Sân chơi âm nhạc cho trẻ: Khoảng trống cần được lấp đầy

GD&TĐ - Mỗi kỳ nghỉ hè, các nhà sản xuất lại cho ra mắt nhiều sân chơi âm nhạc cho trẻ được phát sóng trên truyền hình. Tuy nhiên, sân chơi mùa hè cho trẻ vẫn còn là những khoảng trống, rất cần những sân chơi âm nhạc thực sự có chất lượng, hiệu quả và đúng với nhu cầu phát triển của lứa tuổi thiếu nhi.

Sân chơi âm nhạc cho trẻ: Khoảng trống cần được lấp đầy

Mùa gameshow cho trẻ

Tiếp nối thành công của 5 mùa thi, Chương trình Giọng hát Việt nhí mùa thứ 6 chính thức quay trở lại và chính thức nhận hồ sơ tuyển sinh cho mùa giải mới. Buổi sơ tuyển đầu tiên khu vực TPHCM diễn ra ngày 19 - 20/5 tại Công ty Cát Tiên Sa đã thu hút rất đông các tài năng nhí tham gia. Hàng nghìn thí sinh nhí đã có mặt để đăng ký dự tuyển dưới cái nắng gay gắt của ngày hè, cho thấy sức nóng của cuộc thi và sự khao khát sân chơi âm nhạc cho các em trong mỗi dịp hè về.

Sau một mùa giải 2017 thành công, “Tuyệt đỉnh song ca nhí 2018” cũng chính thức khởi động trở lại. Được phát sóng trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1 – THVL1, cuộc thi hứa hẹn thu hút sự tham gia của nhiều tài năng nhí. Đến với chương trình, ngoài việc thể hiện khả năng âm nhạc của bản thân, các thí sinh còn được rèn luyện nhiều kỹ năng biểu diễn khác. Các em sẽ được đào tạo và huấn luyện bởi các ca sĩ nổi tiếng, giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm làm việc với thí sinh nhỏ tuổi.

Vài năm trở lại đây những chương trình âm nhạc dành cho trẻ không còn xa lạ với khán giả truyền hình. Thị trường gameshow dành cho trẻ em cũng được coi là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất. Các cuộc thi Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí, Thần tượng âm nhạc nhí… là các chương trình thu hút sự quan tâm đặc biệt của trẻ nhỏ thời gian qua. Song, dường như các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí đã đuối sức.

Cân bằng tính giải trí và tính giáo dục

Cần phải ghi nhận rằng mục đích ban đầu của các sân chơi âm nhạc cho trẻ đều rất nhân văn. Các sân chơi âm nhạc hiện nay đã góp phần phát hiện, đào tạo ra những tài năng nhí, để các em có cơ hội học hỏi, thử sức và tỏa sáng. Nhiều chương trình âm nhạc đã là cái nôi để từ đó nhiều ca sĩ, nhí trưởng thành. Tuy nhiên, vì lợi nhuận thu được từ quảng cáo, nhiều nhà sản xuất không ngần ngại thương mại hóa chương trình.

Khi mà nhà sản xuất chỉ quan tâm tới lợi nhuận, bắt các em nhỏ lao vào khổ luyện để bắt chước theo phong cách người lớn từ ăn mặc, đi đứng, nói, đến biểu diễn, không tạo được sự trong sáng, hồn nhiên cho các bé. Hiện tượng này đang tạo ra sự lệch chuẩn hướng đi trong nhận thức âm nhạc.

Chẳng hạn trong Chương trình “Biệt tài tí hon”, bé M.N.H (4 tuổi) khi tham gia được chương trình và các giám khảo đặt biệt danh là “Thần đồng Bolero”. Thế nhưng khi cậu bé đứng trên sân khấu hát “Duyên phận”, “Đèn khuya”... khiến độc giả không khỏi ngậm ngùi với tài năng âm nhạc được phát triển không phù hợp với lứa tuổi. Khuôn mặt non nớt, phải gồng mình hát những ca khúc người lớn đã trở thành vấn đề nan giải mỗi mùa gameshow cho trẻ kết thúc.

Chia sẻ về những chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình dành cho trẻ, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng, sân chơi âm nhạc cho trẻ khá phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, cần phải cân bằng tính giáo dục và giải trí. Chương trình dành cho trẻ phải mang theo sự phát triển tuổi thơ hồn nhiên của trẻ. Vì thế, những sân chơi âm nhạc dành cho trẻ mới chỉ dừng ở việc phát hiện tài năng mà chưa thực hiện đào tạo tài năng.

Thiết nghĩ, để các gameshow dành cho trẻ mang tính nhân văn, gặt hái được những thành quả tích cực, cần lắm sự định hướng đúng đắn từ phía nhà sản xuất, ban tổ chức cũng như chính đội ngũ huấn luyện viên – những người sát sao nhất với các bé. Tài năng trẻ cần được nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian bởi làm nghệ thuật không thể đi đường tắt mà đó là một quá trình khổ luyện lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.