Rối loạn thần kinh thực vật

GD&TĐ - Rối loạn thần kinh thực vật có các tên gọi khác là rối loạn thần kinh tim hoặc cường giao cảm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tuy diễn biến không quá nặng nề và không có khả năng gây chết người, nhưng bệnh rối loạn thần kinh thực vật thường tái diễn khiến nhiều người lo lắng, thậm chí… điên đầu.

Nguy cơ cao khi về già

Rối loạn thần kinh thực vật có các tên gọi khác là rối loạn thần kinh tim hoặc cường giao cảm. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Một số người mắc do di truyền. Sau đây là các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thường gặp:

- Người cao tuổi. Tuổi càng cao, nguy cơ bị rối loạn thần kinh thực vật càng gia tăng.

- Người có cơ địa dễ bị tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị.

- Người phẫu thuật vùng cổ hoặc xạ trị gây ra tổn thương các dây thần kinh liên quan.

- Người mắc các bệnh lý tự miễn như viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, hội chứng Sjogren…

- Cơ thể tự tấn công mình do miễn dịch “nhầm lẫn” ở các bệnh nhân mắc bệnh ung thư hoặc cận ung thư.

- Những người có “thâm niên” với các bệnh đái tháo đường, bệnh Parkinson, nghiện rượu hoặc một số bệnh truyền nhiễm khác.

Các biểu hiện của bệnh rối loạn thần kinh thực vật diễn ra rất phong phú dưới nhiều “cung bậc cảm xúc” khác nhau và thay đổi theo từng người bệnh, từ nhẹ nhàng thoáng qua nhanh đến “vật vã” kéo dài. Tất cả các biểu hiện phong phú đó đều xoay quanh các vấn đề về sức khỏe chủ yếu sau: Nhức đầu chóng mặt, hồi hộp ngực, cảm giác thở khó.

- Cảm giác râm ran, mệt ngực, hồi hộp đánh trống ngực, gia tăng nhịp tim. Đây là biểu hiện thường gặp nhất.

- Trạng thái lâng lâng, chóng mặt, nhức đầu, choáng váng và thậm chí không giữ được thăng bằng khi đi đứng.

- Người bệnh thấy thở hụt hơi, thở khó và thở gấp. Để thở cho dễ đàng hơn họ phải tiêu tốn nhiều sức lực so với lúc bình thường.

Ngoài ra, người bệnh còn gặp các biểu hiện sau đây:

- Cảm giác lo âu, hoảng hốt và có thể bị ngất.

- Mệt mỏi, thiếu sức sống, đau nhức xương khớp, tay chân run, vã mồ hôi.

- Ngủ khó, ngủ không sâu và thậm chí mất ngủ do tâm lý lo lắng, căng thẳng.

- Rối loạn các chức năng hệ tiết niệu và sinh dục như tiểu đêm, bí tiểu, tiểu mất kiểm soát, giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt và khô âm đạo ở nữ giới.

- Rối loạn các chức năng hệ tiêu hóa như bụng đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn và thậm chí gây ra tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.

- Rối loạn chức năng hệ da và bài tiết như khô da, giòn móng, rụng tóc...

roi-loan-than-kinh-thuc-vat-1-6873.jpg
Minh họa/INT

Hướng điều trị và cách phòng ngừa

Trong một số trường hợp, các biểu hiện ban đầu của người bị rối loạn thần kinh thực vật gây khó khăn và thậm chí nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị với các bệnh lý khác có dấu hiệu tương tự.

Có hai phương pháp điều trị, gồm: Nội khoa (chỉ dùng thuốc) và ngoại khoa (can thiệp phẫu thuật). Các phương pháp phối hợp điều trị khác như châm cứu và vật lý trị liệu. Người bệnh có thể được hướng dẫn phương pháp tự tắm nóng - lạnh tại nhà nhằm kết hợp mang lại kết quả điều trị tốt nhất.

Điều kỳ lạ là, bệnh có thể tự biến mất mà không cần đến sự can thiệp của bất cứ người thầy thuốc nào và cũng không có người thầy thuốc nào khẳng định sẽ chữa khỏi hoàn toàn bệnh này. Nhìn chung, người bệnh thường… tự ý hoặc được chỉ định sử dụng các loại thuốc làm giảm nhẹ các triệu chứng hồi hộp, nhức đầu, chóng mặt, run tay, mất ngủ…

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật có quá nhiều nguyên nhân gây ra, nên không có biện pháp nào gọi là phòng bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, các chuyên gia đưa ra những lời khuyên cần thực hiện nhằm hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ:

- Tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng hoặc stress.

- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng một cách khoa học và hợp lý. Chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây. Khuynh hướng ăn nhạt tốt hơn ăn mặn.

- Thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên thể dục, thể thao rèn luyện thân thể.

- Nếu có các bệnh lý liên quan thì cần được điều trị sớm và kiểm soát tốt. Tái khám theo lịch hẹn hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị và thời gian điều trị, không tự ý ngưng dùng thuốc hoặc thêm bớt các loại thuốc khác trong thời gian điều trị. Luôn nhớ rằng, thuốc Tây là “con dao hai lưỡi” và các nhà chuyên môn được đào tạo để biết cách điều khiển con dao hai lưỡi đó một cách có lợi nhất cho người bệnh.

Rối loạn thần kinh thực vật, dù không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng nó lại gây ra rất nhiều phiền toái bởi mức độ “thường trực” và làm giảm chất lượng học tập, lao động và chất lượng sống của người bệnh. Do đó, nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám và xác định sớm để điều trị và kiểm soát có hiệu quả.

Cơ thể con người có hai hệ thần kinh hoạt động tuy đối lập nhau nhưng lại tương tác rất chặt chẽ trong việc cân bằng tất cả mọi hoạt động của các bộ phận cơ quan. Đó là hệ thần kinh giao cảm (Sympathetic Nervous System) và hệ thần kinh đối giao cảm hay phó giao cảm (Parasympathetic Nervous System). Hai hệ thần kinh này điều hòa các chức năng sinh tồn của con người, tiêu biểu như nhịp tim, huyết áp, thân nhiệt, mồ hôi… Và “bản chất” của rối loạn thần kinh thực vật chính là sự mất thăng bằng giữa hai hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ