Một thời ngủ quên
Không khó nhận ra, vài năm trở lại đây sân khấu âm nhạc Hà Nội đã sự khởi sắc. Điều đó thể hiện trên số lượng chương trình không ngừng tăng cùng sự quy tụ của các sĩ lớn trong và ngoài nước trở về biểu diễn.
Sân khấu, tụ điểm âm nhạc nhỏ tại Hà Nội cũng nóng hơn với hàng loạt chương trình hấp dẫn. Mặt khác, nhu cầu và thói quen thưởng thức nghệ thuật của người Hà Nội cũng có những biến đổi nhất định cả về lượng và chất.
Trong nhiều năm trước đây, khi nói về nhu cầu giải trí văn hóa của người Hà Nội, các nhà tổ chức đều chung nhận xét, khán giả Hà Nội mang trong mình văn hóa, đặc điểm sống, nhu cầu thưởng thức… khác biệt nên Hà Nội nhiều năm trước đây luôn là mảnh đất không dễ chinh phục của các ca sĩ, nhà tổ chức.
Việc tổ chức các chương trình âm nhạc tại sân khấu lớn cũng như các phòng trà, tụ điểm âm nhạc nhỏ không hề dễ dàng. Nhiều tụ điểm âm nhạc nhỏ được mở ra chỉ sau một thời gian hoạt động ngắn đã khép lại.
Ngay cả các ca sĩ đã thành danh trong các cuộc thi âm nhạc lớn nhưng khi lập nghiệp vẫn chọn giải pháp nam tiến để dễ dàng bắt nhịp và thành danh hơn.
Nếu công chúng phía nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng có thói quen, nhu cầu thưởng thức âm nhạc nghệ thuật ở những tụ điểm công cộng khá lớn. Thì người Hà Nội lại có xu hướng đóng cửa thưởng thức nghệ thuật qua truyền hình.
Đặc tính, sự chịu chơi và thích giao lưu với văn hóa nghệ thuật của người Sài Gòn khiến các bầu show dễ dàng móc túi khán giả tiền trăm, tiền triệu cho cặp vé vào xem một chương trình âm nhạc.
Trong khi đó, tại Hà Nội chỉ trừ những chương trình âm nhạc thực sự đặc biệt, với các tên tuổi ca sĩ, tác giả lớn thì mới đảm bảo kín chỗ trong sân khấu. Các trường trình âm nhạc vừa và nhỏ, không chiêu mộ được nhiều ca sĩ nổi tiếng, không kiếm được những hợp đồng tài trợ… đã khiến nhiều nhà tổ chức khó khăn thu hồi vốn thậm chí thâm hụt đầu tư.
Công chúng khán giả Hà Nội dường như không chỉ sống khép kín, ít quảng giao hơn mà cũng kĩ càng hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm giải trí so với phía Nam.
Ngay cả khi vé đã đến tay với hình thức cho, biếu, tặng cũng không đồng nghĩa sân khấu được lấp đầy khán giả. Nghệ thuật để được công chúng đón nhận theo số đông phải có sự đầu tư thực sự từ chất lượng đến quảng cáo, PR.
Với những đặc điểm riêng, nên nhiều năm qua sân khấu âm nhạc Hà Nội vẫn như một chú hổ ngủ quên không được đánh thức. Sự sôi động, ồn ào và được coi như miền đất hứa cho các ca sĩ trẻ tiến vào showbiz tìm kiếm tiếng năng, danh vọng, tiền tài… vẫn luôn thuộc về thành phố Hồ Chí Minh.
Thức dậy tiềm năng
Chưa khi nào sân khấu âm nhạc tại Hà Nội lại sôi động như hai năm gần đây. Liên tục các chương trình âm nhạc hoành tráng và thậm chí ở quy mô vừa nhỏ được tổ chức thành công.
Sự thức dậy các chương trình nghệ thuật này cũng gắn liền với hàng loạt nhạc sĩ, đạo diễn nghệ thuật, nhà tổ chức “mát tay” trong tổ chức thành công nhiều chương trình khác. Kèm theo đó, từ các chương trình này hàng loạt các ca sĩ hạng sao được tiến gần hơn với công chúng.
Thậm chí, những nhạc sĩ kì cựu, cây đa cây đề trong làng nhạc Việt cứ đến hẹn lại lên tổ chức các chương trình âm nhạc cho riêng mình.
Các ca sĩ diện sao, hot về nghệ thuật chuyên nghiệp tới ca sĩ giải trí dù đắt show đến mấy tại các tỉnh thành khác thì Hà Nội vẫn được chọn như địa điểm để tổ biểu diễn chinh phục khán giả và khẳng định thương hiệu của mình.
Tính sơ sơ từ đầu năm tới nay đã có tới hàng chục chương trình, liveshow ca nhạc lớn được tổ chức tại Hà Nội. Sự trở lại của nhiều ca sĩ trong và ngoài nước khi chọn Hà Nội để biểu diễn đã làm nóng lên nhu cầu, thói quen thưởng thức của khán giả.
Hàng loạt những tụ điểm âm nhạc dạng phòng trà cũng ăn theo và có tần số biểu diễn lớn của ca sĩ. Không những thế, để tranh thủ sức nóng của những cuộc thi âm nhạc trên truyền hình thì các huấn luyện viên cùng học trò của mình cũng đã tổ chức nhiều đêm nhạc riêng ra mắt khán giả Hà Nội.
Một dấu hiệu mừng cũng nhận thấy, trước đây các ca sĩ thường Nam tiến để tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp thì giờ đây nhiều ca sĩ lại kéo ra Bắc để làm show và biểu diễn nhiều hơn.
Và trường hợp ca sĩ Hà Nội sau thời gian chinh phục sân khấu Sài Gòn cũng trở về Hà Nội để tổ chức liveshow chi ân khán giả, gia đình, người thân; quay lại Hà Nội hoạt động biểu diễn chính thay vì hướng ra chinh phục khán giả các tỉnh thành.
Trong vài năm gần đây, lượng ca sĩ Việt đang sinh sống và biểu diễn trên sân khấu hải ngoại tìm về quê hương biểu diễn tăng đáng kể. Đáng chú ý, trong những chia sẻ với khán giả họ đều coi sân khấu Hà Nội, khán giả Hà Nội như một nơi đáng chinh phục, và ghi dấu ấn trong hoạt động trở lại biểu diễn ở quê hương của mình.
Có thể kể tới hàng loạt các tên tuổi nghệ sĩ đã trở về Việt Nam biểu diễn tại Hà Nội và ghi dấu ấn như: Khánh Ly Tuấn Vũ; Bằng Kiều; Thu Phương; Chế Linh, Tuấn Ngọc; Quang Lê… Bức tranh sân khấu âm nhạc Hà Nội thay đổi với nhiều hứa hẹn hấp dẫn.
Sự trở lại của hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc thời gian gần đây cũng kéo theo nhiều hiện tượng chưa từng thấy. Trước tiên, đó là sự chịu chi của người Hà Nội cho những chương trình âm nhạc mà họ thích.
Ví như để mua được đôi vé xem ca sĩ Bằng Kiều, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm… biểu diễn khán giả chấp nhận xếp hàng mua vé và móc túi số tiền nhỏ nhất từ vài trăm nghìn một vé cho tới 1-2 triệu/vé.
Nhu cầu tăng mạnh nên tình trạng cháy vé vẫn diễn ra. Đây cũng lại trở thành dịp để các phe vé hoạt động mạnh hơn, tăng giá vé lên gấp nhiều lần mà vẫn bán hết.
Cùng đó, sự trở về của những ca sĩ được yêu thích từ hải ngoại, các sao lớn nhỏ trong nước cũng kéo theo lượng lớn khán giả đến rạp đông hơn rất nhiều so với sân khấu các năm trước đây. Hình ảnh tấp nập khán giả, lịch biểu diễn dày đặc của sân khấu âm nhạc Hà Nội đã lâu mới chứng kiến sức nóng đến vậy.
Theo chia sẻ của một bầu show, khi các chương trình ca nhạc có chất lượng ngày càng được đầu tư tổ chức tại Hà Nội thì việc đăng ký các địa điểm lớn của thành phố như: Cũng Hữu Nghị Việt Xô; Nhà hát Lớn, Trung tâm hội nghị Quốc gia để tổ chức cũng đặt các công ty sự kiện trước nhiều khó khăn, và phải năng động hơn rất nhiều mới có được sân khấu.
Sức nóng của các sân khấu âm nhạc tại Hà Nội là điều đáng mừng, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều điều đáng suy ngẫm cho những người làm công tác quản lý và tổ chức nghệ thuật biểu diễn.
Làm sao để khán giả duy trì thói quen thưởng thức âm nhạc trực tiếp tại sân khấu? làm sao để khán giả được xem các chương trình nghệ thuật thực sự chất lượng, đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra.
Mặt khác, công tác kiểm duyệt nội dung chương trình giữa thực tế và đăng ký tổ chức cần sát sao và có điều chỉnh phù hợp.