vấn đề gian nan.
Kịch bản - yếu tố quan trọng
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - cho biết: Hội sẽ phải tổ chức Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm trong nước trước thời gian diễn ra liên hoan quốc tế khoảng 4 tháng.
Thực tế, mỗi năm đều có tác phẩm thử nghiệm được ra mắt công chúng, tuy nhiên, để có được những tác phẩm chất lượng có thể so tài với quốc tế là trăn trở của nhiều đạo diễn.
Không thể phủ nhận những thành công mà sân khấu thử nghiệm mang lại như: 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử (Nhà hát Tuổi Trẻ), Biến vĩ của tình yêu (Nhà hát Tuổi Trẻ), Sang sông (CLB sân khấu thử nghiệm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), Nỏ thần (Sân khấu kịch Phú Nhuận), Ngàn năm tình sử (Sân khấu kịch Idecaf)...
Song không phải tác phẩm thử nghiệm nào cũng dễ thành công, bởi trên con đường tìm kiếm và làm “lạ hóa” sân khấu đã có những tác phẩm thất bại.
Kim Vân Kiều của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là một thí dụ cho việc đổ tiền tỷ cho cuộc thử nghiệm bất thành. Còn Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với kinh phí lên đến 3,8 tỷ đồng, lại tiếp tục gặp sự chỉ trích của công luận.
Thử thách từ dư luận công chúng
Trong lúc sân khấu đang trong tình trạng khủng hoảng, Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm được xem là giải pháp tạo “điểm nổ” cho sân khấu. Nhưng những thử nghiệm cách tân, đổi mới ấy có tìm lại thánh đường cho sân khấu hay không thì vẫn là thử thách không nhỏ.
NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc khẳng định: “Thật ra trong mỗi nghệ sĩ đều có khát vọng thử nghiệm, bởi anh muốn sáng tạo khác đi, không lặp lại mình và người khác.
Tìm trong mỗi vở thấy có gì lóe lên là đã mừng. Không dám liều thì nghệ sĩ sẽ “chết” vì sự cũ mòn”. Tất nhiên, “liều” ở mức độ nhất định nào đó thì mới được gọi là thử nghiệm, và những vở này phải chịu đựng một thử thách rất lớn từ dư luận công chúng.
NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - đã chia sẻ: “Cái khó của sân khấu thử nghiệm là nhiều khi không có người xem.
Vì có sự lẫn lộn về nhận thức, có một số ý kiến cho rằng không nên dùng chữ thử nghiệm vì sợ công chúng không hiểu. Thực ra, thử nghiệm là đi sâu tìm cái mới.
Chúng ta phải cho khán giả “biết” có sân khấu thử nghiệm, làm cho khán giả “hiểu” và từ đó khán giả sẽ tự cảm nhận: Thích hay không thích.
Cuộc sống thay đổi, nghệ thuật ở biệt khu “thượng tầng kiến trúc” cũng cần phải thay đổi, thậm chí nghệ thuật phải đi trước cuộc sống. Sân khấu ngày nay, ít vở diễn có tính dự báo mà chỉ phản ánh hiện thực khách quan. Chúng ta cần đi tìm và bổ sung cho sân khấu những giá trị mới, đương đại - sân khấu thử nghiệm… là quá trình sáng tạo đó”.
“Sân khấu thử nghiệm là vấn đề nan giải đối với những người trong nghề như chúng tôi. Thử nghiệm là phải có điều gì đó mới mẻ, hấp dẫn.
Trong khi đó, hiện nay chúng tôi đang phải bươn chải với cơ chế thị trường, đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ khâu kịch bản cho tới đạo diễn, diễn viên, rồi địa điểm biểu diễn...”.
NSND Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội