Không nên sạc điện qua đêm
Thời gian gần đây đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy khiến nhiều người thương vong. Trước những diễn biến khó lường và phức tạp của tình hình cháy nổ vừa qua, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã đưa ra một số khuyến cáo để phòng tránh các nguy cơ cháy nổ, nhất là cao điểm mùa nắng nóng hiện nay.
Các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ. Mỗi hộ cần trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ phòng độc, nước chữa cháy…
Theo Trung tá Nguyễn Minh Hiếu - Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện Hoài Đức, mỗi gia đình cần chuẩn bị các phương án thoát nạn theo lối thoát hiểm và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết.
Người dân cần cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm. Các gia đình không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Mô hình điểm chữa cháy công cộng đã và đang phát huy tác dụng trong công tác phòng cháy chữa cháy ở các địa phương. |
Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm. Đặc biệt, người dân không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu sạc không đúng cách. Tuyệt đối không được vừa sạc vừa sử dụng điện thoại.
Mỗi hộ dân cần tính toán, thiết kế hệ thống điện trong nhà đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật; nên lựa chọn dây điện có chất lượng cao để đi ngầm trong tường; lựa chọn dây điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; các mối nối dây điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật, nối so le và được quấn băng cách điện.
"Khi trong gia đình đun nấu, đốt vàng mã phải có người trông coi. Người dân cần khóa van bình gas, tắt bếp khi không sử dụng và thường xuyên kiểm tra, kịp thời thay thế thiết bị hư hỏng để phòng tránh nguy cơ chập cháy có thể xảy ra" - Trung tá Nguyễn Minh Hiếu khuyến cáo.
Cần bố trí lối thoát hiểm
Mỗi gia đình nên bố trí lối thoát hiểm để sử dụng khi cần, nhất là dạng nhà ống. |
Cơ quan Công an khuyến cáo, các hộ dân không nên lắp đặt "chuồng cọp", thay vào đó cần bố trí ô cửa để thoát hiểm ở các tầng. Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết.
Khi có cháy, nếu phải băng qua lửa, khói, người dân phải dùng khăn ướt để bảo vệ cơ quan hô hấp; không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo…
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi lắp đặt, sử dụng thiết bị, máy móc phải kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt.
Sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ như xăng dầu, khí cháy đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Hàng hoá trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC.
Lực lượng Công an hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy mini. |
Các nhà xưởng phải lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt...
Khi cháy xảy ra, người dân phải thật bình tĩnh, tìm lối thoát nạn an toàn và báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sau đó gọi điện thoại báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số điện thoại 114; đồng thời sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để nhanh chóng dập tắt đám cháy.