Tuy nhiên, số lượng có đồng nghĩa với chất lượng hay không là vấn đề đặt ra.
Đáp ứng nhu cầu giải trí cho trẻ em
Thị trường gameshow dành cho trẻ em được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà sản xuất. Hiện nay, chiếm ưu thế lớn trên truyền hình là các chương trình dành cho thiếu nhi. Có thể kể đến các chương trình như: Cháu ơi cháu à, Con biết tuốt, Cố lên con yêu, Cuốn sách của em, Sáng tạo 102, Trường teen... HTV cũng đầu tư nhiều chương trình như: Thần đồng âm nhạc Wonderkids, Trong vườn nhà - Hương hoa cho bé và mẹ, Trò chuyện chuyện trò, Giờ đọc, Cặp nhiệt độ - Tổng đài tư vấn sức khỏe trẻ em, Mỗi ngày một điều hay, Nào ta cùng vui, Những hộp quà xinh...
Riêng với HTV3, kênh truyền hình với định hướng giáo dục - giải trí dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng và gia đình, liên tiếp có nhiều chương trình mới được nhập về từ nước ngoài, cũng như tự tổ chức sản xuất.
Việc ra đời của nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow trên màn ảnh nhỏ là cần thiết, đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí cho trẻ em. Đây cũng là “sân chơi” để các em thể hiện ước mơ, sự khéo léo, rèn luyện sự tự tin, năng khiếu tiềm ẩn, sự sáng tạo đặc biệt là giáo dục về kỹ năng sống.
Thế nhưng, làm thế nào để có sự cân bằng giữa học và chơi ở các “sân chơi” dành cho trẻ em trên truyền hình vẫn là vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và đông đảo khán giả.
Chất - lượng có song hành?
Thực tế cho thấy, hiện nay thị trường gameshow thi thố tài năng chỉ tập trung vào lĩnh vực giải trí như ca nhạc, hay hài hước… mà ít chú ý đến hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng an toàn; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng; tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em...
Sự nở rộ phiên bản nhí cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của khán giả thích xem trẻ em tranh tài ca hát, nhảy múa... Có lẽ chưa bao giờ sao nhí lại xuất hiện nhiều như vài năm gần đây, khi các loại hình giải trí nở rộ, đặc biệt là truyền hình thực tế thi tài năng ca hát, nhảy múa, diễn xuất... Không phủ nhận sự nở rộ của các trò chơi truyền hình, trong đó có các chương trình dành cho trẻ em đã đáp ứng một nhu cầu tất yếu cho các em là giải trí.
Song, ranh giới giữa sự giải trí hướng đến tính nhân văn, vun bồi chân, thiện, mỹ hay khai thác chạy theo thị hiếu tầm thường để trục lợi là vấn đề bàn luận trong các gameshow dành cho trẻ em.
Các trò chơi truyền hình có thể là con dao 2 lưỡi khi các em bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chơi. Bên cạnh niềm vui và sự tự hào khi nổi tiếng, sao nhí luôn phải đối mặt với những áp lực, những thay đổi khi cuộc sống ít nhiều mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ, rồi những lời bình luận, khen chê từ chuyện làm nghệ thuật đến học hành, ứng xử, ăn mặc, phát ngôn, thay đổi ngoại hình...
Có thể nói, sự nở rộ các gameshow cho trẻ em là xu thế tất yếu, xuất phát từ yêu cầu phải đổi mới không ngừng của truyền hình. Tuy nhiên, chương trình dành cho trẻ em cần quan tâm đến yếu tố giáo dục. Các nhà sản xuất cần phải điều tiết giữa mục đích thương mại của chương trình và các giá trị cốt lõi của truyền hình với đời sống xã hội để dung hòa mối quan hệ giải trí và giáo dục.