Rút ngắn thời gian nghỉ hè?

GD&TĐ - Trước đề xuất rút thời gian nghỉ hè từ 6 xuống 4 tuần, ngành Giáo dục Anh xuất hiện nhiều luồng tranh cãi.

Phụ huynh dành thời gian chất lượng bên con cái vào kỳ nghỉ hè.
Phụ huynh dành thời gian chất lượng bên con cái vào kỳ nghỉ hè.

Những người ủng hộ tin rằng thời gian nghỉ hè ngắn tỷ lệ thuận với kết quả học tập của học sinh nhưng số khác không đồng tình.

Đề xuất gây tranh cãi

Quỹ từ thiện Nuffield (Anh) mới đây đề xuất nước này rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần và tăng thời gian nghỉ giữa các học kỳ thêm 1 - 2 tuần. Đề xuất được đưa ra trong báo cáo về việc giải quyết sự bất bình đẳng trong giáo dục sau đại dịch Covid-19 do các chuyên gia giáo dục Quỹ Nuffield thực hiện.

Kỳ nghỉ hè còn 4 tuần nhưng giáo viên vẫn có đủ thời gian phục hồi sức khỏe. Tăng kỳ nghỉ giữa học kỳ vào tháng 2 và tháng 10 sẽ bổ sung thêm thời gian nghỉ ngơi cho học sinh và giáo viên trong những giai đoạn mệt mỏi nhất của năm học. GS LEE ELLIOT MAJOR (Quỹ Nuffield, Anh)

Theo công bố thời gian năm học 2024 – 2025 tại Vương quốc Anh, kỳ nghỉ hè sẽ kéo dài 6 tuần, từ 23/7 đến 2/9. Các kỳ nghỉ giữa học kỳ hoặc nghỉ lễ như nghỉ giữa kỳ mùa Thu, nghỉ Lễ Giáng sinh... sẽ kéo dài từ 4 ngày cho đến 1 tuần, tuỳ thuộc vào tính chất kỳ nghỉ. Đơn cử, kỳ nghỉ giữa học kỳ mùa Thu kéo dài từ 28/10 đến 1/11. Kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh bắt đầu từ 21/12 năm nay đến 5/1/2025.

Khung thời gian năm học tại Anh đã được duy trì từ năm 1837. Đó cũng là lý do các chuyên gia Quỹ Nuffield muốn thay đổi lịch học để phù hợp với thời đại hiện nay hơn. GS Lee Elliot Major, đồng tác giả báo cáo, chuyên gia xã hội học tại Đại học Exeter (Anh), nhận định việc thay đổi lịch học sẽ giải quyết các vấn đề giáo dục ngày càng trầm trọng sau dịch Covid-19.

Việc rút ngắn kỳ nghỉ hè xuống 4 tuần và tăng thời gian nghỉ giữa các học kỳ nhằm dàn đều số ngày nghỉ trong năm học. Điều đó giúp cải thiện phúc lợi của học sinh, thời gian làm việc của giáo viên, cân bằng chi phí chăm sóc trẻ em của phụ huynh, thậm chí nâng cao kết quả học tập cho nhiều trẻ em.

Chuyên gia này lập luận bước sang tuần thứ 6 của kỳ nghỉ hè là lúc trẻ em cảm thấy buồn chán. Kỳ nghỉ hè dài cũng ảnh hưởng đến hành vi vì các em đã rời xa trường học và các quy định một thời gian khá dài.

Chưa kể, trong thời gian trẻ nghỉ hè, phụ huynh vẫn đi làm nên họ phải thuê người chăm sóc con cái hoặc gửi con đến các cơ sở chăm sóc ban ngày. Kỳ nghỉ 6 tuần “khuếch đại” các chi phí này, biến nó trở thành gánh nặng, nhất là với những gia đình thu nhập thấp. Lạm phát tăng cao trong bối cảnh hiện nay cũng được lưu ý.

Vậy nhưng, kỳ nghỉ hè rút ngắn đồng nghĩa chi phí chăm sóc trẻ em cũng rút ngắn. Các em trở lại trường sớm hơn sẽ dễ dàng phục hồi các thói quen lành mạnh được xây dựng khi đi học.

Trước khi triển khai báo cáo, nhóm tác giả đã thu thập những ý kiến kêu gọi giảm thời gian nghỉ hè. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại trẻ em sẽ mất khả năng học tập do nghỉ quá lâu.

Một số học sinh, đặc biệt là những em gặp khó khăn về tài chính hoặc có nhu cầu học tập bổ sung, khó có thể quay lại học tập sau kỳ nghỉ dài. Do đó, học kỳ mùa Thu, ngay sau kỳ nghỉ hè, thường dành cho việc ôn bài cũ hơn là học kiến thức mới. Giáo viên cũng ghi nhận nhiều vấn đề về hành vi và sức khỏe của học sinh sau kỳ nghỉ hè.

Ý kiến trái chiều

Những lời kêu gọi thay đổi lịch học đã được các nhà hoạch định chính sách liên tục đưa ra. Vào năm 2013, Bộ trưởng Giáo dục Michael Gove đã kêu gọi thay đổi vì khung thời gian năm học đã được áp dụng từ thế kỷ 19. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục thời điểm đó không thể thuyết phục chính phủ thay đổi lịch học, thay vào đó, họ trao quyền nhiều hơn cho các trường học.

Cụ thể, các trường phổ thông có thể điều chỉnh khung thời gian năm học phù hợp với hoạt động giảng dạy của mình. Nhưng các trường cấp tiến cũng sớm bỏ cuộc do phụ huynh phản đối và không thể phối hợp lịch học với các trường khác.

Cuộc thăm dò gần đây của ứng dụng Teacher Tapp cho thấy trong ngành Giáo dục đang có những chia rẽ về kỳ nghỉ hè có nên rút ngắn hay không và rút ngắn bao nhiêu. Trong đó, 33% ủng hộ việc giữ nguyên kỳ nghỉ hè ở 6 tuần, 35% muốn rút ngắn xuống còn 5 tuần và 29% muốn giảm xuống 4 tuần.

Ông Geoff Barton - Tổng Thư ký Hiệp hội lãnh đạo các trường học và cao đẳng, nhận định: “Thay đổi thời gian nghỉ hè là ý tưởng được đưa ra trong nhiều năm và chắc chắn có nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều bằng chứng cho thấy những thay đổi có thể mang lại lợi ích cho học sinh, phụ huynh nhưng số khác cảm thấy chưa đủ thuyết phục”.

Theo chuyên gia này, việc thay đổi kỳ nghỉ hè có thể cải thiện hành vi của học sinh, khoảng cách giáo dục ở một mức độ nào đó. Nhưng nó khó có thể tuyển dụng và giữ chân giáo viên. Vì vậy, bất kỳ thay đổi nào cũng cần được xem xét đúng mức và không được vội vàng thực hiện.

Còn ông Francis Jones - Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục STEM At Home (Anh), đã nghiên cứu kỳ thi đánh giá năng lực học sinh quốc tế (PISA) để tìm điểm tương quan giữa kết quả thi và thời gian ở trường.

Ông kết luận: “Nhìn chung, kỳ nghỉ càng ngắn và trẻ em dành nhiều thời gian hơn ở trường thì chất lượng giáo dục càng được nâng cao. Có những trường hợp ngoại lệ như Estonia, Canada, nhưng nhìn chung, tại 25 quốc gia có thành tích tốt nhất, cho thấy mối tương quan giữa chất lượng giáo dục và kỳ nghỉ ngắn”.

Ngược lại, theo nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Giáo dục và Kinh tế Anh (NCEE), thời gian nghỉ hè và kết quả học tập của học sinh không có liên quan đến nhau.

Báo cáo có đoạn: “Không có mô hình nhất quán nào về số ngày học mỗi năm, thời gian nghỉ học hay thậm chí thời lượng một ngày học trung bình trong các hệ thống giáo dục hàng đầu. Điều này cho thấy khi nói đến thành tích của học sinh, điều quan trọng hơn thời gian trên lớp học là cách sử dụng thời gian này”.

Trong khi đó, Hiệp hội Nhà giáo Anh (NASUWT) bình luận đề xuất giảm kỳ nghỉ hè không còn xa lạ. Thay vì rút ngắn thời gian nghỉ, hệ thống giáo dục cần được đầu tư nhiều hơn, nhất là dịch vụ cho trẻ em và gia đình.

Trước đó, vào tháng 11/2023, các bộ trưởng Xứ Wales đã đề xuất thay đổi lịch học để các kỳ nghỉ dàn trải đều hơn. Cụ thể, thay vì nghỉ hè 5 tuần thì sẽ nghỉ hè 4 tuần.

Ông Jeremy Miles - Bộ trưởng Giáo dục và Ngôn ngữ xứ Wales, cho biết: “Kỳ nghỉ hè dài có thể gây căng thẳng. Các gia đình phải tìm người trông trẻ trong 6 tuần, theo sau là nhiều chi phí lớn. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất sẽ phải chịu tổn thất học tập nhiều nhất sau một mùa Hè dài”.

Ông Jason Elsom - Giám đốc tổ chức từ thiện Parentkind, cho biết: “Cuộc thăm dò gần đây với 6,8 nghìn phụ huynh xứ Wales cho thấy phần lớn ủng hộ kế hoạch dàn trải các ngày nghỉ học trong năm. Trong đó, 72% gia đình có thu nhập thấp”. Tuy nhiên, đề xuất chưa được thông qua.

Chính phủ Anh chưa đưa ra bình luận về đề xuất của Quỹ Nuffield. Trên thực tế, kỳ nghỉ hè 6 tuần ở Anh chưa phải quá dài nếu so sánh với các quốc gia trên thế giới và trong châu Âu nói riêng. Theo nghiên cứu hồi tháng 2/2024 của tờ Telegraph (Anh), Italy có thời gian nghỉ hè dài nhất là 13 tuần. Theo sau là Tây Ban Nha (12 tuần), Estonia (11,5 tuần), Bồ Đào Nha (11 - 13 tuần), Mỹ (10 - 11 tuần), Ireland (10 - 12 tuần). Quốc gia có kỳ nghỉ hè ngắn nhất thế giới là Hàn Quốc với 4 tuần.

Những quốc gia cũng nghỉ hè 6 tuần như Anh có thể kể đến như Australia, Đức, New Zealand, Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan...

Trẻ em Anh sẽ nghỉ hè từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2024.

Trẻ em Anh sẽ nghỉ hè từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2024.

Chi phí chăm sóc trẻ em vào dịp hè tại Anh rất đắt đỏ.

Chi phí chăm sóc trẻ em vào dịp hè tại Anh rất đắt đỏ.

Giải pháp trong kỳ nghỉ

Trong khi phụ huynh Anh phải đối mặt với chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ trong kỳ nghỉ, những quốc gia khác có nhiều biện pháp khác nhau để đối phó với thời gian nghỉ dài.

Đơn cử, tại Italy, chỉ 50% phụ nữ có việc làm so với 72% ở Anh vào năm 2022 nên các bà mẹ có thể ở nhà chăm sóc con cái. Italy cũng từng tranh cãi nhiều lần về vấn đề nghỉ hè. Từ năm 2000, nhiều thời kỳ Italy đã thảo luận về việc giảm thời gian nghỉ hè nhưng không thành công.

Năm 2008, Bộ trưởng Francesco Rutelli đã đề xuất giảm kỳ nghỉ hè xuống còn 12 tuần nhưng không thành công. Năm 2013, chính quyền Tổng thống Mario Monti xem xét giảm kỳ nghỉ hè từ 3 tháng xuống một tháng nhưng cải cách phải gác lại. Tương tự, năm 2015, Bộ trưởng Lao động Giuliano Poletti đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ còn một tháng để phục vụ các mục tiêu giáo dục khác nhưng không thu về kết quả.

Nguyên nhân chính là giai đoạn cuối tháng 6 đến đầu tháng 9, thời tiết ở miền Nam Italy nắng nóng rất khắc nghiệt. Nếu phải đi học vào thời điểm này, sức khỏe của học sinh sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng học sinh ở miền Bắc có khí hậu ôn hòa hơn không thể đi học sớm hơn ở miền Nam vì không thống nhất được lịch học chung trên toàn quốc.

Trẻ em Thụy Điển trải nghiệm nghề dệt truyền thống trong kỳ nghỉ hè.

Trẻ em Thụy Điển trải nghiệm nghề dệt truyền thống trong kỳ nghỉ hè.

Sau dịch Covid-19, Italy cũng cân nhắc rút ngắn thời gian nghỉ hè để các trường bổ túc kiến thức cho học sinh. Nhưng phụ huynh đều thống nhất rằng thời gian học bù là phụ thuộc vào từng trường, từng khu vực, không thể rút ngắn thời gian nghỉ cho toàn quốc.

Còn tại Thụy Điển, nơi có tỷ lệ việc làm tương tự Anh, cho học sinh nghỉ hè 3 tháng. Trong thời gian này, họ triển khai chương trình trại hè (kolko) dành cho học sinh từ lớp 1 - 9.

Các em sẽ đến sống tại các trang trại dân cư và trải nghiệm câu cá, chơi thể thao, làm việc nhà, làm việc ở trang trại... Các hoạt động có thể là miễn phí hoặc trả phí tối đa 28 bảng Anh mỗi ngày. Tuỳ theo khả năng chi trả của gia đình mà phụ huynh có thể đăng ký cho con những hoạt động phù hợp.

Cố vấn giáo dục của Chính phủ Anh, Ruth Lue-Quee tin rằng kỳ nghỉ hè dài giúp trẻ có thêm thời gian dành cho gia đình hay vui chơi. Cô gợi ý phụ huynh nên tổ chức nhiều hoạt động làm cùng trẻ trong kỳ nghỉ hè để có một thời gian nghỉ chất lượng như làm việc nhà, nấu ăn, du lịch, khám phá...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.