RSV - căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ

GD&TĐ - Virus hợp bào hô hấp (RSV) dù không mới, nhưng là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ.

Bệnh nhi mắc RSV điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi mắc RSV điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương. Ảnh: BVCC

Theo một số thống kê, có tới 90% trẻ em nhiễm loại virus này trong 2 năm đầu đời.

Gây tổn thương hệ hô hấp

Hằng năm, trong thời điểm giao mùa, số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) đến khám tại các bệnh viện có xu hướng tăng. Đặc biệt, virus gây ra những diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Thu – Đông hoặc Xuân – Hè (từ tháng 10 - 3 hàng năm).

Virus hợp bào hô hấp (còn gọi là virus RSV) là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi…

Thời gian qua, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ) tiếp nhận và thăm khám 40 trẻ. Trong đó, Khoa Nội nhi điều trị cho 70 trẻ. Trong số này, có 70% trẻ viêm đường hô hấp do virus RSV.

Theo BSCKI Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng khoa Nội nhi - Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, mọi năm, vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 ở nước ta, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có miễn dịch yếu nhập viện điều trị nhiễm virus hợp bào hô hấp, tạo thành dịch trên diện rộng.

Song, năm nay, ngay từ giữa tháng 9, các bệnh viện phía Bắc đã tiếp nhận hàng trăm ca nhiễm virus hợp bào hô hấp. Tại khoa, cứ 10 trẻ đến khám bệnh về hô hấp thì có tới 7 trường hợp mắc bệnh này.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cũng cho biết đã cấp cứu bệnh nhi nguy kịch do nhiễm RSV. Bệnh nhi là bé trai P.H.Đ (39 ngày tuổi, trú tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ).

Mẹ của bệnh nhi cho biết, trẻ ho nhiều kèm bú kém 2 ngày. Sau đó, trẻ khó thở nên được đưa tới bệnh viện cấp cứu, test RSV dương tính và chuyển ngay lên Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương.

Trẻ vào viện trong tình trạng thở rên, nhiều cơn ngưng thở dài kèm tím tái, chỉ số oxy máu giảm nặng đe dọa tính mạng. Nhận thấy tình trạng trẻ suy hô hấp nghiêm trọng, các bác sĩ Khoa Nhi đã ngay lập tức cấp cứu, đặt nội khí quản cho trẻ thở máy, điều trị hỗ trợ. Sau 4 ngày thở máy, tình trạng trẻ diễn tiến tốt lên. Trẻ được cai máy chuyển thở oxy trong 4 ngày. Sức khỏe trẻ dần ổn định.

Thời gian qua, các bác sĩ Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã tiếp nhận nhiều trẻ bị nhiễm RSV vào viện trong tình trạng suy hô hấp cần được hỗ trợ hô hấp, điều trị và theo dõi tại viện.

Hiện nay, mối nguy hiểm virus RSV đã và đang đe dọa đến sức khỏe của trẻ em đặc biệt nặng nhất ở trẻ dưới 2 tuổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng viêm đường hô hấp do virus RSV sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.

Theo BSCKI Đinh Xuân Hoàng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, RSV là virus có khả năng lây lan rất cao qua đường hô hấp, tiếp xúc gần gũi như hôn, nắm tay... Virus này gây ra tổn thương hệ hô hấp của trẻ như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi…

Bác sĩ Hoàng cho biết, khi trẻ có các dấu hiệu sốt cao hoặc không sốt kèm, ho, khò khè, hắt hơi, bỏ bú, thở nhanh, co lõm ngực, cần đưa bé tới bệnh viện khám ngay.

Triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh

Trong khi đó, Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Trung ương có 4 phòng bệnh đang điều trị cho bệnh nhi nhiễm virus hợp bào hô hấp. Trong đó, 1 phòng gồm nhiều bệnh nhi nặng. Trẻ nhập viện đều có các triệu chứng giống nhau.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, virus hợp bào hô hấp (RSV) dù không mới, nhưng là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ. Đồng thời, là căn nguyên phổ biến toàn cầu dẫn đến các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi. Theo một số thống kê, có tới 90% trẻ em nhiễm loại virus này trong 2 năm đầu đời, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn kém.

Nhiễm virus RSV có thể gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng từ triệu chứng nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè. Việc chẩn đoán sớm bệnh sẽ giúp giảm thời gian nằm viện, giảm sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị cho bệnh nhi.

TS.BS Hoàng Thị Bích Ngọc - Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tác nhân RSV có thụ thể với biểu mô đường hô hấp, đặc biệt với biểu mô phế quản. RSV gồm RSV A, RSV B. Virus này có nhiều hình thức lẩn trốn đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Do đó, trẻ dễ bị tái nhiễm bệnh. Phương pháp chẩn đoán trực tiếp là phổ biến, bao gồm phát hiện kháng nguyên và khuếch đại axit nucleic.

Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Thanh Tú - Phụ trách Trung tâm Quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc phát hiện sớm bệnh là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ trở nặng và biến chứng.

Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng của RSV không đặc hiệu và có thể trùng lặp với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus khác cũng như một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Vì vậy, cần phải xét nghiệm để phân biệt RSV.

Hơn nữa, các vắc-xin RSV còn đang trong quá trình nghiên cứu. Do đó, phòng bệnh cần dựa trên các yếu tố không đặc hiệu, như: Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm.

Đồng thời, cần cho trẻ ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng. Giữ gìn môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ. Khi ra ngoài, cần đeo khẩu trang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ