Săn hẹ nước Đồng Tháp Mười

GD&TĐ - Là đặc sản chỉ có ở bưng bàu, đồng bãi chiêm trũng vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, hẹ nước là một loài rong sinh sống tự nhiên ở vùng phèn mặn nơi này. Đặc biệt hơn, loài rong này thường chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi.

Dong ghe, trầm mình lấy hẹ nước
Dong ghe, trầm mình lấy hẹ nước

Lặng lẽ trên đồng vắng

Tháng 8 này, vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mới bắt đầu bước vào mùa nước nổi. Tuy nhiên, ở vùng chiêm trũng Đồng Tháp Mười, nơi giáp ranh biên giới Campuchia, do mưa kéo dài nên nhiều sông ngòi, kênh rạch, đồng đất đã có nước về. Nước chưa tràn bờ nhưng cũng bắt đầu xâm lấn mọi thứ và đó cũng là lúc những đám hẹ nước không biết từ đâu ngoi lên giữa mênh mang đồng nước.

Hẹ nước sinh ra, lớn lên và tồn tại suốt cuộc đời trong nước. Phần thân lá nào trồi khỏi mặt nước là lập tức bị héo rũ ra. Từ xa xưa, người dân vùng chiêm trũng ở vùng Đồng Tháp Mười này coi hẹ nước là một thứ rau để sử dụng trong cuộc sống thường nhật, như các loại bông súng, điên điển... mà thiên nhiên trù phú ban tặng mỗi khi mùa nước nổi tràn về. Tuy nhiên hiện nay, do những cánh đồng hoang dã bị thu hẹp rất nhiều nên không gian sống của loài hẹ nước cũng ít đi, thậm chí chỉ còn xuất hiện ở những vùng biên giới sâu trong Đồng Tháp Mười mà thôi.

Bà Nguyễn Thị Tâm, 51 tuổi, một người dân ở xã Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa, Long An) kể, ngày xưa hẹ nước mọc khắp vùng biên giới Mộc Hóa, Kiến Tường khi tới mùa nước nổi. “Lúc ấy, rất ít người lấy hẹ nước vì chỉ để sử dụng trong bữa ăn gia đình mà thôi. Còn ngày nay, hẹ nước đang trở thành một trong những đặc sản được ưa chuộng, giá cao hơn nhiều vì nó hiếm, lại là thứ gia vị không thể thiếu trong những nồi lẩu mắm, kho mắm kiểu miền Tây. Quanh đây mỗi ngày có hàng chục người đi lấy hẹ nước về bán. Có bao nhiêu, thương lái thu mua bấy nhiêu”. Nói về cây hẹ nước độc đáo này, bà Tâm kể thêm, do đây là loài cây rong thân mềm, nhìn như lá cỏ, hao hao giống cây hẹ trên cạn nên được gọi tên là hẹ nước chứ thực chất, chúng lại không phải là loài hẹ.

Thậm chí, ngay cả cái cách cây hẹ nước xuất hiện cũng khiến nhiều người bất ngờ vì nó không được gieo trồng. “Nhiều người cứ ngỡ hẹ nước được mùa nước nổi mang về như những sản vật cá tôm, cua ốc nhưng không phải vậy. Cây hẹ sống ở vùng này, khi nước cạn chúng lụi tàn, chỉ còn chút củ chìm trong đất. Khi mùa nước nổi về, đất biến thành bùn nhão, cộng thêm nước khiến củ nó bung ra, mọc thành cây. Vòng đời của hẹ nước rất ngắn, có khi chỉ một tháng, nếu không ai cắt là tự chúng lụi tàn. Nhưng sức sống của chúng vô cùng bền bỉ. Nghĩa là cứ có nước về là chúng mọc lên. Dù người ta có gieo trồng bất cứ loài cây nào khác, hẹ vẫn chen lên được. Chúng là một trong những loài cây cỏ nhỏ bé mà “chung thủy” nhất với người dân vùng đồng chiêm trũng nơi này”, bà Tâm kể thêm.

 

Những ngày này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang lặng lẽ trầm người lấy hẹ ở những cánh đồng ngập nước. “Lấy được hẹ nước không phải là dễ dàng. Ở những chỗ nước sâu, phải dong ghe đi lấy và để lấy được chúng, phải trầm mình trong nước suốt. Cũng may, giá hẹ bây giờ cao, khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg nên nếu chăm chỉ, một ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được 300.000 – 400.000 đồng tiền hẹ chứ không ít. Bây giờ, kiếm được từng ấy tiền không phải là dễ, nhất là với những người nông dân nghèo nơi đây”, anh Nguyễn Văn Mạnh, một nông dân khác ở xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa) chia sẻ.

Mỗi ngày, vợ chồng anh Mạnh đều chạy ghe đi lấy hẹ nước đến trưa là nghỉ, nửa ngày còn lại sơ chế hẹ mới bán được. “Hẹ tuy dễ lấy nhưng công đoạn sơ chế lại rất cực. Vì là loài rong mềm nên lá của chúng rất mỏng mảnh, dễ nhàu nát. Khi nhổ lên, mình phải lọc những lá úa già, rồi cắt đi phần rễ, chỉ để đoạn lá xanh non lại. Sau đó hẹ được xếp cẩn thận vào từng giỏ cho ráo nước để thương lái tới thu mua”, anh Mạnh kể thêm. Được biết, dù là sản vật ở sâu trong những cánh đồng hoang vắng của vùng Đồng Tháp Mười nhưng hiện nay, hẹ được thu mua rất nhanh gọn. Từ khi chúng được “thu hoạch” cho tới khi được bày bán ở các chợ, siêu thị hay nhà hàng, quán ăn chỉ vỏn vẹn chừng hơn hai mươi giờ đồng hồ. TPHCM là thị trường tiêu thụ chủ yếu.

Sinh kế mong manh

Thời gian xuất hiện của hẹ nước chừng hai tháng. Hẹ nước mang lại thu nhập cho người nông dân khá tốt nhưng vì là “của không phải riêng ai” nên lắm người đi lấy. “Bây giờ hẹ thì ít mà người đi lấy thì nhiều nên nhiều bữa, vợ chồng tôi phải chạy ghe tới sát biên giới, sâu hơn trong những bàu hoang để lấy hẹ. Mà cũng không thể nào lấy nhiều được vì khi đưa lên bờ, nếu không sơ chế, hẹ rất dễ bị dập nát, buộc phải sơ chế để bán cho thương lái ngay. Người dân ở vùng đất này quá quen thuộc với mùa nước nổi và những sản vật mà nó mang lại. Hẹ nước cũng như bao loại sản vật khác chỉ xuất hiện và đem lại nguồn thu cho người dân trong một thời gian rất ngắn. Khi nước lũ ở vùng thượng nguồn này rút đi, những sản vật ấy cũng không còn. Và tất nhiên, người dân cũng như người sử dụng, phải đợi thêm mùa nước nổi năm sau”, chị Tám - vợ anh Mạnh kể thêm.

Một điều khá thú vị khác là tuy không thể gieo trồng nhưng người dân vẫn biết cách để phát triển loài cây này, bằng cách giữ lại những gốc hẹ mùa vụ trước bỏ vào những chân ruộng rồi chờ đợi cho tới vụ mùa sang năm. Tất nhiên, trong thời gian này, những chân ruộng ấy không được gieo trồng các loài cây khác. Vì thế, nhiều nơi ruộng trũng, khó phát triển các loài cây thông thường, bị bỏ không được trở thành nơi bỏ gốc hẹ nước chờ mùa nước nổi. Đây là hình thức gieo trồng “bán tự nhiên”, như những ruộng bông sen, bông súng... khác ở vùng này vậy. Nghĩa là ruộng được để trống, chờ mùa nước và cây tự mọc lên rồi khai thác.

Hẹ nước cũng là một “món quà” có giá trị cao mà mùa nước nổi đã ban tặng cho người dân vùng chiêm trũng. Nó cùng với nhiều sản vật mùa nước nổi khác tạo thành một nét riêng, chỉ có ở vùng đất này, vào những thời gian nhất định, để mang đến cho con người không chỉ một chút sinh kế mà còn là một nét văn hóa không có ở bất cứ đâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ