“Rớt” lớp 10 công lập vào TCCN: Lối rộng nhưng “hẹp” người theo

GD&TĐ - Đường vào TCCN, TC nghề của HS rớt lớp 10 công lập xem ra rộng thênh thang nhưng phụ huynh, học sinh lại… không mấy mặn mà.

Học viên Khoa điều dưỡng Trường Trung cấp Ánh Sáng thực hành
Học viên Khoa điều dưỡng Trường Trung cấp Ánh Sáng thực hành

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, năm học 2015 - 2016 tổng chỉ tiêu vào lớp 10 ở các loại hình trường do Sở quản lý là 105.538 HS. Nếu trừ gần 65.000 chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập thì còn có hơn 40.000 chỉ tiêu vào các loại hình trường khác, trong đó đáng lưu ý là có hơn 12.000 chỉ tiêu vào Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). 

Cửa vào TCCN rất rộng

Theo các chuyên gia, khi không đậu vào lớp 10 công lập, với sức học trung bình, thậm chí dưới trung bình, chọn học TCCN, TCN là một giải pháp rất hay. 

Bởi học các trường TC, HS được nhiều lợi ích như: Thời gian học ngắn - 3,5 năm (nếu học xong THPT mới học TCCN thì thời gian mất 5 năm); Chi phí học thấp phù hợp với mọi gia đình; Nhanh đi làm, sớm có kinh nghiệm để khẳng định bản thân ; Trên 65% thời gian học là thực hành kỹ năng vì vậy dễ dàng tìm việc.

Ông Phạm Hữu Lộc - Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TPHCM) - cho biết: Nếu học chương trình 9+4, sau 4 năm học, các em vừa có bằng tốt nghiệp CĐ vừa có chứng chỉ tốt nghiệp THPT để có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. 

Còn nếu muốn học tiếp lên ĐH thì các em có thể học liên thông thêm 1,5 năm. Như vậy các em chỉ mất 5,5 năm là có bằng ĐH. Hơn nữa, từ năm 2014 - 2015, tất cả học sinh theo học hệ này đều được giảm 50% học phí. 

Các trường TCCN đều tổ chức liên kết với các trung tâm GDTX tổ chức dạy văn hóa cho học sinh. Do đó, sau khi hoàn thành chương trình học, học sinh vừa được cấp bằng tú tài vừa được cấp bằng TCCN.

Nhưng phụ huynh, học sinh chẳng mấy mặn mà

Có thể nói, chính sách khuyến khích phân luồng HS sau THCS vào TCCN rất rộng mở, thế nhưng, số HS tốt nghiệp THCS vào TCCN hằng năm rất hạn chế. 

Cụ thể như năm học 2011 - 2012, trong tổng số 78.045 HS tốt nghiệp THCS ở TPHCM thì chỉ có 8.301 HS vào học tại các trường. Con số này có tăng lên ở năm học tiếp theo là gần 9.000 HS.

Nguyên nhân trước tiên, có thể nói bắt đầu từ tâm lí của phụ huynh, học sinh. Một phụ huynh (đề nghị giấu tên), nhà ở quận 3 chia sẻ, con gái của chị thi tuyển vào lớp 10 rớt cả ba nguyện vọng nên gia đình dự kiến cho cháu học ở trường tư thục. 

Theo chị, “mình cũng muốn cho cháu học cho đầy đủ, bằng bạn bằng bè và bản thân cháu cũng rất thích theo học tiếp bậc THPT. Với lại cho cháu đi học nghề sớm quá, gia đình không yên tâm, cứ học hết THPT học cũng chưa muộn, giờ thời nào rồi mà không gắng gượng cho con học hết phổ thông chứ, cho cháu đủ lớn, chín chắn hơn đã, dù gì thì học nghề luôn cũng có những bất lợi nhất định, cả khi cháu ra đi làm chẳng hạn, các nhà tuyển dụng vẫn có cái nhìn khác về bằng cấp…”.

Bên cạnh tâm lý nhận thức của phụ huynh, học sinh, cũng có những nguyên nhân về phía nhà trường, chương trình đào tạo và tuyển dụng. 

Ông Đặng Văn Sáng -Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng (quận 12, TPHCM) cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phụ huynh HS vẫn có tâm lý không mặn mà với trường nghề do đó không tìm hiểu kỹ và có rất ít thông tin liên quan đến các trường này. 

Từ tâm lý đó, công tác hướng nghiệp của các trường cũng gặp những khó khăn nhất định. Ngoài ra, cũng phải kể đến một lý do đó là do chất lượng đào tạo của một số trường trung cấp vẫn còn chưa được đảm bảo, chưa tạo sự uy tín đối với người học.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm - Giảng viên thỉnh giảng các trường TC, CĐ chuyên ngành mầm non - cho rằng: Chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng ngoài công lập chưa bài bản, thiếu chuyên môn, thời lượng dạy của từng môn bị cắt xén. Nếu chỉ kiểm tra sổ sách của các cơ sở đào tạo này thì rất chỉnh chu nhưng chất lượng đào tạo bên trong còn nhiều bất cập.

Cần đẩy mạnh truyền thông khuyến nghề

Ngành Giáo dục và xã hội hiện nay đang rất nỗ lực để phát triển đào tạo hệ trung cấp. Nhưng cái khó nhất là cải thiện tâm lý “thương con” của phụ huynh. Nếu thương con còn bé, không bằng bạn bằng bè mà ép con lên THPT thì rất dễ… hại con. 

Đó là nhận định của nhiều nhà quản lý giáo dục. Thầy Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - lưu ý: Nếu con em mình có học lực trung bình, yếu thì phụ huynh đừng chạy theo phong trào, cố ép con mình học tiếp bậc THPT. 

Thực tế đã chứng minh, rất nhiều học sinh dù có học lực trung bình khá ở lớp 9 nhưng khi đỗ vào lớp 10 thì không theo kịp chương trình học nâng cao và phải nghỉ học giữa chừng. 

Thầy Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng (quận 12, TPHCM) cho biết: Những kiến thức ở bậc THPT hoàn toàn khác với THCS, nên thay vì ngồi học văn hóa mà không tiếp thu bài được, học kiểu đối phó, gây chán nản, bỏ bê thì việc học nghề tạo cho các em cơ hội được thực hành rất nhiều, tránh sự nhàm chán với những lý thuyết suông và phát huy sở trường, sở thích, khả năng nên các em học rất nhanh, lại sáng tạo, nhiều em thi nghề đạt giải cao.

Để cải thiện tâm lý, nhận thức của phụ huynh, học sinh, cần tăng cường đẩy mạnh truyền thông tư vấn và khuyến nghề. Thực tế vẫn có những phụ huynh đã chọn ngay trường nghề khi con không thể tiếp tục vào lớp 10 các trường công lập trên địa bàn nhờ được tư vấn, truyền thông kỹ.

“Học THPT, sau 3 năm HS sẽ dự thi THPT quốc gia, kết quả tốt có thể trúng tuyển vào ĐH và học thêm 4 năm. Như vậy các em sẽ mất 7 năm mới có bằng ĐH. 

Trong khi đó, nếu chọn trung cấp, các em mất khoảng 3,5 năm vừa học trung cấp, vừa học văn hóa, thêm 1 năm học liên thông CĐ và 2 năm học liên thông lên ĐH thì các em mất khoảng 6,5 năm. Như vậy, các em sẽ rút ngắn được khoảng cách vào ĐH”.

Cô Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Tuyển sinh – Hướng nghiệp việc làm, Trường CĐ Nghề TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ