Liên tục ghi nhận người ngộ độc
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu. Người nhẹ thì suy gan, suy hô hấp, kẻ nặng phải trả giá bằng tính mạng. Những tưởng tác hại về rượu độc được bác sĩ cảnh báo thời gian qua sẽ giúp nhiều người, đặc biệt là… sâu rượu tỉnh táo hơn trong lựa chọn của mình. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.
Trung tâm Chống độc lại vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc do uống rượu chứa cồn công nghiệp (methanol). Bệnh nhân đầu tiên là nam giới, 52 tuổi ở Ba Đình (Hà Nội), uống rượu tại khu vực đường Kim Mã. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương cả 2 bên bán cầu não, toan chuyển hoá nặng. Xét nghiệm thấy nồng độ methanol trong máu lên đến 45,9 mg/dl, bệnh nhân đã được Trung tâm Chống độc điều trị bằng tất cả các liệu pháp tích cực với một tình trạng ngộ độc methanol nặng. Bệnh nhân thứ hai (41 tuổi) hiện điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với các biểu hiện tương tự như: Sốc nhiễm trùng, men gan và methanol cao…
Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng tình trạng của 2 bệnh nhân đều rất nặng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc), từ đầu năm đến nay đã có 34 bệnh nhân phải cấp cứu do ngộ độc methanol tại trung tâm. Trong số đó, 9 bệnh nhân tử vong tại viện hoặc bệnh nặng nên gia đình xin về. Nhiều bệnh nhân di chứng do tổn thương mắt, não nặng nề dù đã được lọc máu thải độc tích cực, tốn kém kinh phí.
Rượu và cái giá phải trả
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long, tính từ năm 2007 đến cuối tháng 3/2017, toàn quốc ghi nhận 58 vụ ngộ độc rượu (5,3% vụ/năm) do sử dụng rượu không an toàn làm 382 người mắc (trung bình 34,7 người/năm, 6,6 người/vụ) và 98 người chết (trung bình 8,9 người/năm, 1,7 người/vụ). Hầu hết các loại rượu đã sử dụng trong các vụ ngộ độc đều không rõ nguồn gốc, không được cấp Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, được kinh doanh nhỏ lẻ, bán rong hoặc sản phẩm do người tiêu dùng tự pha chế và nấu sẵn. Các loại rượu đã sử dụng trong 58 vụ ngộ độc: Rượu trắng là 12/58 vụ (20,7%), rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18/58 vụ (31,0%), rượu ngâm thuốc là 8/58 vụ (13,8%), rượu ngâm cây rừng độc là 13/58 vụ (22,8%)… Còn theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, rượu là nguyên nhân của 31 vụ đánh, giết nhau, 33 vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia như gan, dạ dày, tim mạch...
Vẫn biết rượu - bia và uống rượu là thói quen gắn với người dân từ lâu. Rượu - bia cũng góp phần không nhỏ vào nền kinh tế. Nhưng việc dùng sản phẩm này đến mức nghiện hay bị ngộ độc, thậm chí tử vong lại là chuyện khác. Từ những ca ngộ độc rượu cho thấy nó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân một người mà đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông…
Đáng lưu ý ở chỗ, tác hại của rượu - bia là có thật, được cảnh báo nhiều nhưng tỷ lệ người sử dụng lại không hề giảm. Số liệu của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, số người phụ thuộc vào đồ uống trên phải nhập viện điều trị ngày một nhiều. Có trường hợp do làm bạn với rượu trong thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp lại do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, còn ham sản phẩm rẻ. Do vậy, khi không may bị ngộ độc, cuộc sống vốn khó nay lại khó khăn hơn.
Tác hại của việc lạm dụng bia rượu hoặc sử dụng sản phẩm kém chất lượng đã rõ ràng. Vậy làm cách nào để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và cảnh giác với vấn đề rượu giả, rượu lậu, rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn. Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhằm ngăn ngừa việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm động thực vật, rượu trôi nổi không được chứng nhận an toàn, không được kiểm nghiệm độc tính. Tiến tới việc phát triển năng lực hệ thống quản lý, giám sát và phòng chống ngộ độc do rượu về nhân lực và trang thiết bị giám sát, kiểm định độc tính của rượu…