Trong cơ thể của mọi sinh vật, chuyển hóa là quá trình hoạt động sống. Các cơ chế kiểm soát sự chuyển hóa vô cùng tinh vi và phức tạp. Ngừng chuyển hóa đồng nghĩa với chấm dứt sự sống. Sự rối loạn chuyển hóa tạo ra những bệnh lý mà trong nhiều trường hợp là nan giải.
Bất thường trong quá trình trao đổi chất
Rối loạn chuyển hóa là sự bất thường xuất hiện trong quá trình trao đổi chất ở cấp độ tế bào của các cơ quan trong cơ thể. Sự bất thường này làm cho cơ thể mất kiểm soát, hoặc hấp thu quá ít hoặc hấp thu quá nhiều chất dinh dưỡng. Điều đó gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Toàn bộ các cơ quan trong cơ thể đều chịu sự tác động của rối loạn chuyển hóa.
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa.
Các nguyên nhân thường gặp, gồm:
- Bệnh lý hoặc khiếm khuyết của các cơ quan gây ảnh hưởng quá trình trao đổi chất.
- Người suy dinh dưỡng, thiếu các loại vitamin và đặc biệt là thiếu các enzym xúc tác quá trình trao đổi chất.
- Phản ứng hóa học bất thường xuất hiện vì một nguyên nhân nào đó.
Những người sau đây thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa:
- Thừa cân, béo phì.
- Người cao tuổi và người lười vận động.
- Chế độ ăn bất thường và không điều độ.
- Người mang yếu tố di truyền của gia đình.
- Mắc một số bệnh lý như gan nhiễm mỡ, hội chứng ngưng thở khi ngủ, phụ nữ có bệnh buồng trứng da nang, đái tháo đường thai kỳ.
Tạo nhiều bệnh lý
Sự rối loạn chuyển hóa tạo ra nhiều loại hình bệnh lý khác nhau. Sau đây là một số bệnh lý thường gặp:
- Đái tháo đường: Là bệnh thường gặp nhất của rối loạn chuyển hóa trong cơ thể con người. Trong máu của người bệnh có lượng đường máu rất cao nhưng không thể vận chuyển vào tế bào để làm “chất dinh dưỡng” tạo năng lượng cho hoạt động.
- Kém hấp thu galactose: Xảy ra do sự rối loạn vận chuyển đường trong hệ tiêu hóa. Đường từ trong lòng ruột bị hạn chế tiếp nhận, do đó, các tế bào bị “suy dinh dưỡng” và thiếu năng lượng hoạt động.
- Không đào thải sắt: Nguyên tố vi lượng sắt (Fe) đưa vào cơ thể không được đào thải, nên gây tình trạng dư thừa. Lượng sắt dư thừa tích tụ tại gan và lách làm cho các cơ quan này “ngộ độc sắt” và ngày càng phình to kích thước.
- Bệnh Gaucher: Xảy ra vì thiếu một loại men (enzym) phân hủy chất béo trong cơ thể. Do đó, chất béo dư thừa tích tụ lại trong gan, tủy xương và lách.
- Bệnh Phenylceton niệu: Bệnh này cũng do thiếu hụt enzym để chuyển hóa các chất có khả năng gây độc trong cơ thể thành các chất không độc. Tình trạng bệnh xảy ra ở trẻ em sẽ gây tổn thương đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần.
Bệnh do rối loạn chuyển hóa tác động đến hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Các biểu hiện chung của bệnh do rối loạn chuyển hóa gây ra bao gồm: Cảm giác mệt mỏi, ăn uống kém ngon, cân nặng thay đổi bất thường, gân cơ suy yếu, sắc tố da thay đổi, kém phát triển thể chất và tinh thần ở trẻ nhỏ. Ngoài ra còn có thể gặp các biểu hiện khác như buồn nôn và nôn, rối loạn tiêu hóa, đau vùng bụng...
Khi sự rối loạn chuyển hóa trong cơ thể mới xảy ra, biểu hiện và diễn tiến của bệnh còn nhẹ, cơ thể có khả năng tự điều chỉnh để bù trừ, xem như “chưa có chuyện gì xảy ra”. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể bất lực, mất khả năng bù trừ, các “tai họa” sau đây có thể ập đến: Gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, tiểu đường, suy thận, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
Các dấu hiệu sau đây đem lại sự nghi ngờ về sự rối loạn chuyển hóa của một người:
- Vòng eo đột ngột tăng trưởng (đo vòng eo, nam > 90cm và nữ >80cm).
- Đường huyết lúc đói >5,6mmol/L (hoặc >100mg/dL).
- Huyết áp trong vùng giới hạn cao (>130/>85mmHg).
- Xét nghiệm chỉ số HDL thấp (nam < 40mg/dL, nữ < 50mg/dL).
Hướng điều trị và cách phòng bệnh
Việc điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh cụ thể. Người thiếu vitamin, thiếu khoáng chất, thiếu enzym thì cung cấp cho đầy đủ. Trường hợp không có enzym thì hạn chế thực phẩm có liên quan để tránh biến thành chất có hại cho cơ thể. Bệnh nhân đái đường phụ thuộc Insuline thì cung cấp Insuline. Ngoài các thuốc điều trị, người bệnh đái đường cần thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt như sau:
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả và giảm lượng tinh bột đưa vào cơ thể.
- Trong ngày, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn là “cơm ngày 3 bữa”.
- Thường xuyên thể dục thể thao và rèn luyện thể lực phù hợp với khả năng.
- Kiểm soát huyết áp và kiểm soát mỡ máu.
- Tránh gia tăng trọng lượng cơ thể. Duy trì BMI trong khoảng 18 - 22.
Sự rối loạn chuyển hóa có thể hạn chế tỉ lệ mắc nhờ thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý bằng cách ăn nhiều rau xanh, ít tinh bột, hạn chế thịt đỏ, nội tạng và mỡ động vật, thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện thân thể, tránh bị thừa cân, béo phì. Nếu có biểu hiện nào nghi ngờ bị rối loạn chuyển hóa trong cơ thể thì cần đi khám càng sớm càng tốt để phát hiện bệnh lý liên quan sớm và điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng nặng nề và đáng tiếc.