Virus RSV gây suy hô hấp nhanh

GD&TĐ - RSV là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh, đồng thời gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch vẫn còn kém.

Nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Dễ nhầm với cảm cúm

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) ghi nhận tình trạng gia tăng trẻ nhỏ mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là trẻ sơ sinh nhiễm virus RSV chuyển viêm phổi, suy hô hấp nhanh.

Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, tuần qua các giường điều trị tại Khoa Nhi đều kín bệnh nhân nhập viện do virus hợp bào RSV. Đáng lưu ý, có nhiều trẻ nhỏ tuổi, dưới 6 tháng, trẻ sơ sinh. Đa số trẻ nhập viện trong tình trạng khò khè. Một số trẻ suy hô hấp nặng phải thở bằng oxy.

Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng của bệnh rất dễ nhầm với cảm cúm thông thường. Nếu trẻ không được đưa đến các cơ sở y tế kịp thời, bệnh tiến triển rất nhanh và nặng gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi và suy hô hấp.

Trong khi đó, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhi nhập viện với các bệnh lý đường hô hấp tại bệnh viện tăng đáng kể. Đặc biệt là các trường hợp do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nên, đặc biệt đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Theo BSCKI Nghiêm Thị Mai Sang - Phó khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn, tỷ lệ trẻ nhiễm virus hợp bào trong Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh tại đơn vị này hiện chiếm khoảng 1/4 số bệnh nhi (khoảng 15 trẻ). Trong đó, có hai trường hợp là trẻ sinh đôi mới hai tháng tuổi, bị biến chứng nặng suy hô hấp đang phải thở oxy.

Bác sĩ cũng cho biết, đa số trẻ nhiễm virus RSV đều nhập viện trong tình trạng thở khò khè, sốt, một số trẻ bị suy hô hấp cần phải thở oxy hỗ trợ. Trường hợp bị suy hô hấp đa phần là ở trẻ nhỏ, từ 1 - 2 tháng tuổi.

Theo BSCKI Nghiêm Thị Mai Sang, RSV là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh. Đồng thời, gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch vẫn còn kém.

Việc điều trị bệnh do virus này gây ra với trẻ khá khó khăn. Dù không phải là một loại virus mới, nhưng đã có nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy, virus này gây bệnh nặng đối với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Virus hợp bào hô hấp gây suy giảm hệ miễn dịch. Hiện chưa có loại thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ Mai Sang cho biết, chỉ có thể tập trung điều trị bằng cách chăm sóc hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho các bé.

Virus này rất hay gây đồng nhiễm với các loại virus khác, cũng như với vi khuẩn. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ phải dùng thêm kháng sinh để điều trị.

Làm keo dính đường hô hấp

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh lây nhiễm virus RSV, cần giảm tiếp xúc, tạo môi trường sạch sẽ cho trẻ. Bởi, virus bám dính và sinh sống trên các bề mặt khá lâu. Tránh cho trẻ tiếp xúc với các bé đang có biểu hiện ho, khò khè.

Những trẻ bị suy giảm miễn dịch thì có thể tiêm kháng thể đơn dòng để tăng hệ miễn dịch. Với trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi có các biểu hiện ho, sốt, thở khò khè… cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.

Bác sĩ Tăng Thị Minh Thu - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khi thời tiết chuyển mùa từ Xuân sang Hè, Thu sang Đông, không khí có sự thay đổi, kết hợp giữa lạnh và ẩm, mưa lũ liên miên. Từ đó, tạo điều kiện cho virus sinh sôi nảy nở mạnh, đặc biệt là RSV.

RSV là virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi… Triệu chứng của bệnh nhẹ giống cảm lạnh, nặng có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những trẻ đang mắc các bệnh mạn tính như hen phế quản.

RSV có 2 tuýp A và B. Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8 - 22% trên toàn thế giới. Virus RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Nó dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra.

Trẻ có khả năng bị nhiễm RSV nếu ai đó mang virus này ho hoặc hắt hơi gần. RSV cũng truyền sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, như bắt tay với người bệnh hay chạm vào bề mặt có virus.

“Virus RSV xâm nhập vào mũi sẽ gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở. Virus đến các tiểu phế quản và phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí.

Thậm chí, dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp. Người bị nhiễm virus hợp bào có khả năng lây lan cao nhất trong vài ngày đầu sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan trong vài tuần sau đó”, bác sĩ Thu cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, hầu hết các trường hợp nhiễm RSV sẽ tự khỏi sau 1 - 2 tuần. Người bệnh có thể kiểm soát cơn sốt và cơn đau bằng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau, như acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Đặc trưng của RSV là làm keo dính đường hô hấp của người bệnh. Do đó, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là rửa mũi, long đờm thường xuyên cho bệnh nhân để làm loãng dịch. Từ đó, ngăn ngừa tình trạng bít tắc đường hô hấp.

Ngoài ra, một điều rất quan trọng đối với những người bị nhiễm RSV là uống đủ nước (nhằm đảm bảo đủ dịch để làm loãng đờm). Nếu người bệnh không thể nạp đủ lượng nước cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Cùng với biện pháp rửa mũi, tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể kê toa kháng sinh để kiểm soát triệu chứng và ngăn biến chứng bệnh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải thở oxy hoặc đặt nội khí quản để thở máy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.