Sắn được mùa, giá cao, bà con huyện nghèo thu trăm tỷ đồng

GD&TĐ - Với gần 3.000ha sắn, toàn huyện Mường Lát ước tính thu 100 tỷ đồng, hứa hẹn là một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Mông.

Bà con Mường Lát vào mùa thu hoạch sắn. (Ảnh: NT).
Bà con Mường Lát vào mùa thu hoạch sắn. (Ảnh: NT).

“Kỷ lục” bỏ túi hàng chục triệu đồng

Để giúp bà con đồng bào Mông Mường Lát thoát nghèo, các Đồn Biên phòng như Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi... nơi vùng biên Mường Lát đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia mô hình điểm trồng “Cây sắn năng suất cao”.

Năm đầu tiên đưa cây sắn vào trồng đại trà lại được mùa, giá cao khiến bà con nông dân vô cùng phấn khởi.

Cõng bao tải sắn vượt qua những sườn đồi dốc, Thào A Pao (bản Xa Lung, xã Mường Lý) không giấu được phấn khởi: “Sắn được mùa, giá cao, lần đầu tiên có khoản tiền lớn hàng chục triệu đồng trong nhà, không còn lo không có tiền tiêu Tết như mọi năm”.

Nhà A Pao trồng 2ha sắn, đã thu hoạch được 1ha, cho sản lượng 20 tấn. Với giá bán 2.100 đồng/kg, gia đình A Pao thu về hơn 40 triệu đồng. Trên đồi của gia đình còn khoảng 20 tấn sắn chưa thu hoạch.

Theo A Pao, năm nay sắn được mùa, giá cao hơn, dự tính nhà Pao sẽ có 40 tấn sắn củ và thu về hơn 80 triệu đồng.

Anh Sùng Seo Sểnh, Bí thư kiêm Trưởng bản Xa Lung, cho biết, bà con Xa Lung rất vui khi giá sắn tăng gấp đôi so với những năm trước. Bản Xa Lung có 60 hộ và hầu hết các hộ trồng sắn. Sắn là cây trồng lâu năm, mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ dân.

Theo anh Sểnh, cứ cái đà này, chả mấy chốc mà đồng bào Mông ở Xa Lung sẽ thoát nghèo, có của ăn, của để.

Gia đình bí thư kiêm trưởng bản Nàng 1 (xã Mường Lý) Ngân Văn Tịnh cũng là hộ có diện tích cây sắn nhiều nhất bản. Với 10ha sắn, gia đình anh Tịnh ước tính năm nay sẽ thu hoạch hơn 20 tấn sắn, với giá mà công ty đang thu mua như hiện nay thì được xem là “thắng lợi” đối với gia đình.

Người dân Mường Lát phấn khởi vì sắn được mùa, giá cao. (Ảnh: NT)

Người dân Mường Lát phấn khởi vì sắn được mùa, giá cao. (Ảnh: NT)

Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết, nếu như trước đây, cây sắn chỉ được trồng nhỏ lẻ, giá trị thấp thì nay nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, cây sắn sẽ giúp đồng bào ở đây xoá đói, giảm nghèo.

Theo ông Bình, hiện Mường Lý là xã có diện tích trồng sắn nhiều trên địa bàn huyện Mường Lát với gần 1.000 ha sắn. Trong đó, khoảng 400ha trồng sắn chất lượng cao. Cây sắn hợp thổ nhưỡng, khí hậu, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cho củ to, nhiều củ, lượng tinh bột lớn nên luôn được giá.

Giá sắn thời điểm hiện tại là 2.100 đồng/kg. Nếu sắn có lượng tinh bột lớn thì có giá 2.200-2.500 đồng/kg. Uớc tính doanh thu từ sắn của địa phương đạt hàng chục tỷ đồng.

Hứa hẹn là cây thoát nghèo

Là năm đầu tiên, Mường Lát đưa cây sắn vào trồng đại trà, các Đồn biên phòng phối hợp với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đã ký kết chương trình phối hợp triển khai mô hình tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã biên giới thuộc huyện Mường Lát.

Công ty đầu tư giống sắn, phân bón và phối hợp cùng với các đồn biên phòng hướng dẫn bà con địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm.

Cây sắn hứa hẹn là một trong những cây giảm nghèo của huyện Mường Lát. (Ảnh: NT)
Cây sắn hứa hẹn là một trong những cây giảm nghèo của huyện Mường Lát. (Ảnh: NT)

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết, năm đầu tiên đưa sắn vào trồng đại trà trên địa bàn huyện Mường Lát, lại được thương lái bao tiêu, thu mua tại điểm tập kết với giá trên 2.000 đồng/kg.

Với sản lượng hơn 18 tấn/ha, toàn huyện sẽ thu được khoảng 110 tỷ tiền sắn. Đây là điều chưa từng thấy ở huyện biên giới này. Người dân rất phấn khởi, tranh thủ nắng ráo ra đồng thu hoạch.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, việc ký kết bao tiêu sản phẩm đã giúp cho bà con yên tâm, gắn bó với cây sắn. Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng được cho là phù hợp với cây sắn khi sản lượng, năng suất vụ năm 2023 khá cao, góp phần nâng cao đời sống, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Trước đó, ngày 21/8/2023, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá đã phối hợp với UBND huyện Mường Lát tổ chức hội nghị công bố và bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ Thổ nhưỡng - Nông hóa huyện Mường Lát.

Đây là nguồn tài liệu rất quan trọng để huyện Mường Lát làm cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, kinh tế - xã hội của huyện, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.