Hiểu biết để bảo vệ lá gan của bạn

GD&TĐ - Một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư gan là do người bệnh có tiền sử mắc viêm gan B và C. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu bia cũng như chế độ ăn uống không hợp vệ sinh cũng khiến cho căn bệnh này gia tăng.

Hiểu biết để bảo vệ lá gan của bạn

Gia tăng bệnh ung thư gan

Theo số lượng thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), lần đầu tiên số người mắc bệnh ung thư gan đã vượt ung thư phổi và đứng hàng đầu trong số những loại ung thư nhiều người mắc tại Việt Nam.

Cụ thể năm 2018 Việt Nam có 25.335 ca mắc mới ung thư gan và 25.404 trường hợp tử vong vì bệnh này. Bệnh ung thư phổi xếp thứ hai với 23.667 người phát hiện bệnh trong năm và 20.701 bệnh nhân tử vong.

Việt Nam cũng xếp trong nhóm những nước có tỷ lệ người bị ung thư gan cao nhất thế giới. Cứ 100.000 người thì có 23,2 người bị ung thư gan, ở cả hai giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nếu không hành động rộng khắp và nhanh chóng, số người mang virus viêm gan sẽ tăng cao trong những năm tới.

Tại Hội thảo chuyên đề gan mật Việt Nam - Nhật Bản, Chủ tịch Hội Ung thư Việt , Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng cho biết: Ở Việt Nam, nam giới có nguy cơ mắc bệnh này gấp ba lần so với nữ giới.

Bệnh khó phát hiện sớm vì vậy tỷ lệ chữa khỏi thấp. Ung thư gan tiến triển thầm lặng, ban đầu không có triệu chứng. Nhiều bệnh nhân đến gặp bác sĩ là khi bướu đã lan rộng. Giai đoạn sau người bệnh thường có các triệu chứng như bụng trướng nước, không thèm ăn, mệt mỏi, vàng da...

Người nhà của ông Trần Văn Lai 60 tuổi, một bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết: ông Lai phát hiện mắc bệnh viêm gan B cách đây 5 năm. Thời gian đầu, ông thực hiện tốt việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng như khám bệnh theo định kỳ.

Tuy nhiên, do không bỏ được thói quen uống rượu nên bệnh tình của ông tiến triển xấu.

“Gần đây, khi thấy cha tôi kêu đau tức nhiều ở vùng phía dưới sườn, tôi đã đưa ông đi khám. Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm và siêu âm, các bác sĩ kết luận bố tôi đã mắc ung thư gan. Khối u này đã chèn ép vào các vùng xung quanh nên dẫn tới hiện tượng đau tức. Hiện bố tôi đã có chỉ định của bác sĩ phải mổ để cắt khối u đó”, người nhà của bệnh nhân đã cho biết như vậy.

Cần chế độ sinh hoạt hợp lý

Giáo sư tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung Bướu chia sẻ: Bệnh ung thư gan tại Việt Nam có tỷ lệ mắc cao (có thể có biểu hiện lâm sàng, hoặc không có biểu hiện lâm sàng). Điều này liên quan tới cơ chế sinh hoạt và nhiều yếu tố khác nữa.

Trước hết, tỷ lệ mắc bệnh gia tăng có nguyên nhân từ việc người dân mắc viêm gan virus khá cao, người bị viêm gan B và C có những nguy cơ bị mắc bệnh này cao hơn những người khác. Xơ gan cũng là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh ung thư gan. Hơn nữa, với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên môi trường ở nước ta khiến cho nhiều loại thực phẩm dễ nảy sinh nấm mốc.

Nếu ăn phải những thực phẩm này người dân sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan. Nhưng đáng buồn là, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan khi đến bệnh viện lại ở giai đoạn khá muộn.

Giáo sư tiến sĩ Mai Trọng Khoa cũng cho biết: Chữa trị ung thư gan tại Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn. Một phương pháp mà chúng ta vẫn áp dụng đó là phẫu thuật để cắt bỏ khối u ở gan. Hiện nay cũng có một số những phương pháp như điều trị tại chỗ để tiêu diệt phá hủy khối u, hoặc kiềm chế sự phát triển của khối u như sử dụng sóng điện từ cũng đã được áp dụng.

Tại Hội thảo chuyên đề gan mật Việt Nam - Nhật Bản, các bác sĩ Việt Nam được chuyển giao phương pháp điều trị ung thư gan mật từ phía Nhật Bản. Đó là phương pháp truyền hóa chất và đốt sóng cao tần.

Đặc biệt phương pháp điều trị này được các chuyên gia Nhật Bản thực hiện chuyển giao trên những ca khó. Phương pháp truyền hóa chất, trước đó tại Việt Nam đã thực hiện, nhưng là truyền hóa chất toàn thân (uống hoặc truyền tĩnh mạch), nhưng tác dụng còn hạn chế.

Phương pháp truyền hóa chất của Nhật Bản được truyền trực tiếp vào động mạch, thông qua những cầu nối để hóa chất vào thẳng khối u sẽ giảm được tác dụng phụ cho người bệnh.

 Dự báo đến 2030, gần 20 triệu người tử vong do biến chứng viêm gan dẫn đến ung thư gan. Để phòng tránh bệnh, quan trọng nhất là phải tự điều chỉnh việc sinh hoạt cũng như cách ăn uống hợp lý. Vì các chất độc hại xâm nhập vào người đều thông qua đường ăn uống. Nơi xử lý, khử độc cho cơ thể lại chính là gan. Nếu thường xuyên bắt gan phải làm việc, thì đến một mức độ nào đó gan sẽ không làm việc được nữa, sẽ gây xơ gan và dẫn tới nguy cơ mắc ung thư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ