Sách thiếu nhi nội "hụt hơi" trước sách ngoại?

GD&TĐ - Bấy lâu nay chúng ta báo động tình trạng thiếu nhi ít đọc sách hoặc chỉ đọc truyện tranh. Nhưng nguyên nhân sâu xa thì không phải ai cũng chịu thừa nhận. 

Mở rộng cánh cửa để giao lưu với tri thức ngoại, nhưng những người làm sách nội không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tình trạng "èo uột" của sách thiếu nhi Việt.
Mở rộng cánh cửa để giao lưu với tri thức ngoại, nhưng những người làm sách nội không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tình trạng "èo uột" của sách thiếu nhi Việt.

Thực tế, đời sống càng hiện đại, thiếu nhi ngày càng được quan tâm, điều này mở ra một thị trường sách thiếu nhi ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, những câu chuyện cổ tích ngày xưa, những dòng lịch sử bằng tranh hay các loại tranh truyện Việt Nam không còn bắt mắt trước sự “tấn công” ồ ạt của các dòng sách thiếu nhi nước ngoài.

Tưng bừng thị trường sách ngoại

Tính từ năm 2016 đến nay, tỉ lệ sách thiếu nhi chiếm hơn 25% trong toàn bộ các ấn phẩm của Nhã Nam. Tỉ lệ này ở NXB Trẻ là 50%. Đinh Tị cũng cho biết năm 2017 sẽ chuyển hướng đầu tư mạnh cho mảng sách thiếu nhi, sẽ chú ý vào các sách cung cấp kiến thức và khác với những sách đang có tại thị trường Việt Nam. Chưa biết những nỗ lực này sẽ đi đến đâu khi mà thị trường sách ngoại chưa bao giờ ngừng "hot".

Nóng nhất trong thời điểm này có lẽ là “Hội chợ sách trẻ em và Ngày hội gia đình nhỏ” - sự kiện do Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc phối hợp với Tập đoàn xuất bản bản Kyowon Hàn Quốc (NXB Kyowon) tổ chức tại Phố sách Hà Nội 19-12 trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9. Đây là hoạt động nhằm mục đích tăng giao lưu, hợp tác và liên kết xuất bản giữa các NXB, công ty Xuất bản trong nước với Tập đoàn xuất bản Kyowon Hàn Quốc (NXB Kyowon), tăng cường giao lưu hiểu biết và trải nghiệm văn hóa đặc sắc của hai quốc gia Hàn Quốc - Việt Nam tới các bạn đọc trẻ, kết nối cộng đồng bạn đọc Hàn Quốc sinh sống tại Hà Nội và bạn đọc Thủ đô.

Ngày 1-9, Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc giới thiệu bản quyền sách Kyowon tại Trung tâm giao dịch bản quyền Con Sóc - Phố sách Hà Nội 19-12, gồm 150 bộ sách mới của Kyowon tới các Nhà Xuất bản, công ty sách, phát hành, kênh phát thanh - truyền hình giáo dục trẻ em, công ty truyền thông kỹ thuật số, phát hành phần mềm game giáo dục trong nước, với các hình thức sách in, sách điện tử, phim hoạt hình, audio-CD… 150 bộ sách này thuộc nhiều thể loại: Văn học (cổ tích, kinh điển, sáng tác mới) - Khoa học - Toán học - Xã Hội - Tiếng Anh cho trẻ từ 3-15 tuổi và tủ sách giáo dục sớm cho trẻ 0-36 tháng.

Hai ngày còn lại (3 và 4-9), sẽ là sự kiện “Hà Nội - Kyown - Hội chợ sách trẻ em và Ngày hội gia đình nhỏ” tại khu vực Khán đài Phố sách Hà Nội 19-12. Hội chợ giới thiệu các đầu sách giáo dục - khoa học - văn học - lịch sử - văn hóa - địa lý - tiếng Anh - kỹ năng sống đặc sắc dành cho trẻ có độ tuổi một đến 15 tuổi, bằng tiếng Hàn và tiếng Việt. Bên cạnh đó, bạn đọc còn được trải nghiệm, giao lưu văn hóa thông qua các hoạt động như thi đọc sách, giao lưu âm nhạc Việt Nam - Hàn Quốc, cùng với những mô hình, thực hành và biểu diễn ứng dụng STEM vô cùng sinh động và thú vị…

Biết người biết ta

Mở rộng cánh cửa để giao lưu với tri thức ngoại, nhưng những người làm sách nội không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tình trạng "èo uột" của sách thiếu nhi Việt. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, vì quá ít người đam mê, theo đuổi viết sách thiếu nhi nên thị trường sách hiện giờ tràn ngập sách được mua bản quyền nước ngoài cũng là điều dễ hiểu. Nhìn ở một góc độ khác, đây là nhận định sai lầm. Nếu coi sách là món ăn tinh thần thì cũng như nhu cầu ăn, mặc, chúng ta khó mà chối bỏ những món ăn ngon, những món đồ đẹp mắt. Bởi thế dễ hiểu vì sao thiếu nhi luôn hào hứng chào đón sách ngoại. Muốn cạnh tranh với sách ngoại, sách nội cần thẳng thắn nhìn ra điểm yếu của mình.

Nhìn vào đầu sách nước ngoài, nào là sách Nhật, Hàn Quốc, châu Âu... như “Những cuộc phiêu lưu sáng chói của Flora và Ulysses” (Kate DiCamillo), “Biệt thự chuột nhắt (Karina Schaapman), “Thân gửi Sở thú” (Rod Campbell”), “Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó” (Luis Sepúlveda)... Còn thị trường sách thiếu nhi nội thì sao? Trong số gần 300 đầu sách cho thiếu nhi, chỉ có vài cái tên tác giả Việt Nam: “Chuyện con gà”, “Chuyện con nai” của tác giả Thụ Nho - Phan Thành, bộ sách tô màu “Tớ là họa sĩ” của Thùy Cốm - Thu Ngân, “Chúc sóc ngủ ngon” của Hoàng Quyên - Lê Thư, “Cửa sổ” của tác giả Tạ Huy Long... Điều đáng nói, không có nhiều cuốn mới xuất bản, mà phần nhiều là sách “nhỏ giọt” từ những năm trước.

Theo các chuyên gia, ở thời điểm này, các NXB, các công ty sách cũng đã rất “biết người, biết ta”. Cụ thể, họ sẽ trả giá xứng đáng khi bạn mang đến cho họ một bản thảo sách thiếu nhi hấp dẫn, mới lạ. Khi “người Việt dùng hàng Việt”, thì người Việt cũng sẵn chi trả tác quyền cho người Việt với giá trị cao. Điều này không chỉ hạn chế “nhập siêu” mà còn có ý nghĩa cổ vũ phong trào sáng tác, khích lệ các tác giả trẻ Việt Nam giàu ý tưởng, đam mê viết sách bắt tay vào công việc sáng tạo.

Gần đây, cuộc khảo sát về nhu cầu mua sách cho trẻ em của NXB Trẻ cũng đem đến một kết quả bất ngờ, khi có tới 38% số phụ huynh muốn mua sách nội cho con, còn số người muốn mua sách ngoại chỉ chiếm 9%. Tuy nhiên các phụ huynh đang gặp khó vì sách nội quá ít. Bởi thế, NXB Trẻ càng quyết tâm xây dựng dự án “Người Việt viết sách cho trẻ em Việt”. Theo đó, NXB vận động một số nhà văn từng viết cho trẻ tham gia những chủ đề do NXB đặt hàng như sách rèn luyện cảm xúc, về lịch sử, quê hương đất nước, cổ tích mới… Đây cũng là lần đầu NXB Trẻ áp dụng phương pháp làm sách mới: các tác giả đăng ký đề tài, xây dựng đề cương và cùng biên tập viên NXB bắt tay vào thực hiện.

Mong rằng những nỗ lực và sáng tạo của các NXB sẽ góp phần vực dậy thị trường sách nội để “sách Việt nuôi dưỡng tâm hồn Việt” không chỉ là ước mơ mà sẽ là điều hiển nhiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ