“Mỗi lần cập nhật Sách Đỏ IUCN là một lần chúng ta nhận thực rõ hơn rằng đa dạng sinh học trên hành tinh đang tiếp tục mất đi một cách đáng kinh ngạc, mà nguyên nhân chủ yếu là do các hành động tận diệt của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu thực phẩm từ thiên nhiên đang ngày càng gia tăng” – Bà Julia Marton-Lefèvre, Tổng Giám đốc IUCN, nhận định.
Theo bà Julia Marton-Lefèvre, nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh các khu bảo tồn sẽ góp phần quan trọng vào việc giúp đảo ngược xu hướng suy giảm đa dạng sinh học hiện tại và trách nhiệm của chúng ta là phải gia tăng số lượng các khu bảo tồn, đồng thời đảm bảo rằng các khu vực này được quản lý một cách hiệu quả để góp phần cứu vãn đa dạng sinh học của hành tinh.
Theo Sách đỏ cập nhật, thì loài Cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương Thunnus orientalis bị chuyển từ danh mục Ít quan tâm sang Sẽ nguy cấp; hai loài cá Takifugu chinensis và thằn lằn Rhampholeon chapmanorum cũng mới bị liệt kê vào danh sách Cực kỳ nguy cấp.
Loài thằn lằn Rhampholeon chapmanorum, có nguồn gốc Mozambique không được nhìn thấy từ năm 1998, chỉ 6 năm sau khi loài này được mô tả.
Trong khi đó, quần thể loài cá Takifugu chinensis đã giảm 99,99% trong vòng 40 năm bởi nạn khai thác quá mức cho nhu cầu với món ăn truyền thống sashimi của Nhật Bản.
Cùng tình trạng là loài cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương Thunnus orientalis, với số lượng giảm từ 19 tới 33% trong vòng 22 năm qua do hoạt động đánh bắt quá mức để đáp ứng nhu cầu của những thực khách yêu thích món sushi và sashimi ở châu Á.
“Thị trường thực phẩm ngày càng phát triển không chỉ gia tăng áp lực đến các loài nguy cấp mà cả những loài khác nữa. Chúng ta cần khẩn trương đặt ra các quy định nghiêm ngặt về khai thác, đồng thời áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo vệ môi trường sống của các loài” – Bà Jane Smart, Giám đốc toàn cầu về Đa đa dạng sinh học của IUCN, khẳng định.