Ngày 30/3, đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, nhà trường vừa tổ chức thành công chương trình English Festival 2025 với chủ đề: Dylastia - Miền đất hy vọng.

Chương trình English Festival 2025 là một hoạt động thường niên do Câu lạc bộ tiếng Anh và giáo viên Tổ tiếng Anh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức và duy trì trong nhiều năm qua. Chuỗi sự kiện diễn ra trong vòng 1 tháng bao gồm các hoạt động tiền sự kiện (Rung chuông vàng, hùng biện tiếng Anh, viết tiếng Anh) với nội dung tìm hiểu khám phá văn hoá trên thế giới và hoạt động kết thúc là Dạ hội Tiếng Anh.
Dạ hội là đêm giao lưu nghệ thuật – ngôn ngữ đặc sắc, kết tinh những nỗ lực sáng tạo và tinh thần hội nhập của học sinh trong suốt hành trình hướng tới môi trường học tập hiện đại, năng động và toàn cầu. Đây cũng là dịp để học sinh thể hiện bản lĩnh, tài năng và lan tỏa những giá trị nhân văn tích cực thông qua ngôn ngữ tiếng Anh và các hình thức nghệ thuật. Đặc biệt ngoài phần biểu diễn nghệ thuật còn là màn biểu diễn chia của 9 nhà khối THPT thể hiện sức mạnh của mỗi nhà thông qua tên gọi ý nghĩa của từng nhà.

TS. Phạm Sỹ Cường - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đánh giá, Dạ hội Tiếng Anh nói riêng, chuỗi hoạt động lễ hội Tiếng Anh nói chung là một trong những bản sắc của nhà trường. Từ ý thức xây dựng một môi trường học tập hiện đại, năng động, giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu, hoạt động English Festival không chỉ khuyến khích học sinh rèn luyện kỹ năng Tiếng Anh mà còn mở rộng hiểu biết về văn hóa, tư duy hội nhập và các kỹ năng mềm thiết yếu trong thế kỷ 21.
Theo TS. Phạm Sỹ Cường, với chủ đề “Miền đất hy vọng”, English Festival năm nay góp phần giúp học sinh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành thúc đẩy tinh thần học tập, vươn xa ra thế giới, sẵn sàng khám phá tri thức và đón nhận những cơ hội mới. Chuỗi hoạt động English Festival 2025 huy động một lượng lớn các em học sinh nhà trường tham gia. Qua hoạt động này, các em vận dụng nhiều kiến thức, kĩ năng vào học tập và cuộc sống, đồng thời giúp học sinh nâng cao năng lực Tiếng Anh, kiến thức văn hóa, kĩ năng mềm, tinh thần đoàn kết, ý thức sẻ chia, cống hiến…

Điểm mới năm nay là các đội tham gia Festival không phải là các thành viên trong khuôn khổ một lớp học. Các em học sinh tự tìm đến với nhau, tự quy tụ để xây dựng "nhà" rồi tự lên ý tưởng, tự dàn dựng, tập luyện để có một tiết mục chung, của riêng "nhà" mình. Học sinh của một lớp cũng có thể tham dự nhiều "nhà" tùy theo sở thích của mình...
Chương trình dạ hội sôi động, hấp dẫn do được các "nhà" tạo nên bởi các ý tưởng độc đáo, đưa khán giả và ban giám khảo đến với những vùng đất tràn ngập âm thanh rộn ràng, ánh sáng rực rỡ, vũ điệu sôi động... Theo đánh giá của Ban giám khảo, học sinh tham dự Fetival không chỉ thế hiện khả năng ngoại ngữ tốt, mà còn thể hiện năng khiếu nghệ thuật rất tuyệt vời nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng. Trong đó, màn biểu diễn của học khối THCS đã tạo nhiều bất ngờ đối với Ban giám khảo và khán giả theo dõi.