Rối loạn ăn uống trong người trẻ: Dấu hiệu của căn bệnh 'ẩn mình'

GD&TĐ - Những người mắc hội chứng cuồng ăn, ăn không ngơi miệng có thể gặp vấn đề liên quan tâm thần, cần được điều trị can thiệp.

Bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ tâm thần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ tâm thần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Khởi phát ở tuổi vị thành niên

Viện Sức khỏe Tâm thần đã tiếp nhận trường hợp nữ sinh đến khám do ăn uống vô độ. Qua quá trình tiếp xúc, bác sĩ nhận thấy, bệnh nhân là người dễ xúc động, yêu bản thân.

Theo chia sẻ của nữ sinh, vào năm cuối lớp 12, em có yêu một bạn nam nhưng bị từ chối vì béo. Từ đó, em đã tìm mọi cách để thay đổi bản thân. Khi vào đại học, nữ sinh giảm cân bằng cách ăn duy trì 2 bữa/ngày liên tục trong 6 - 7 tháng, kết quả đã giảm được 8kg.

Do giảm cân nhiều, em cảm thấy hình thể quá gầy nên bắt đầu ăn nhiều hơn, thích ăn thức ăn giàu năng lượng. Tuy nhiên, sau những bữa ăn như vậy, em bắt đầu cảm thấy hối hận.

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Phó Phòng Điều trị rối loạn cảm xúc và ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, số lượng cơn thèm ăn của bệnh nhân ngày càng tăng lên. Bệnh nhân tìm mọi cách để ăn nhiều hơn. Sau mỗi bữa ăn giàu năng lượng, bệnh nhân dùng thuốc nhuận tràng và nhịn ăn.

Trung bình mỗi tuần, nữ sinh xuất hiện 3 - 4 cơn thèm ăn. Cơn thèm ăn còn xuất hiện cả vào ban đêm. Bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, không thể đi học, tâm trạng bi quan, chán nản, ít tiếp xúc với mọi người, không hứng thú, dễ cáu gắt, kết quả học tập kém… Lúc này, người nhà mới đưa nữ sinh tới bệnh viện khám.

Kết quả cho thấy, bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ tâm thần. Bệnh nhân đã được sử dụng thuốc chống trầm cảm, điều trị nội trú một tháng và giảm các cơn thèm ăn uống. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân hết cơn thèm ăn, cảm xúc ổn định.

Đáng chú ý, tình trạng này không phải hiếm gặp ở người trẻ ngày nay. Tại Phòng Rối loạn cảm xúc và ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh nhân tâm thần ngoại trú hiện nay rất nhiều. Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó Phòng Điều trị rối loạn cảm xúc và ăn uống, Viện Sức khỏe Tâm thần thông tin, bệnh thường khởi phát ở tuổi vị thành niên và chủ yếu ở nữ giới, chiếm tới 75%. Trong đó, nhiều nhất là ở phụ nữ từ 20 - 29 tuổi.

Theo bác sĩ Tùng, một trong số các nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, phụ nữ bị tiểu đường có nguy cơ mắc chứng ăn vô độ cao hơn những người không mắc bệnh. Sự căng thẳng, xấu hổ về việc bị chê bai cân nặng là cũng yếu tố quan trọng thúc đẩy trẻ thanh thiếu niên (đặc biệt là nữ giới) mắc rối loạn ăn vô độ tâm thần.

Bệnh hay bị nhầm lẫn

Theo chuyên gia này, bệnh nhân rối loạn tâm thần ăn vô độ cũng có xu hướng lạm dụng rượu và các chất gây nghiện. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: Tổn thương, viêm dạ dày, đau họng hoặc xuất huyết tiêu hóa. Với trường hợp lạm dụng thuốc nhuận tràng, người bệnh có thể gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa mất trương lực cơ, mất cân bằng điện giải, rối loạn nhịp tim, thiếu máu.

Bác sĩ Tùng khuyến cáo, khi gặp các vấn đề rối loạn ăn uống, mọi người nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách. Người bệnh ăn vô độ tâm thần thường có cân nặng của cơ thể bình thường hoặc trên trung bình một chút, nhưng luôn bị ám ảnh về cân nặng.

Người bệnh lặp đi lặp lại việc ăn vô độ và không thể ngừng ăn. Người bệnh có xu hướng tự gây nôn, tập thể dục quá mức, gặp các vấn đề men răng do thường gây nôn.

Người bệnh cũng có xu hướng lạm dụng thuốc nhuận tràng, nhu động ruột bị tổn thương, mệt mỏi, ít năng lượng, thiếu tự tin về bản thân và ngoại hình, xuất hiện cảm giác bản thân ăn nhiều, chán ghét bản thân, than phiền, chán nản, bận tâm quá mức về cơ thể.

Bác sĩ Tùng cho biết, bệnh nhân ăn uống vô độ thường đi khám tại các khoa tiêu hóa, nội tiết, tai mũi họng. Chỉ đến khi cơ thể tổn thương kèm theo các rối loạn tâm thần, bệnh nhân mới đến khám tại khoa tâm thần.

Rất nhiều người mắc rối loạn ăn uống nhưng bị nhầm thành bệnh khác. Thậm chí, có trường hợp được chẩn đoán mắc rối loạn ăn uống nhưng không chịu thừa nhận bản thân mắc chứng bệnh tâm thần này, dẫn tới hậu quả xấu.

Theo các chuyên gia y tế, không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa chứng rối loạn ăn uống, nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách tìm hiểu về các dấu hiệu, triệu chứng và rủi ro.

Tránh ăn kiêng cấp tốc và các hành vi giảm cân không lành mạnh. Tránh tự nói chuyện tiêu cực và học cách đánh giá cao chức năng của cơ thể. Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu hành vi trở nên có vấn đề.

Mặc dù nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống có biểu hiện bên ngoài rất tốt, xuất sắc trong công việc và gia đình, nhưng bên trong, cơ thể họ gặp khủng hoảng. Với người mắc bệnh này, có trường hợp hồi phục hoàn toàn, có người trải qua các giai đoạn phục hồi và tái phát. Trong khi đó, một số người bị bệnh mạn tính hoặc thậm chí là tử vong.

Rối loạn ăn uống có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh tâm thần. Ước tính khoảng 20% số người mắc chứng rối loạn ăn uống cuối cùng sẽ tử vong vì các biến chứng như nhịp tim không đều hoặc rất thấp (loạn nhịp tim), ngừng tim đột ngột, bệnh gan nặng hoặc tự tử.

Ngay cả những người sống sót cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như: Mất xương không thể phục hồi; mất và yếu cơ, bao gồm cả cơ tim; thiếu máu; mất nước nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy thận; da khô và rụng tóc; tiêu hóa chậm (liệt dạ dày); ngất xỉu, mệt mỏi và suy nhược tổng thể. Người bệnh cũng có nguy cơ bị kinh nguyệt không đều hoặc mất ham muốn tình dục, trầm cảm.

Ngoài ra, những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường mắc thêm các bệnh lý khác. Các tình trạng sức khỏe thường xảy ra khi mắc chứng rối loạn ăn uống bao gồm: Lo lắng; trầm cảm; rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD); rối loạn nhân cách ranh giới (BPD); rối loạn lạm dụng chất gây nghiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.