Sai lầm nguy hiểm khi muốn có lá gan khỏe mạnh

GD&TĐ - Để có một lá gan khỏe mạnh, người dân có thể thực hiện biện pháp đơn giản nhất là thay đổi lối sống mà không cần liệu pháp giải độc gan nào khác.

Để có một lá gan khỏe mạnh, người dân nên thay đổi lối sống và không cần liệu pháp giải độc nào. Ảnh minh họa.
Để có một lá gan khỏe mạnh, người dân nên thay đổi lối sống và không cần liệu pháp giải độc nào. Ảnh minh họa.

Những năm qua, không ít các phương pháp với mục đích giải độc gan đã được quảng cáo và nhiều người tin dùng nhưng theo các chuyên gia, đó là sai lầm nguy hiểm.

Gan là một tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận hơn 500 chức năng. Trong đó, một trong những chức năng quan trọng là chuyển hóa chất dinh dưỡng, trung hòa và thải trừ chất gây hại cho cơ thể.

Nhiều năm qua nhiều người đã dùng các phương pháp giải độc gan đã được quảng cáo như: Sử dụng thực phẩm chức năng có tác dụng thanh thải chất độc trong gan, ăn theo chế độ ăn kiêng, sử dụng các loại sinh tố hay làm sạch đại tràng bằng thuốc tẩy…

Tuy nhiên, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trên quan điểm y học, việc giải độc gan, dù bằng bất kỳ phương pháp gì đều không có tác dụng cải thiện chức năng gan. Thậm chí, phương pháp này còn có những tác hại không tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Điều trị Gan mật tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lý giải: “Trên thực tế, một lá gan khỏe mạnh sẽ thanh thải các chất độc một cách tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy, phương pháp giải độc gan không có tác dụng cải thiện chức năng gan, cũng như có thể dẫn tới nhiều tác dụng có hại cho cơ thể”.

Cụ thể, như việc thực hiện ăn theo chế độ ăn kiêng, uống quá nhiều sinh tố có thể làm mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, sử dụng trong thời gian dài dẫn tới thiếu hụt các yếu tố vi lượng, đặc biệt trên phụ nữ có thai, trẻ em. Hay việc sử dụng các loại thuốc tẩy, thuốc thụt không đúng cách có thể dẫn tới rối loạn điện giải. Đó là một tình trạng nguy hiểm.

Đáng chú ý, các sản phẩm chức năng giúp thải độc gan hiện nay chủ yếu có thành phần Silymarin. Đây là một dẫn chất được chiết tách từ cây kế sữa (cúc gai), có hoạt tính chống oxy hóa, bảo vệ màng tế bào.

Tuy nhiên, Silymarin có một số tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, chán ăn, khó tiêu, tiêu chảy. Ngoài ra, nó có thể gây tụt đường huyết, đặc biệt ở những bệnh nhân xơ gan, đái tháo đường. Silymarin không nên sử dụng cho phụ nữ có thai, cho con bú.

Silymarin cũng gây tương tác với một số thuốc, vì vậy nên có sự tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng.

Chuyên gia cũng cho biết thêm, thực tế lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận không ít người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng để giải độc gan, điều trị bệnh lý gan mật. Tuy nhiên, bệnh không những không đỡ mà lại tiến triển nặng.

Bác sĩ Anh Tuấn chia sẻ, thực tế, để có một lá gan khỏe mạnh, người dân có thể thực hiện biện pháp đơn giản nhất là thay đổi lối sống mà không cần liệu pháp giải độc gan nào khác.

Cụ thể là hạn chế sử dụng bia rượu, xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng hằng ngày như ăn nhiều trái cây cùng chất xơ từ rau, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

Đồng thời, đảm bảo bổ sung protein cho các enzym giúp cơ thể giải độc một cách tự nhiên, tránh các loại đồ ăn nhanh, giữ cân nặng hợp lý và tập thể dục hằng ngày.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân cần giảm các nguy cơ có thể dẫn đến bệnh lý viêm gan virus bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan, sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.

Không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu… Không sử dụng chung bơm tiêm. Tránh ăn đồ ăn chưa được nấu chín để phòng các bệnh viêm gan virus lây qua đường tiêu hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.