Nâng mũi thẩm mỹ tại spa, nữ sinh suýt thủng vách mũi
Cách đây ít tháng, khoa Tai Mũi họng Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí ctiếp nhận điều trị cho một người bệnh nữ sinh năm 2001, địa chỉ tại Thị xã Đông Triều bị áp xe (nhiễm trùng) mũi sau nâng mũi bằng phương pháp đặt sụn silicon tại Spa.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi nâng mũi tại cơ sở này khoảng 1 tháng thì thấy mũi sưng nề, đau nhức nhiều nên đã đến khám tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí.
Nhận thấy bệnh nhân bị sống mũi, cánh mũi người bệnh sưng nề, chính giữa mũi mềm lõm, ấn đau, có dịch, bác sĩ chẩn đoán áp xe vùng sống mũi và tiền đình mũi sau phẫu thuật nâng mũi.
Ngay sau đó, bệnh nhân đã nhập viện, tiến hành rút sụn silicon, bơm rửa vệ sinh hốc mũi hàng ngày. Sau theo dõi điều trị tại khoa Tai Mũi họng 7 ngày, người bệnh đã tránh được biến chứng nguy hiểm sau nâng mũi, đó là nguy cơ thủng vách ngăn mũi.
BSCKI. Uông Hồng Hợp - Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện cho biết, tình trạng sưng và nhiễm trùng của người bệnh có thể do quá trình nâng mũi không đảm bảo vô khuẩn, hoặc kỹ năng của người được phép hành nghề chưa vững vàng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ nếu có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn cơ sở được cấp phép của Bộ Y tế và phẫu thuật viên phải có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ để tránh những hậu quả khôn lường đến sức khoẻ bản thân.
Bị thủng mũi, hoại tử mông sau khi nâng mũi tại spa
Thông tin từ Bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc cho biết, nạn nhân là chị T.T.T.N (24 tuổi, ngụ Lâm Đồng). Theo chị N., cách đây không lâu chị được người quen giới thiệu nâng mũi tại spa C.R trên đường Hai Bà Trưng (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) với mức giá 25 triệu đồng.
4 ngày sau làm đẹp, mũi của chị N. bị nhiễm trùng, đau nhức, đầu mũi sưng tấy, ủ dịch đỏ. Để "chữa cháy", spa tiếp tục bơm một loại dung dịch vào mũi cho chị, đồng thời chủ spa giới thiệu chị N. bỏ thêm 4 triệu đồng mua 2 hộp sữa non để uổng "tăng thêm sức đề kháng".
Tuy nhiên tình trạng ngày càng trầm trọng. Chị N. quay lại spa và được tiêm kháng sinh vào mông, không ngờ mông bị hoại tử nặng. Sau 3 lần can thiệp, mũi chị N. từ chỗ lành lặn trở nên sưng tấy, mọc mụn, mưng mủ.
Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, cho biết qua thăm khám lâm sàng, mũi của chị N. bị nhiễm trùng hư hại nghiêm trọng; đầu mũi thủng dịch chảy mủ; lỗ thông sắp cắt đứt rời trụ mũi. Đặc biệt, chị N. còn được nhét hẳn cả khối sụn nhân tạo to cứng vào mũi với nhiều mũi chỉ khâu chằng chịt.
Mất hơn 4 tiếng đồng hồ, các bác sĩ mới có thể rút sụn nhân tạo, bơm rửa sạch toàn bộ ổ dịch, cắt lọc và loại bỏ mô hoại tử.
Êkip cũng giải phẫu ổ áp xe ở mông, giúp chị N không còn đau đớn. Bệnh nhân sẽ cần ít nhất 6 tháng để lành vết thương, khi đó mới có thể tái tạo mũi bằng phương pháp nâng mũi sụn sườn.
Sau xăm, môi rỉ mủ biến thành "mỏ chim"
Gần đây nhất, các bác sĩ Khoa Thẩm mỹ da của Bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp tai biến do xăm môi. Người phụ nữ tên T. 27 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, đến khám tại Khoa Thẩm mỹ da trong tình trạng môi sưng, đóng mài dày, chảy mủ, rỉ dịch đau rát, bong tróc, nhức kèm sốt.
Nhận thấy bệnh nhân đang gặp tình trạng tai biến nặng, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị.
Tại bệnh viện, bác sĩ thông tin cho biết, trường hợp tai biến của nữ bệnh nhân nguyên nhân có thể do dị ứng với mực xăm, bởi mực xăm màu đỏ thường dùng có tỷ lệ dị ứng cao.
Đặc biệt, bệnh nhân còn kèm theo tình trạng nhiễm trùng nặng, môi sưng phù, kèm theo chảy nhiều dịch mủ, tình trạng này có thể là hậu quả của việc xăm môi với kĩ thuật xăm không đảm bảo điều kiện vô trùng, cộng với việc chăm sóc và xử trí sau đó không thích hợp.
Theo bác sĩ điều trị, nữ bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Dự kiến quá trình điều trị cho nữ bệnh nhân này sẽ mất nhiều thời gian và bệnh nhân phải chịu những đau đớn nhất định.
Bên cạnh đó, tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng sau xăm có thể kéo dài hàng năm trời và có thể bị tái phát lại nhiều lần do những chất xăm môi đã vào trong môi nên không thể lấy ra được.
Biến dạng khuôn mặt, di chứng sẹo lồi sau khi tiêm filler
Bệnh viện Da Liễu, TPHCM tiếp nhận bệnh nhân là cô gái trẻ L.N.L.K. (26 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) trong tình trạng nổi hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt đóng mài vàng.
Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị chống nhiễm trùng, tuy nhiên sau tai nạn, cô gái sẽ đối mặt với di chứng sẹo lồi trên gương mặt.
Trước đó, K. đã đến một viện thẩm mỹ trên địa bàn để làm đẹp. Sau khi được tư vấn, người bệnh quyết định thực hiện phương pháp tiêm chất làm đầy cho 2 bên rãnh mũi và má giúp khuôn mặt cân đối hơn.
Sau khi tiêm bên trái, bệnh nhân thấy đau nhói, cơn đau tiếp tục kéo dài. Thấy bệnh nhân kêu đau, nhân viên cơ sở thẩm mỹ đã tiêm thêm một loại dung dịch khác cho rằng đó là "thuốc giải".
2 ngày sau người bệnh bị sưng đau môi và nhân trung bên trái. Nhận thấy tình trạng diễn tiến ngày càng nặng khiến bệnh nhân đã đến Bệnh viện cầu cứu.
Nở rộ trào lưu tạo tai Phật tăng tài lộc
Mới đây, ngày 19/1, đại diện khoa Phẫu thuật, Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân sinh năm 1985, ở Hà Nội trong tình trạng tấy đỏ, sưng vù vùng dái tai khiến tai bị biến dạng.
Quá trình khai thác bệnh sử được biết, do bệnh nhân thấy dái tai của mình khá mỏng và nhỏ nên muốn chỉnh sửa lại để có tướng mạo phúc hậu hơn, có thể để vận mệnh thêm phần may mắn.
Vì tiếc tiền, bệnh nhân đã tìm tới một cơ sở spa nhỏ, giá rẻ hơn nhiều so với bệnh viện để tiêm chất làm đầy filler.
Tại cơ sở spa, bệnh nhân được nhân viên giới thiệu tiêm filler chỉ mất 10 – 15 phút kèm với lời khẳng định của spa là phương pháp này không hề đau đớn, chảy máu hay biến chứng, sau khi tiêm 7 ngày thì dái tai sẽ đầy đặn, hài hòa với các đường nét trên khuôn mặt và cải thiện tướng số. Bệnh nhân lập tức tin và làm theo.
Kết quả sau khi được nhân viên spa tiêm chất này vào tai đã bắt đầu cảm thấy đau và chỗ tai tiêm ngày càng trở nên biến dạng.
Lúc này, bệnh nhân mới tìm tới Bệnh viện Da liễu Trung ương để cầu cứu. Theo bác sĩ, may mắn là bệnh nhân tới viện sớm nên vùng tai được tiêm filler tạo hình chưa xảy ra hoại tử. Tuy nhiên, bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và có thể sẽ để lại các vùng da lồi lõm, không được tự nhiên như ban đầu.