Sách Tiếng Việt Cánh Diều lớp 1 đổi mới như thế nào so với sách Tiếng Việt lớp 1 năm 2002?

GD&TĐ - Sự đổi mới của sách giáo khoa Cánh Diều giúp giáo viên thấy được triển vọng nâng cao chất lượng giáo dục của môn học, từ đó tạo niềm tin và cảm hứng cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa đổi mới.

Nghị quyết 88 của Quốc hội xác định yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là: “Kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.”

Sách giáo khoa tiếng Việt Cánh Diều lớp 1
Sách giáo khoa tiếng Việt Cánh Diều lớp 1

Tính kế thừa của sách tiếng Việt Cánh Diều lớp 1

Về cấu trúc, sách giáo khoa Cánh Diều cũng gồm hai phần Học vần và Luyện tập tổng hợp như sách giáo khoa năm 2002. Phần học vần dạy chữ, dạy vần và phần luyện tập tổng hợp củng cố, phát triển các kiến thức và kĩ năng đã hình thành từ phần Học vần thông qua các bài tập đọc, viết, nghe và nói được tổ chức theo 3 chủ điểm Gia đình, Trường học (Nhà trường), Thiên nhiên (Thiên nhiên – Đất nước).

Mỗi bài ở phần Học vần thông thường chỉ dạy 2 chữ cái hoặc 2 vần, thậm chí có bài chỉ dạy 1 chữ cái hoặc 1 vần hay 1 dấu thanh.

Thực tế sử dụng sách giáo khoa năm 2002 trong gần 20 năm qua cho thấy dung lượng này vừa sức học sinh. Các bài học vần được triển khai với quy trình gồm 6 bước: (1) Làm quen với từ khóa chứa âm, vần cần học; (2) Đánh vần; (3) Mở rộng vốn từ và củng cố âm vần mới học; (4) Làm quen với chữ ghi âm, vần mới học; (5) Tập đọc; (6) Tập viết âm, vần mới học và từ ngữ ứng dụng.

Điều này giúp giáo viên không bỡ ngỡ với sách giáo khoa mới và có thể phát huy những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình dạy học theo sách giáo khoa năm 2002.

Các bài tập đọc, tập viết, chính tả, kể chuyện về cơ bản được dạy theo quy trình giáo viên đã quen thuộc. Tính kế thừa đã giúp bộ sách giáo khoa Cánh Diều vừa bảo đảm phát huy kết quả của những ưu điểm đã được kiểm nghiệm qua thực tế sử dụng sách giáo khoa năm 2002, vừa giúp giáo viên tự tin, tạo thuận lợi cho giáo viên triển khai công việc.

Cùng với tính kế thừa, sự đổi mới của sách giáo khoa Cánh Diều giúp giáo viên thấy được triển vọng nâng cao chất lượng giáo dục của môn học, từ đó tạo niềm tin và cảm hứng cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa đổi mới.

Sự đổi mới của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều so với sách giáo khoa Tiếng Việt 1 năm 2002

Sách giáo khoa Cánh Diều có rất nhiều điểm mới so với sách giáo khoa năm 2002, các bài học chữ, học vần (phần Học vần) được sắp xếp chủ yếu theo nhóm nét chữ để học sinh dễ học viết.

Bắt đầu bằng nhóm nét cong, chuyển sang nhóm nét khuyết, nét móc,… đồng thời kết hợp dạy theo thứ tự bảng chữ cái, kết hợp yêu cầu chính tả,… Dưới chân trang mỗi bài dạy chữ, sách giáo khoa giới thiệu cả chữ in hoa tương ứng với chữ cái mới học, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với bài đọc có chữ hoa.

Sách giáo khoa có mô hình đánh vần giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, phụ huynh học sinh cũng dễ dàng theo dõi và giúp đỡ con em trong việc học.

Mỗi bài học chữ, học vần đều có bài tập củng cố âm, vần mới học với các hình ảnh sinh động vừa có tác dụng củng cố âm, vần mới học vừa mở rộng vốn từ cho học sinh.

Ngay từ những tuần đầu tiên, sách tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều đã tận dụng những chữ, những vần học sinh đã biết để tạo ra những bài tập đọc có nghĩa, giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc nhanh và vững chắc.

Các bài đọc tăng dần đều số chữ với tần suất lặp lại những chữ và vần đã học rất cao, giúp học sinh không cần mất nhiều thì giờ ôn tập mà vẫn không quên chữ, quên vần.

Nếu sách giáo khoa hiện hành yêu cầu học sinh viết bảng con và viết vở ngay trong giờ học vần khiến học sinh gặp khó khăn vì phải thực hiện quá nhiều hoạt động trong cùng một tiết học thì sách giáo khoa Cánh Diều sắp xếp mỗi tuần 2 tiết dành riêng cho hoạt động tập viết vào vở, giúp học sinh có thời gian viết thoải mái hơn.

Trong phần Luyện tập tổng hợp có 2 kiểu bài lần đầu tiên xuất hiện trong sách giáo khoa là Tự đọc sách báo và Góc sáng tạo. Trong giờ Góc sáng tạo, học sinh được vận dụng những điều mình đã học, đã biết vào việc tạo lập các văn bản đa phương thức như: làm bưu thiếp tặng người thân; sưu tầm tranh ảnh hoặc vẽ tranh, trưng bày và giới thiệu (bằng 2 hình thức viết và nói) tranh ảnh về thiên nhiên, về thầy cô, bạn bè, gia đình và về bản thân.

Trong giờ Tự đọc sách, báo, học sinh được rèn luyện khả năng tự học, tự đọc thông qua việc mang sách đến lớp để đọc dưới sự hướng dẫn của cô.

Những điểm mới khác

Các kĩ năng nói và nghe trong sách giáo khoa Cánh Diều được rèn luyện thông qua các hoạt động trả lời câu hỏi, trao đổi ý kiến, nghe viết, đồng thời được tập trung rèn luyện thông qua tiết kể chuyện hằng tuần. Nhiều câu chuyện trong tiết kể chuyện được xây dựng thành video hoạt hình trên sách giáo khoa điện tử kèm theo sách giáo khoa giấy. Việc này vừa tạo ra hứng thú cho học sinh vừa hỗ trợ giáo viên hướng dẫn học sinh kể chuyện.

Ngữ liệu trong sách giáo khoa Cánh Diều hầu hết là văn bản mới. Các văn bản này được xây dựng dưới dạng đa phương thức (kết hợp cả chữ viết với hình ảnh) và được lựa chọn, biên soạn, biên tập một cách kĩ càng, đáp ứng nhiều yêu cầu giáo dục. Các câu chuyện, bài thơ trong sách có nội dung phù hợp với học sinh và tạo hứng thú cho học sinh khi học.

Về hình thức, sách giáo khoa Cánh Diều trình bày đẹp, màu sắc trong sáng với nhiều tranh ảnh vừa có tác dụng minh họa, vừa là nguồn tri thức quan trọng của bài học. Mỗi bài học trong sách thường được trình bày gọn trên 2 trang mở liền kề nhau giúp học sinh dễ theo dõi và thực hiện các yêu cầu rèn luyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.