Sân khấu kịch thắp hy vọng thời vàng son với 'Anh cả đỏ'

GD&TĐ - Món quà mừng sinh nhật đầy ý nghĩa khán giả dành cho “Anh cả đỏ” đã thắp hy vọng không khí sàn diễn của “cánh chim đầu đàn” sẽ trở lại… ngày xưa.

Vở kịch 'Người trong cõi nhớ' mới được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Ảnh: Bình Thanh
Vở kịch 'Người trong cõi nhớ' mới được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Ảnh: Bình Thanh

Nhà hát Kịch Việt Nam đang tưng bừng mừng sinh nhật tuổi 70 của mình bằng những đêm kịch hấp dẫn cùng mong muốn tiếp tục ghi danh “Anh cả đỏ” vàng son trong lòng khán giả hôm nay.

Cháy vé từng đêm

Series vở diễn mà Nhà hát Kịch Việt Nam “khoe” trong suốt gần 2 tuần lễ (từ ngày 8 - 17/12, tại rạp số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội và tại Nhà hát Lớn Hà Nội), gồm: “Đêm trắng” (tác giả: Lưu Quang Hà, đạo diễn: NSƯT Xuân Bắc), “Kiều” (nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể, đạo diễn: NSND Anh Tú), “Bệnh sĩ” (tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSND Tuấn Hải);

“Bão tố Trường Sơn” (tác giả: Trương Minh Phương, đạo diễn: NSND Anh Tú), “Điều còn lại” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu); “Người trong cõi nhớ” (tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSƯT Trịnh Mai Nguyên), “Người tốt nhà số 5” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSƯT Tạ Tuấn Minh) và “Người yêu hoa hậu” (tác giả: NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn: Tùng Linh).

Đây là những vở diễn được nhà hát dàn dựng trong gần 10 năm trở lại đây và có nhiều vở giành giải cao tại các kỳ liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế như “Điều còn lại”, “Người tốt nhà số 5”, “Đêm trắng”, “Người trong cõi nhớ”...

Cùng với đó, bằng sự phong phú về đề tài, từ lịch sử cho đến chiến tranh cách mạng và cả đương đại, được thể hiện qua cách dàn dựng hiện đại, lối diễn xuất tinh tế của các nghệ sĩ, nhiều vở diễn tuy dàn dựng từ kịch bản được tác giả Lưu Quang Vũ viết cách đây mấy mươi năm, song vẫn ghi dấu ấn với khán giả hôm nay.

Điển hình như vở “Bệnh sĩ” dàn dựng từ năm 2014 nhưng mỗi khi công diễn đều… cháy vé và đang là một trong những vở diễn có số đêm sáng đèn nhiều nhất của nhà hát.

Cũng bởi, vở diễn này vừa đem đến cho khán giả những tiếng cười thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng, bộn bề vừa để lại những thông điệp chưa bao giờ xưa cũ và khắc họa sâu sắc về một căn bệnh liên quan đến tất cả mọi người - bệnh sĩ.

Căn nguyên bệnh này được vở diễn lý giải thật sắc ngọt: “Ô hay, có phải mình mày nói dối đâu, cả xã nói dối, cả huyện nói dối, cả nước đang nói dối. Cho nên mày hãy dối một lần cho tao nhờ...” (lời của ông Thình khuyên bảo cháu).

Trong khi đó, vở “Người trong cõi nhớ” là tác phẩm mới được dàn dựng và vừa ẵm Huy chương Vàng vở diễn cùng nhiều Huy chương Vàng, Bạc cá nhân của Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V.

Được dàn dựng từ kịch bản văn học có không gian phức tạp: Cõi nhớ - cõi ghét; cõi âm - cõi dương nhưng đạo diễn Trịnh Mai Nguyên đã có cách “mở khóa” thông minh, tinh tế nên dễ dàng thuyết phục khán giả hôm nay.

Thực ra, 8 vở diễn này chỉ là những nét điểm xuyết trong “gia tài” đồ sộ của “Anh cả đỏ” được các thế hệ nghệ sĩ tâm huyết, tài năng sáng tạo, cống hiến trong suốt 70 năm qua như: NSND Thế Lữ, NSND Đào Mộng Long, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Doãn Châu, NSND Lan Hương, NSND Anh Tú, NSND Lệ Ngọc, NSND Trung Anh, NSƯT Quốc Khánh, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Phương Nga…

"70 năm là bề dày truyền thống đáng tự hào. Trong suốt chặng đường này, các thế hệ của nhà hát đã không ngừng sáng tạo, vươn lên để khẳng định vị trí của một đơn vị sân khấu kịch nói hàng đầu của đất nước”, NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ.

Sẽ trở lại… ngày xưa?

“Chúng tôi quan niệm việc cung cấp những vở diễn hay, chất lượng là trách nhiệm đầu tiên để có thể “đỏ đèn” và mỗi đêm diễn sẽ là sự sống còn của nhà hát. Hiện tại, Nhà hát Kịch Việt Nam đã ký hợp đồng thỏa thuận với Nhà hát Star Galaxy 87 Láng Hạ, Hà Nội để phối hợp tổ chức, khai thác biểu diễn. Chúng tôi sẽ không bỏ sót một cơ hội nào, dù là nhỏ nhất, để anh em nghệ sĩ được cống hiến…”.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

Lâu nay, sân khấu nước nhà vẫn được cho là vắng khán giả, hoặc nếu có những buổi diễn kín khán phòng thì phần lớn là khán giả vé mời. Ấy thế nhưng, dịp này, dù sáng đèn để mừng sinh nhật - một hoạt động kỷ niệm và thường gắn với những đêm diễn miễn phí, vậy mà Nhà hát Kịch Việt Nam trái lệ, dám nói không với vé mời.

Thật mừng khi các đêm diễn vừa qua, rạp hát số 1 Tràng Tiền luôn kín chỗ bằng những tấm vé bán được. Có thể thấy đây là quà mừng sinh nhật đầy ý nghĩa mà khán giả dành cho “Anh cả đỏ” cùng hy vọng không khí sàn diễn của “cánh chim đầu đàn” sẽ trở lại… ngày xưa - cái ngày mọi người náo nức xếp hàng dài mua vé vào rạp.

“Hay tin nhà hát kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, tôi mua vé suất diễn vở “Người trong cõi nhớ” để mời gia đình đến rạp thưởng thức. Theo tôi, để các nhà hát tiếp tục có vở diễn hay cống hiến cho công chúng thì cần lắm sự chia sẻ từ khán giả, được bắt đầu từ việc đến rạp mua vé chứ đừng giữ mãi tâm lý chỉ đi xem khi có vé mời”, anh Nguyễn Hoàng (Đống Đa, Hà Nội) nói.

Quả vậy, cùng với sự ủng hộ của khán giả thì chính “Anh cả đỏ” cũng đang nỗ lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong từng tác phẩm nghệ thuật. Riêng trong năm nay, nhà hát đã “trình làng” 3 vở diễn mới chất lượng (“Nhân thế”, “Người trong cõi nhớ”, “Người yêu hoa hậu”) và chùm kịch ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh “Sáng mãi tên Người”.

Bằng việc sáng đèn đều đặn rạp số 1 Tràng Tiền vào những ngày cuối tuần, nhà hát đã đón 50 nghìn lượt khán giả và tổ chức gần 150 buổi diễn phục vụ khán giả Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, nhà hát còn thực hiện nhiều chuyến công tác tới các tỉnh, thành phố; thực hiện dự án hợp tác với Tập đoàn PacificOcean Partner và Trường Đại học Australian Institude of Music của Australia để dàn dựng nhạc kịch “Alice in Wonderland”; phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP), Trung tâm văn hóa châu Á (ACC) dàn dựng vở kịch “Bến không chồng”…

“Để có được ngày hôm nay, các thế hệ diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam đã cố gắng rất nhiều và có sự kế tục truyền thống. Các đạo diễn trẻ luôn được khuyến khích, phát huy khả năng của mình”, NSƯT Trịnh Mai Nguyên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.