Rùa bò trên 3.000 tỷ

GD&TĐ - Bộ Giao thông Vận tải vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, tổng kinh phí dành cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm nay là 3.000 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó chi bảo dưỡng thường xuyên hơn 2.694 tỷ đồng; chi sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước hai và sửa chữa đột xuất là 260 tỷ đồng…

Cách đây 7 tháng, vào tháng 6/2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin vay 800 tỷ đồng không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của Tổng Công ty.

Báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty lỗ nặng với số tiền lên đến 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 900 tỷ. Nguyên nhân lỗ như trên được chỉ ra là do dịch Covid-19. Có lẽ đây là nguyên nhân “có lý” nhất mà bất cứ ai cũng phải thừa nhận.

Tuy nhiên, đứng trên toàn cục mà xét, không phải đến khi có dịch Covid-19, ngành đường sắt mới báo cáo lỗ với con số lên ngàn tỷ như thế mà hầu như năm nào, đơn vị này cũng báo cáo lỗ. Thừa hưởng một cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh của người Pháp để lại, song đường sắt Việt Nam là đơn vị kinh doanh vận tải thuộc dạng bết bát nhất trong Bộ Giao thông Vận tải hiện nay.

Nếu đem so sánh với tốc độ chạy tàu thời bao cấp, tức là “chạy chừng nào tới nơi cũng được” thì khoảng 20 năm nay, tốc độ chạy tàu có cải tiến, cung cách phục vụ có thay đổi đôi chút, song sự trì trệ vẫn còn hiện hữu trên mỗi toa tàu!

Rất khó hiểu khi cùng trên một quãng đường, đi trên một hạng ghế/giường nằm, cùng một con tàu đó nhưng chiều ra phía Bắc thì giá một đường mà chiều đi phía Nam thì giá một nẻo.

Lại cũng y như thế, nhưng các thứ 2 đến thứ 6 thì giá kiểu khác mà mua vé trúng thứ Bảy hoặc Chủ nhật thì giá tăng 10 - 15%! Ngành đường sắt đã đưa ra nhiều lý giải cho việc vô lý nói trên, trong đó việc tăng 10 - 15% giá vé ngày thứ Bảy và Chủ nhật là vì… khách đi đông hơn ngày thường! Chả nhẽ khách đi đông thì “bắt chẹt” khách sao?

Thực tế thì, không phải lúc nào thứ Bảy, Chủ nhật cũng đông khách như lý giải của ngành đường sắt. Là người đi tàu thường xuyên, tôi từng chứng kiến có hôm, nhiều buồng 4 giường chỉ có một khách.

Bản thân việc chưa tăng 10 - 15% ngày thứ Bảy, Chủ nhật, giá vé tàu đã đắt (có tuyến đắt hơn vé máy bay trên cùng quãng đường) nên nhiều khách đã chọn đi các phương tiện khác.

Một trì trệ nữa cũng xin được nêu ra đây. Nhiều buồng chỉ có một khách nhưng nhà tàu vẫn kiên quyết “giữ nguyên giá”, song nếu bạn lên tàu bằng… vé chui, bạn chỉ phải mất 1/2 tiền vé, thậm chí ít hơn. Nhân viên trên toa tàu sẽ “sắp xếp” cho những khách nào “mua không được vé” như thế.

Kể từ ngày “cải tiến”, việc bán hàng rong trên tàu không còn nhưng chính nhân viên ngành đường sắt đã thế chỗ cho số người bán hàng rong kia, gây phiền hà cho khách khi cứ dăm bảy phút lại có một xe đẩy ngay qua, nhân viên gõ cửa buồng mời mua đồ ăn thức uống!

Năm nào cũng báo lỗ, năm nào cũng xin Nhà nước hỗ trợ nhưng tình trạng “rùa bò” cả trong tốc độ chạy tàu lẫn cung cách phục vụ vẫn cứ tái diễn. Đó là điều rất lạ trong một cơ chế mà mọi doanh nghiệp đều bình đẳng như cách mà chúng ta vẫn nghe trên các diễn đàn lâu nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.