Rơi nước mắt với "Cha cõng con"

Chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng về tình cha con, nhưng Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng đủ mang đến sự rung động bởi những tình cảm rất đỗi chân thành.

Rơi nước mắt với "Cha cõng con"

(Nguồn: Youtube)

Ngày 5-4, bộ phim “Cha cõng con” đã chính thức ra mắt khán giả. Bộ phim kể về câu chuyện hai cha con Mộc - Cá sống và đùm bọc lẫn nhau trong ngôi nhà xập xệ bên sông.

Vợ mất sớm, anh Mộc cứ thế ở vậy nuôi con. Mỗi lần lũ về, hai cha con vội vàng gói ghém đồ đạc, dìu dắt nhau lên cái lán chung mà nhiều gia đình vẫn thường đến đó ở để tránh lũ. Người lớn thì trăm nỗi lo toan, nhưng bọn trẻ con lại lấy làm vui vì chúng được tụ tập chơi đùa cùng nhau. Cuộc sống của hai cha con Mộc- Cá cứ êm đềm trôi qua cho đến một ngày Cá trở bệnh, nôn ra máu rồi yếu dần. Nghiệt ngã thay, ngày anh Mộc “cõng” con đến gần với ước mơ của mình cũng chính là lúc phải đưa con lên thành phố để khám bệnh.

Câu chuyện được dẫn dắt bởi những cảm xúc bình dị như ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Không đẩy người xem lên cao trào của cảm xúc, không nút thắt, không cần phải gợi mở quá nhiều, mọi chuyện cứ thế mà diễn ra, không gượng ép.

Roi nuoc mat voi

Hình ảnh anh Mộc cùng con trai là Cá luôn mang đến cảm giác ấm áp, được chở che trong suốt 90 phút của bộ phim. Ảnh: Internet.

Thực ra mà nói, câu chuyện trong Cha cõng con không mới, người xem có thể đoán được tình tiết xảy ra tiếp theo. Nhưng chính cảm xúc, sự trong trẻo trong từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói trong từng chi tiết mà các nhân vật đang kể trên màn ảnh là sợi dây xuyên suốt, như mạch ngầm kết nối đến trái tim của người xem. Nó có thể khiến người ta bật cười, nhưng cũng dễ dàng bật khóc. Khóc và cười theo cái cách rất đời!

Đó là sự vụng về của một người cha khi mua cho con chiếc áo len 30 nghìn, rồi tròng vào người con mà thằng bé lại bảo: “Nóng quá”. Người bố không còn cách nào lại bảo thôi cởi ra để Tết mặc...

Là Cá hồn nhiên nhớ lời bố dạy: “Đàn ông không cần tắm thì vẫn cứ là đàn ông”... Rồi hình ảnh những đứa trẻ vây quanh chú Mùi, đòi nghe kể về chuyện thành phố, thằng bé Cún cầm gậy đứng lên diễn theo lời chú Mù kể... Đó, những chi tiết nhỏ, sự hồn nhiên như vậy lại dễ gây thiện cảm cho người xem.

Cái khát vọng của một đứa trẻ ở vùng quê nghèo, sự âm thầm theo dõi từng bước chạy của người bố khi chèo chiếc thuyền theo sau, nhìn bóng lưng con mãi đuổi theo để nhìn chiếc máy bay trên bầu trời từ đầu bộ phim mãi là hình ảnh ám ảnh người xem đến cuối cùng.

Chẳng ai biết được rằng, ngày Cá được lên thành phố để được nhìn thấy “tòa nhà tương lai” như chú Mùi kể, nhìn thấy người thành phố với vô vàn thứ đồ chơi, nơi tụi trẻ nói tiếng Anh “xì lồ xì là” lại là ngày Cá phải chống chọi với bệnh tật của mình.

Hình ảnh bố con Cá nhỏ bé, cô đơn trên chiếc thuyền lọt thỏm giữa sông nước mênh mông ngược về thành phố để điều trị căn bệnh ung thư máu trên nền nhạc nhẹ nhàng thực sự là hình ảnh khó quên. Đẹp, ấn tượng, ám ảnh và quá giàu cảm xúc!

Roi nuoc mat voi

Hình ảnh xúc động của hai cha con khi Cá bị bệnh. ẢNH: Internet.

Nước mắt người xem cứ thế chảy ra, không chút gượng ép!

Những ngày hai cha con đối mặt với căn bệnh ung thư máu ở bệnh viện, vẫn thấy được ở họ niềm tin để sống tiếp, không chút bi lụy. Cái nghèo, cái khó bó chặt cuộc sống hai cha con nhưng họ vẫn tìm thấy niềm vui và sự hạnh phúc khi được ở gần nhau, thủ thỉ với nhau về ước mơ và bố Cá ôm con thật chặt trong vòng tay. Đôi mắt người cha buồn, đầy đau khổ và ám ảnh nhưng không phải là sự tuyệt vọng!

Anh vẫn đủ sức để cõng con đi tới ước mơ của mình, như cái cách mà anh Mộc hỏi cô kế toán rằng để kiếm được 800 triệu ghép tủy cho con thì anh phải bắt bao nhiêu con cá mới đủ (mỗi con bán được năm nghìn đồng)...

Anh cõng con đi hết tất cả những bậc thang của tòa nhà cao nhất thành phố, mồ hôi nhễ nhại chỉ để con một lần được nhìn thấy “tòa nhà tương lai”.

Trên chiếc xe đạp cọc cạch, anh chở con đến nơi mà ở đó có rất nhiều “con chim thành phố” (cách mà Cá gọi những chiếc máy bay bay trên bầu trời) để con thỏa ước nguyện.

Roi nuoc mat voi

Ước mơ lúc còn ở quê là nhìn thấy tận mắt "con chim thành phố" của Cá trở thành hiện thực khi em lên thành phố để điề trị bệnh. Ảnh: Internet.

Những ngày ở thành phố, Cá chạm tay tới những ước mơ trẻ con của mình. Nhưng nghiệt ngã thay, nụ cười mãn nguyện của Cá không thể kéo dài mãi. Lời hẹn với đám bạn ở quê rằng mai này lớn lên sẽ tung hoành ngang dọc ở cái thành phố tương lai đó chưa thể thực hiện được thì Cá lại bảo: “Mình về nhà đi bố” vì em đã quá mệt mỏi với căn bệnh ung thư máu.

Anh Mộc đưa con về quê, bảo rằng hai cha con lại cùng bắt 160.000 con cá để chữa khỏi bệnh cho Cá... Số cá đó không biết khi nào mới bắt xong, nhưng sức khỏe của Cá thì không ai có thể nói trước được.

Có lẽ, không nơi đâu ngoài chữ “nhà” có thể mang lại sự yên bình cho hai bố con Cá cả. Nơi đó có ước mơ được dọn nhà lên đỉnh đồi để nhìn thấy “con chim thành phố” thường xuyên hơn, để chạm gần đến những đám mây bồng bềnh trên nền trời xanh thăm thẳm... Ước mơ thì mãi còn đó, mà người vẽ nên ước mơ lại quá nhỏ bé trước thế gian này. Anh Mộc sẽ cõng con đi mãi để chạm tới khao khát đó, dù thời gian không còn nhiều.

Bộ phim khép lại bằng hình ảnh hai cha con cười đùa chạy trên triền đồi... Mãi mãi, người cha vẫn là điểm tựa vững chắc cho đứa con thơ. Hạnh phúc đơn giản chỉ như vậy thôi mà cứ khiến người xem thút thít!

Theo PLO

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.