Các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts MIT phát hiện ra rằng, khí hậu toàn bộ Bắc Phi đều đặn thay đổi, lúc thì trở nên xanh tươi, lúc lại là sa mạc khô cằn.
Hằng năm, gió cuốn đi hàng trăm triệu tấn bụi từ Sahara. Một phần lớn bụi rơi xuống Đại Tây Dương. Loại vật chất này có thể giúp chúng ta hiểu về lịch sử khí hậu phía Bắc của châu Phi. Những lớp bụi hình thành trong khoảng thời gian hàng trăm nghìn năm, tùy thuộc vào độ dày, có thể chứng tỏ về giai đoạn khô hạn hoặc ẩm ướt.
Các phân tích mẫu lõi trầm tích lấy lên từ đáy biển gần bờ châu Phi cho thấy, những thay đổi khí hậu trên châu lục này diễn ra đều đặn, cứ khoảng 100 nghìn năm một lần. Tuy nhiên theo các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts MIT, điều này mâu thuẫn với các mô hình khí hậu; theo đó khí hậu trên sa mạc Sahara thay đổi tùy thuộc vào các mùa mưa.
Chính vì thế, các nhà khoa học phát triển phương pháp phân tích lõi trầm tích và sử dụng nó để nghiên cứu vật chất mà trước đó nhóm các nhà khoa học ở ĐH Bordeaux (Pháp) đã thu thập. Họ tập trung vào phân tích nồng độ thori - thứ kim loại phóng xạ hình thành trong các đại dương theo nhịp độ ổn định và nhanh chóng kết hợp với các cặn lắng - nhờ đó có thể xác định tốc độ hình thành trầm tích.
Các nghiên cứu cho thấy, một số sự gia tăng tốc độ lắng cặn có liên quan đến lượng bụi lớn rơi xuống đại dương, tuy nhiên một số tốc độ khác lại liên quan đến sự hòa tan carbonat trong nước. Trong các kỷ băng hà, khu vực đại dương này có tính axit hóa mạnh hơn đối với canxi carbonat. Chính vì thế, người ta nghĩ rằng trong giai đoạn này có nhiều bụi hơn rơi xuống đại dương, mặc dù trong thực tế không phải như vậy.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi 20.000 năm, khí hậu sa mạc Sahara thay đổi từ khô hạn sang ẩm ướt hoặc ngược lại. Chu kỳ này đồng bộ với hoạt động gió mùa trong khu vực và độ nghiêng của trục Trái đất đối với Mặt trời.