Sân chơi nghiệp vụ rèn nghề cho giáo sinh

GD&TĐ - Thi nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên là cách nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong phần thi xử lý tình huống sư phạm. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong phần thi xử lý tình huống sư phạm. Ảnh: TG

Đây là bước tập dượt nhằm trang bị năng lực sư phạm để giáo sinh vững vàng đứng lớp sau khi ra trường; từ đó đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018.

Phát triển năng lực sư phạm

Từng là thí sinh dự thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường, sinh viên Lê Thị Nguyệt Hà – Khoa Sư phạm, Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) bộc bạch, đây là sân chơi thiết thực, bổ ích dành cho sinh viên. Hoạt động này giúp người học rèn luyện kiến thức chuyên môn, phẩm chất đạo đức nhà giáo. Đây cũng là cơ hội để sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành sư phạm, gắn kiến thức lý thuyết môn học với thực tiễn; tăng cường hiểu biết, thể hiện năng khiếu và khả năng xử lý tình huống sư phạm.

Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thi Nghiệp vụ sư phạm năm học 2023 - 2024. PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức hội thi cho hay, có 13 đội - đại diện các đơn vị đào tạo trong trường tham gia hội thi, với nội dung: Chào hỏi; xử lý tình huống sư phạm; hùng biện; thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục; dạy học.

Một trong những điểm nhấn của hội thi là phần thi xử lý tình huống sư phạm, thiết kế và tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đây là 2 phần thi kịch tính. Sinh viên thể hiện được khả năng sáng tạo cũng như kỹ năng xử lý tình huống sư phạm khác nhau.

Phần thi dạy học được tổ chức với sự tham gia của học sinh các trường phổ thông. Sinh viên tham gia phần thi dạy học thực hiện tốt bài giảng của mình, có kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ tốt, phong thái đĩnh đạc, xử lý tốt tình huống phát sinh và tạo được hứng thú học tập cho học sinh tham gia tiết dạy. Đáng chú ý phần thi hùng biện, với 15 chủ đề khác nhau, tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự. Đặc biệt chú trọng hướng sinh viên tiếp cận Chương trình GDPT 2018.

Chứng kiến các phần thi của sinh viên, PGS.TS Nguyễn Văn Tuyên nhận thấy, hội thi là nơi để sinh viên học tập và thể hiện các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm. Qua đó, giúp các em chủ động, tích cực hội nhập trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra. Mặt khác, đây là cơ hội để giáo sinh thực nghiệm dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Từ đó, nâng cao kỹ năng thực hành sư phạm và đẩy mạnh phong trào thi đua tự học, rèn luyện.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong phần thi dạy học tại Trường Tiểu học Xuân Hòa (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 trong phần thi dạy học tại Trường Tiểu học Xuân Hòa (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: NTCC

Khơi dậy tình yêu nghề nghiệp

Hội thi Nghiệp vụ sư phạm cấp trường được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức thường niên và tiếp tục triển khai những năm tới, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay. Hội thi năm nay có 24 đội tham gia với điểm mới là, ngoài phần thi hiểu biết, clip truyền thông, sân khấu hóa sẽ có thêm tranh biện của các đội.

Trước đó, từ ngày 13 - 19/11/2023 diễn ra tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh, đây là hoạt động thường niên và đặc thù của trường. Qua đó, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên và nuôi dưỡng lòng yêu nghề cho thầy, cô giáo tương lai.

“Vì thế, tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và hội thi nghiệp vụ được triển khai sâu rộng từ cấp lớp, khóa, khoa với nhiều hoạt động sôi nổi, bám sát đặc thù từng chuyên ngành”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho biết.

Cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức hội thi nghiệp vụ sư phạm nhằm phát triển phong trào rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong sinh viên và giảng viên. Chia sẻ thông tin, PGS.TS Mai Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đồng thời cho rằng, đây là dịp giúp các em rèn nghề ngay khi từ khi ngồi trên ghế giảng đường; đồng thời có những trải nghiệm thực tế với nghề dạy học. Từ đó hình thành những kỹ năng cần thiết, làm hành trang cho bản thân khi chính thức trở thành giáo viên.

Đồng quan điểm, TS Phạm Lê Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm (Trường ĐH Vinh) nhấn mạnh, hội thi nghiệp vụ sư phạm là sân chơi cũng là cơ hội để sinh viên sư phạm giao lưu, học hỏi lẫn nhau; đồng thời khơi dậy niềm đam mê nghề nghiệp. Từ hoạt động này có thể phát hiện nhiều gương mặt tài năng mới; tạo sự lan tỏa, nền tảng để sinh viên có ý thức rèn luyện thường xuyên, không chỉ trong thời gian học ở trường, mà cả công việc tương lai.

“Hội thi nghiệp vụ sư phạm cùng chuỗi hoạt động rèn nghề trong năm học sẽ tiếp tục củng cố kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên trong các lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, trong đó có thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới”, TS Phạm Lê Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về hội thi nghiệp vụ sư phạm, ThS Lã Thị Hồng Ngân - giáo viên Trường THPT Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) thấy tự hào về các đồng nghiệp tương lai và có niềm tin ở thế hệ sinh viên tài năng, linh hoạt, năng động, sáng tạo, giải quyết tình huống sư phạm đầy tính thuyết phục.

Điều này cũng cho thấy, trường sư phạm luôn đồng hành, sát sao cùng sinh viên trong quá trình đào tạo, đặc biệt rèn nghề, để các em có kiến thức chuyên môn, bài học nhân sinh và khả năng hội nhập quốc tế. Từ đó, vững vàng đứng lớp, làm chủ kiến thức, tình huống sư phạm sau khi bước vào nghề.

Theo TS Phạm Lê Cường, rèn luyện nghề nghiệp cho sinh viên là một trong những điểm sáng hoạt động đào tạo của Trường Sư phạm (Trường ĐH Vinh). Nhà trường thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức rèn nghề cho sinh viên. Đây là nhiệm vụ của mỗi giảng viên, khoa đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trực tiếp xsmb hôm nay