Thông tư quy định về cơ sở vật chất như sau: Mặt sân bằng phẳng và được phủ bằng một trong các chất liệu: cỏ tự nhiên, cỏ nhân tạo, đất nện, cát mịn, sàn gỗ, chất dẻo tổng hợp, chất nhựa tổng hợp. Mặt sân và đường bao quanh sân không có chướng ngại vật và các vật liệu dễ gây chấn thương; đường bao quanh sân không cao hơn mặt sân, nếu cao hơn phải được phủ bằng chất liệu an toàn.
Khoảng cách từ đường biên dọc, biên ngang của sân đến hàng rào, khán đàn hoặc sân liền kề ít nhất là 2,5m. Sân bóng đá liền kề nhà ở, công trình công cộng, đường giao thông phải có hàng rào hoặc lưới chắn bao quanh sân cao ít nhất là 05m. Bảo đảm độ chiếu sáng trên sân ít nhất là 150 lux.
Trường hợp có tường tập sút cầu môn thì chiều rộng ít nhất 5m, chiều cao ít nhất 2,5m và phải được làm bằng vật liệu bền chắc. Có túi sơ cứu theo quy định của Bộ Y tế. Có khu vực vệ sinh, thay trang phục cho người tập luyện và thi đấu môn Bóng đá.
Có bảng nội quy với nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện, đối tượng tham gia tập luyện, các đối tượng không được tham gia tập luyện, trang phục khi tham gia tập luyện, các biện pháp bảo đảm an toàn khi tập luyện.
Trang thiết bị tập luyện gồm: a- Khung cầu môn được làm bằng một trong các chất liệu sau: Kim loại, gỗ hoặc chất dẻo tổng hợp, bảo đảm kích thước theo quy định của Luật thi đấu bóng đá. b- Bóng có kích thước và trọng lượng theo quy định của Luật thi đấu bóng đá.
Ngoài ra, trang thiết bị thi đấu bảo đảm theo quy định của Luật thi đấu bóng đá.
Mật độ tập luyện trên sân bóng bảo đảm ít nhất 25m²/người tập.
Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Bóng đá. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn do cơ quan tổ chức tập huấn cấp.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2018.